Ung thư phổi: dễ lầm bệnh khác

  •  
  • 2.517

Phát hiện trễ, mạng sống người bệnh ung thư phổi chỉ tính bằng tháng. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, bác sĩ không chuyên khoa cũng lầm bệnh này với lao, viêm phế quản, suyễn...

Triệu chứng kín đáo

Bác sĩ Trần Đình Thanh

Bác sĩ Trần Đình Thanh (Ảnh: VNN)

Bác sĩ Trần Đình Thanh - trưởng khoa ung bướu và bệnh phổi, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM - cho biết gần 80% bệnh nhân (BN) được phát hiện bị ung thư (UT) phổi đã ở giai đoạn trễ, do triệu chứng của bệnh rất âm thầm, kín đáo.

Các triệu chứng biểu hiện ở bệnh nhân UT phổi dễ nhầm lẫn với triệu chứng bệnh lý khác ở phổi thường gặp như viêm phế quản, lao, cảm cúm thông thường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suyễn nên khi BN đi khám bệnh ở những bác sĩ không chuyên khoa, khảo sát không kỹ thường không phát hiện được và BN cũng không để ý.

Với những triệu chứng đó, thầy thuốc nên cho BN chụp phim phổi thẳng và nghiêng. Sau khi đã điều trị những bệnh lý lành tính sau hai tuần mà bệnh không giảm, hay khi người bệnh có những đợt viêm phổi tái phát nhiều lần, nên gửi đến chuyên khoa để có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, giai đoạn có thể phẫu thuật được, thì tiên lượng điều trị người bệnh khả quan hơn.

Nếu BN và thầy thuốc để ý đến những triệu chứng bất thường đó thì có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Những triệu chứng bất thường là: ho dai dẳng, kéo dài trên hai tuần, đau ngực, ho ra máu, thở ngắn, thở khó, khàn giọng, viêm phổi - viêm phế quản tái phát nhiều lần và nặng hơn; BN có biểu hiện sưng cổ, mặt bị phù lên và bị suy nhược cơ thể.

Khi đến bệnh viện chuyên khoa, BN sẽ được bác sĩ cho chụp X-quang phổi, xét nghiệm... đánh giá tình trạng bệnh.

Về điều trị, tùy thuộc giai đoạn bệnh mà bác sĩ thực hiện: phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị. Có khi phối hợp cả ba phương pháp này. Trong 100 BN UT phổi chỉ có 50 được sử dụng các biện pháp điều trị hiệu quả, kéo dài cuộc sống không bệnh 3-5 năm hoặc hơn. Với các trường hợp UT tiến xa thì thời gian sống còn chỉ tính bằng tháng.

“Sát thủ” thuốc lá

Bác sĩ Trần Đình Thanh nói nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy các trường hợp UT phổi đều liên quan với thuốc lá. Những người hút thuốc lá mắc bệnh UT phổi nhiều gấp 25 lần những người không hút thuốc.

Người hút thuốc lá càng sớm, số điếu thuốc hút một ngày càng nhiều có nguy cơ càng cao. Tuy nhiên, nhiều người không hút thuốc lá nhưng sống trong môi trường có khói thuốc lá cũng bị UT phổi. Nhiều phụ nữ không hút thuốc nhưng vẫn bị UT phổi là do họ bị hút thuốc lá “thụ động” (ngửi phải khói thuốc của người khác hút).

Một số nguyên nhân khác có thể gây UT phổi: tia phóng xạ (những người làm việc trong môi trường có phóng xạ như hạt nhân, bác sĩ vận hành máy phóng xạ), tiếp xúc với chất amiăng, người làm việc ở mỏ than, quặng... Ngoài ra một số bệnh phổi cũng liên quan đến UT như lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... Riêng vấn đề ô nhiễm môi trường liên quan đến UT phổi hay không vẫn chưa có nghiên cứu rõ ràng.           

LÊ THANH HÀ ghi

Theo Tổ chức Y tế thế giới, UT phổi gây tỉ lệ tử vong hàng đầu trong các loại bệnh lý UT. Ở TP.HCM, thống kê của Bệnh viện Ung bướu TP cho thấy: nam giới bị UT phổi đứng thứ hai trong các bệnh lý UT, với tỉ lệ 25,6%; ở nữ đứng thứ tư trong các bệnh lý UT, với tỉ lệ 8,7%. Tại Hà Nội, theo Bệnh viện K Hà Nội, nam bị UT phổi đứng đầu với tỉ lệ 34,3%; nữ đứng thứ ba, tỉ lệ 8,6%.

Theo Tuổi trẻ Online
  • 2.517