Vaccine phòng ngừa bệnh lao (BCG) có thể chống lại Covid-19 và các loại bệnh truyền nhiễm khác bằng cách tăng cường hệ miễn dịch.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, khi tiêm chủng còn là giấc mơ xa vời, một số nhà khoa học đã thử nghiệm xem liệu vaccine phòng bệnh lao cũ, phát triển từ những năm 1990 có thể bảo vệ con người hay không.
Vaccine có tên gọi Bacillus-Calmette-Guerin (BCG), từ lâu được chứng minh về tác dụng rộng rãi trên hệ miễn dịch, có thể tiêm được cho cả trẻ sơ sinh ở các nước đang phát triển, nơi bệnh lao còn phổ biến.
Nhiều năm trước, các chuyên gia nhận thấy vaccine này dường như huấn luyện hệ thống miễn dịch đáp ứng với nhiều mầm bệnh truyền nhiễm, bao gồm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng, làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Khi các mầm bệnh mới như đậu mùa khỉ xuất hiện, virus cũ như bại liệt tái xuất và Covid-19 tiếp tục phát triển, các nhà khoa học tiếp tục quan tâm đến vaccine BCG, với mục tiêu nhằm cung cấp biện pháp bảo vệ chung, chống lại các mầm bệnh truyền nhiễm đã biết.
Kết quả nghiên cứu mới nhất đến từ thử nghiệm bắt đầu trước Covid-19, công bố trên Báo cáo Y học Tế bào ngày 15/7. Mục tiêu là tìm hiểu xem liệu vaccine BCG có hữu ích với người bị tiểu đường tuýp 1, rất dễ nhiễm trùng hay không.
Tháng 1/2020, khi đại dịch bùng phát, các chuyên gia đã theo dõi các ca nhiễm nCoV trong số 144 người tham gia thử nghiệm. Tất cả đều bị tiểu đường tuýp 1, hai phần ba đã tiêm ít nhất ba liều BCG trước đại dịch. Một phần ba còn lại được tiêm nhiều lần giả dược.
Kết quả cho thấy chỉ khoảng 1% trong số 96 người tiêm BCG mắc Covid-19, thấp hơn so với 12,5% trong số 48 người sử dụng giả dược.
Tiến sĩ Denise Faustman, Giám đốc khoa sinh học miễn dịch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết dù thử nghiệm tương đối nhỏ, "kết quả vẫn rất đáng kinh ngạc, tương đương với vaccine Moderna và Pfizer".
"Chúng tôi cũng nhận thấy vaccine giảm thiểu đáng kể nguy cơ nhiễm trùng bàng quang, cúm và cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng xoang ở bệnh nhân tiểu đường", ông nói thêm.
Theo ông, vaccine dường như đã thiết lập lại phản ứng miễn dịch tổng thể của vật chủ, giúp nó trở nên tỉnh táo, nhanh nhạy hơn.
Một bé trai tại Banda Aceh, Indonesia, được tiêm vaccine BCG ngừa bệnh lao. (Ảnh: AFP)
Thử nghiệm khác về BCG ở 300 người cao tuổi tại Hy Lạp cho thấy vaccine làm giảm hai phần ba số ca nhiễm nCoV, giảm tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Frontiers vào tháng 7, chỉ hai người được tiêm vaccine phải nhập viện sau mắc Covid-19.
"Chúng tôi thấy được tác dụng miễn dịch rõ rệt từ vaccine BCG. Chúng tôi cảm thấy thật hấp dẫn khi đặt câu hỏi liệu BCG và các loại vaccine khác có tác dụng huấn luyện hệ miễn dịch có thể chống lại mầm bệnh xuất hiện trong tương lai, chưa được biết đến hay không", giáo sư Mihai Netea, Trung tâm Y tế Đại học Radboud ở Hà Lan, đồng tác giả của báo cáo, cho biết.
Ông cho rằng kết quả của thử nghiệm trên bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 "rất thuyết phục", song cũng khuyến cáo giới chuyên gia nên thận trọng, lưu ý rằng các thử nghiệm khác cho kết quả không khả quan. Nghiên cứu tại Hà Lan trên khoảng 1.500 nhân viên y tế cho thấy vaccine BCG không làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng. Nghiên cứu khác trên 1.000 nhân viên y tế Nam Phi cho thấy BCG không làm giảm độ nghiêm trọng của các ca nhiễm.
Kết quả thử nghiệm lớn nhất về BCG, diễn ra tại Australia, Anh, Tây Ban Nha và Brazil trong một năm vẫn đang được tiến hành, chưa có kết quả.
"Vaccine BCG vẫn là một lĩnh vực gây tranh cãi, có người tin và không tin vào tác dụng của nó. Ai cũng thừa nhận về các tác dụng nằm ngoài mục tiêu chính, song chúng lớn đến đâu, liệu có hữu ích trong lâm sàng không, nó chỉ dành cho trẻ sơ sinh hay dùng được cho cả người có hệ miễn dịch yếu, vẫn là các câu hỏi lớn", Nigel Curtis, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm trẻ em tại Đại học Melbourne, điều tra viên chính của nghiên cứu, nhận định.
Các nhà khoa học đưa ra một số nguyên nhân vaccine BCG có tác dụng chống lại các loại bệnh truyền nhiễm. Vacicne chứa một loại vi khuẩn sống, giảm độc lực, được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm khắp thế giới nhiều thập kỷ, tạo ra đột biến khác nhau.
Phòng thí nghiệm của tiến sĩ Faustman sử dụng chủng ho lao Tokyo, được coi là đặc biệt mạnh. Trong khi đó, tiến sĩ Curtis sử dụng chủng Đan Mạch, phổ biến nhất. Số liều BCG cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, vì nhiều loại vaccine yêu cầu tiêm nhắc lại để tối đa hóa khả năng bảo vệ.
Nghiên cứu của tiến sĩ Faustman cho thấy vaccine cần thời gian để phát huy tối đa tác dụng. Bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 đã được tiêm một số liều BCG trước đại dịch. Vì vậy, vaccine đạt hiệu quả tốt khi Covid-19 kéo đến.
Các nhà khoa học kỳ vọng BCG có thể trở thành một loại vaccine phổ quát, chống lại nhiều mầm bệnh. Giờ đây, giới chuyên gia không còn tập trung vào việc ngăn ngừa Covid-19, vì các loại vaccine hiện có rất hiệu quả.
Thay vào đó, họ muốn phát triển các công cụ để sử dụng trong đại dịch tiếp theo, có thể là loại vaccine chống virus corona nói chung, một chủng cúm mới gây chết người hoặc mầm bệnh chưa xác định.