Vaccine Covid-19 của Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh (Trung Quốc) là loại thứ 6 được WHO xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp, ghi nhận hiệu quả bảo vệ đạt 78,2%.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, tháng 2/2020, Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh, thuộc Sinopharm CNBG (Tập đoàn Y Dược Trung Quốc) đã nghiên cứu sản xuất vaccine bằng công nghệ bất hoạt mang tên Vero Cell.
Cuối tháng 4/2020, vaccine này được Cục Quản lý Dược Trung Quốc phê chuẩn thử nghiệm trên người, sau khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thành công trên động vật.
Một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết loại vaccine này sẽ được ưu tiên tiêm cho 3 nhóm đối tượng bao gồm:
Theo SCMP, từ 23/6/2020, Sinopharm thử nghiệm giai đoạn 3 vaccine với hơn 40.000 tình nguyện viên từ 18 đến 59 tuổi, tại Bahrain, UAE, Ai Cập, Peru, Maroc và Argentina.
Ngày 9/12/2020, Bộ Y tế UAE chấp thuận cấp phép đăng ký chính thức vaccine Covid-19 của Sinopharm, công bố hiệu quả bảo vệ đạt 86%. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp thuận cấp phép vaccine của Sinopharm.
Ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc cấp phép sử dụng có điều kiện với vaccine này và công bố hiệu quả bảo vệ đạt 79.34%; tỷ lệ sinh kháng thể trung hòa là 99,52%.
Vaccine Covid-19 của Sinopharm có hiệu quả bảo vệ từ 78,2% đến 99,52%. (Ảnh: Reuters).
Ngày 7/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt vaccine của Sinopharm vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), ghi nhận hiệu quả bảo vệ là 78,2%. Đây là vaccine thứ 6 trên thế giới được xét vào danh sách này và là loại đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt trong số đó.
Ngày 3/6, Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt có điều kiện vaccine của Sinopharm. Đây là loại vaccine ngừa Covid-19 thứ 3 được phê duyệt tại Việt Nam, sau AstraZeneca và Sputnik V.
Tới nay, Sinopharm đã sản xuất hơn 450 triệu liều vaccine, trong đó, 100 triệu liều được cung cấp thông qua hình thức viện trợ Chính phủ và bán thương mại cho các doanh nghiệp.
Vaccine của Sinopharm được bảo quản trong điều kiện từ 2-8 độ C, thời hạn sử dụng là 2 năm.
Theo New York Times, để tạo ra vaccine, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thu thập ba biến chủng nCoV từ các bệnh nhân Trung Quốc. Sau đó, chúng được nuôi trong tế bào thận khỉ tại bể phản ứng sinh học để chọn ra biến chủng có tốc độ nhân lên nhanh nhất.
Lượng virus tiếp tục được ngâm trong hợp chất hóa học beta-propiolactone, có tác dụng vô hiệu hóa virus bằng cách liên kết với bộ gene. Khi nCoV bị bất hoạt, chúng không thể tái tạo và nhân lên. Tuy nhiên, các protein đặc trưng, bao gồm protein gai giúp virus bám vào các tế bào niêm mạc của người, vẫn còn nguyên vẹn.
Vero Cell sử dụng công nghệ vaccine bất hoạt. (Ảnh: SCMP).
Các nhà khoa học trộn virus bất hoạt với hợp chất bổ trợ giúp kích thích miễn dịch phản ứng với vaccine. Khi vào cơ thể, nCoV dạng bất hoạt không thể gây bệnh cho con người và bị tế bào trình diện kháng nguyên của hệ miễn dịch nuốt chửng.
Chúng xé nhỏ nCoV, phân rã thành các mảnh và "báo cáo kẻ lạ mặt". Tế bào T được kích hoạt, phát hiện các mảnh nhỏ của kẻ xâm nhập và tiêu diệt. Sau đó, nó ghi nhớ virus để huy động các tế bào khác của hệ miễn dịch tấn công kẻ lạ mặt, đáp ứng vaccine.
Cùng lúc đó, tế bào miễn dịch B bắt gặp nCoV bất hoạt. Các protein trên bề mặt tế bào B có nhiều hình dạng khác nhau, loại protein tương thích sẽ bám vào virus và "chỉ mặt" đặc điểm nhận dạng của kẻ xâm nhập. Tế bào T bám vào mảnh đó, kích thích tế bào B tiết ra các kháng thể.
Cả quá trình này được xem là bài học, vaccine dạy hệ miễn dịch phản ứng với nCoV sống. Tế bào B tạo kháng thể nhắm vào protein virus, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập các tế bào khác.