Hầu hết mọi người đều cương quyết rằng: họ sẽ không bao giờ làm vậy. Không bao giờ! Không bao giờ chủ tâm gây đau khổ cho người khác, dù chỉ với mục đích lấy thông tin từ họ. Không bao giờ thổi phồng giá trị của một sản phẩm tài chính nào để lợi dụng sự kém hiểu biết của người khác. Và tất nhiên, không bao giờ tự biến mình thành kẻ ăn không ngồi rồi để ngửa tay nhận tiền cứu trợ từ chính phủ.
Tất nhiên họ đang tự khẳng định về bản thân. Còn những người khác ư, trên khắp các mặt báo đều có thể thấy vô vàn thông tin về những kẻ ăn bám xã hội, những chủ ngân hàng làm ăn mờ ám, hay những kẻ điều tra dùng cách tra tấn ép cung dã man.
“Tôi nhớ rằng lúc đó tôi đã nghĩ tôi tử tế hơn những người khác, và rằng tôi sẽ không bao giờ chịu thỏa hiệp với những nguyên tắc của mình,” Jordan Labouff, một sinh viên 25 tuổi ở Texas, nói vậy khi nhớ lại một cuộc thương thuyết tập thể với các nhà quản lý trường đại học mà anh tham gia vài năm trước.
“Và họ, những người quản lý, đã trao cho tôi một phần thưởng; trước đó tôi từng thề rằng sẽ không bao giờ nhận bất kì một thứ gì từ họ. Nhưng rồi, tất nhiên, tôi đã đứng lên bục và nhận lấy nó.”
Trong những năm gần đây, các nhà tâm lí xã hội đã bắt đầu nghiên cứu cái gọi là hiệu ứng “tự nghĩ mình thánh thiện hơn người”. Từ lâu họ đã biết rằng con người thường quá lạc quan về chính khả năng và phẩm chất của mình – họ đánh giá quá cao về tính kỷ luật, sự ngay thật, cũng như vị trí xã hội của mình.
Nhưng xu hướng tự thổi phồng bản than này thậm chí còn mạnh hơn trong vấn đề đánh giá đạo đức, và nó có thể ảnh hưởng rất nhiều tới việc người ta đánh giá thế nào về hành động của người khác, cũng như đánh giá hành động của chính mình. Các nhà tâm lý học cho biết, văn hóa, niềm tin tôn giáo và kinh nghiệm, tất cả hình thành nên nhận thức của một người về phẩm chất đạo đức trong các mối quan hệ, và nghiên cứu mới đây đang làm rõ cảm giác bản thân mình vượt trội khi nào sẽ có lợi, và khi nào sẽ làm hại chính bản thân người đó.
David Dunning, nhà tâm lí xã hội tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York, cho biết “Thông điệp của công trình này không nói rằng bạn nên từ bỏ thái độ phẫn nộ đạo đức, đôi khi như vậy là hợp lí. Nhưng vấn đề là ở chỗ, rất nhiều hành vi bị quyết định bởi hoàn cảnh chứ không phải tính cách của một người. Những gì ai đó làm trong một tình huống sẽ là sự tiên đoán mạnh mẽ về hành động của bạn ở trong cùng hoàn cảnh ấy.”
Cách để kiểm tra xem ai đó có thực sự tuân theo giá trị đạo đức như họ vẫn nghĩ không là đưa họ vào tình huống thực tế. Trong một nghiên cứu, 251 sinh viên trường Đại học Cornell đã dự đoán việc mua hoa thủy tiên tại Ngày hội Thủy tiên, một sự kiện diễn ra trong 4 ngày để quyên tiền ủng hộ Hội Ung thư Hoa Kỳ. Chắc chắn, 83% dự đoán rằng họ sẽ mua ít nhất một bông hoa, và rằng chỉ 56% bạn bè của họ làm như vậy.
Năm tuần sau, khi ngày hội diễn ra, các nhà nghiên cứu thu được kết quả chỉ 43% số sinh viên thực sự mua hoa thủy tiên. Trong thí nghiệm khác, các nhà nghiên cứu đã thấy điều tương tự - người ta cũng tự đánh giá quá cao về thái độ sẵn lòng làm theo đạo lý, ví dụ quyên tiền từ thiện, bỏ phiếu và hợp tác với những người không thân quen. Cuối cùng, những dự đoán không mấy thiện cảm của họ về hành vi của người khác lại chính xác cho cả bản thân họ lẫn những người còn lại.
“Khoảng cách giữa suy nghĩ tôi sẽ hành động thế nào và thực tế tôi hành động thế nào là một phần chức năng thích nghi với hoàn cảnh.” Nicholas Epley, nhà tâm lí học thuộc đại học Chicago, đồng tác giả trong nhiều thí nghiệm cùng tiến sĩ Dunning, cho biết.
“Vấn đề với những đánh giá kiểu “mình thánh thiện hơn người” là ở chỗ chúng ta đánh giá quá cao cách chúng ta sẽ hành động,” tiến sỹ Epley nói. “Thêm một điều nữa, chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho tính cách về mọi khủng hoảng hay bê bối – bạn biết đấy, nếu sa thải tất cả những chủ ngân hàng thiếu đạo đức ở phố Wall bằng những người có đạo đức, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề.”
Trong các thí nghiệm thực tế, hiệu ứng “mình thánh thiện hơn người” sẽ nhanh chóng biến mất khi người ta đã có kinh nghiệm về sự việc mà họ đang đánh giá: những giải thích kế toán mập mờ sẽ không quá ám muội, sai trái đối với ai đó đã từng rơi vào cảnh thất bại trong điều hành một công ty. Và hiệu ứng này có vẻ ít được nhắc đến hơn ở những nền văn hóa mà người ta vẫn luôn đề cao tầm quan trọng của tập thể và cộng tác trong mỗi thành tựu một cá nhân đạt được.
Một điều có thể làm giảm đi cảm giác mình đạo đức hơn người là tôn giáo. Trên thế giới tất cả các tôn giáo chính đều nhấn mạnh giá trị của khiêm tốn và sự nguy hiểm của tính ngạo mạn. “Hãy luôn nghĩ rằng mình thấp kém hơn người khác,” đó là lời thánh Paul nói trong thư gửi giáo đoàn Phillippin.
Tuy nhiên, đối với một số người, tôn giáo dường như lại càng làm lớn thêm cảm giác rằng mình là một tấm gương sáng về đạo đức. Trong một nghiên cứu năm 2002, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Baylor bang Texas và trường Đại học Simpson bang California đã thống kê và thấy 80% trong tổng số 249 sinh viên tham gia là con chiên thường xuyên đi lễ nhà thờ.
Các nhà nghiên cứu do giáo sư Wade C. Rowatt trường Baylor đứng đầu đã thấy rằng nhìn chung các sinh viên trong nhóm 80% tự cho rằng bản thân họ ngoan đạo tuân theo những lời dạy trong kinh thánh gấp 2 lần người khác.
Nghiên cứu cũng chỉ rằng trong số sinh viên được điều tra, hầu hết những người theo trào lưu chính thống là những người có tư tưởng trên một cách mạnh mẽ nhất.
“Điều này nhắc tôi nhớ lại một trong những miếng dán thanh bảo vệ sau ô tô mà tôi yêu thích: Chúa yêu bạn, nhưng tôi mới là người Chúa ưu ái hơn tất thảy,” tiến sĩ Epley thuộc đại học Chicago kể.
Cảm giác vượt trội về đạo đức thực chất là cái mà một số nhà tâm lý gọi là sự tự đề cao bản thân. Những người tự đề cao luôn nghĩ rằng họ được ban phước, rằng họ được người khác đề cao, và họ sẽ luôn là những người tỏa sáng. Và đôi khi đúng như vậy - nhất là trong những thảm họa mong manh giữa sự sống và cái chết, như vụ 11/9 hay chiến tranh Bosnia.
“Xét một cách toàn diện, những người tự đề cao hành động rất tốt, đặc biệt là về mặt tinh thần,” George Bonanno, nhà tâm lí thuộc trường đại học Columbia, nói.
Nhưng trong đời sống trần thế, cảm giác quá tin vào đức hạnh của mình đôi khi lại là một hiểm họa. “Những người buôn bán cổ phiếu này sẽ không hành động khôn ngoan; đôi khi họ mua quá nhiều những cổ phiếu xấu. Trong lĩnh vực kinh tế, kết quả kinh doanh của những người này không được tốt lắm,” tiến sỹ Dr. Dunning cho biết.
Thêm vào đó, nếu bạn quan tâm quá nhiều tới vấn đề đạo đức, bạn sẽ khó lòng thanh thản đứng dậy được ngay sau khi mắc lỗi hay làm điều sai trái.
(Ảnh : The New York Times) |