Vệ tinh to bằng chiếc xe tải đã lao vào tầng khí quyển và các mảnh vỡ của nó có thể sẽ va vào trái đất trong ngày hôm nay, cơ quan vũ trụ Đức thông báo.
>>> Vệ tinh Đức có thể rơi xuống Việt Nam?
Hiện chưa có thông tin nào để dự đoán vệ tinh hết hạn sử dụng này đang ở phía trên lục địa hay quốc gia nào. Vệ tinh có tên ROSAT, phát ngôn viên cơ quan vũ trụ Đức Andreas Schuetz cho hay.
ROSAT, có kích thước bằng chiếc xe tải hạng nhẹ, được cho là sẽ bốc cháy khi chạm tầng khí quyển, nhưng sẽ có khoảng 30 mảnh vỡ nặng tổng cộng chừng 1,87 tấn có thể đâm xuống trái đất của chúng ta với tốc độ 450km/h. Hãng tin ABC dẫn tin từ cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ cho hay vệ tinh chạm bầu khí quyển khoảng 9h sáng nay (giờ HN). Mỗi vòng quay quỹ đạo của nó mất khoảng 90 phút và các mảnh vỡ có thể phát tán trên khắp đường đi của nó. Các nhà khoa học cho biết quãng thời gian kể từ khi vật thể chạm khí quyển đến khi xuống trái đấy kéo dài vài giờ.
Hình ảnh minh họa vệ tinh ROSAT trong vũ trụ.
Giới khoa học đã mất khả năng liên lạc với vệ tinh chết này, AP cho biết. Hiện các chuyên gia đang chờ đợi "và quan sát trên toàn thế giới", theo phát ngôn viên nói trên.
Trước khi vệ tinh vào khí quyển, giới khoa học cho hay nhiều khả năng nó không lao xuống châu Âu, Phi và Australia. Theo tính toán đường đi của vệ tinh, nó có thể ở phía trên châu Á, có thể là Trung Quốc, khi bắt đầu chạm khí quyển. Tuy nhiên ông Schuetz cho hay không thể khẳng định vị trí thực tế mà ROSAT sẽ lao vào.
Các kỹ sư cũng dự đoán rằng nhiều khả năng vệ tinh này sẽ lao xuống biển, bởi trái đất có tới 75% bề mặt là biển. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ cho hay phía trên không gian có hàng chục nghìn vật thể chờ rơi xuống.
"Có 16.000 vật thể trên quỹ đạo trái đất, hầu hết chúng đều là rác loại nhỏ, nhưng có tới 7.000 vật thể lớn như tàu vũ trụ hoặc thân tên lửa, chúng đang bay hỗn loạn trên kia", một quan chức NASA nói.
Vệ tinh ROSAT, có khối lượng gần 2,5 tấn, được phóng lên từ bang Flordia, Mỹ, bằng tên lửa đẩy Delta 2 vào năm 1990. Nó không có động cơ hay hệ thống đẩy vì nó sử dụng vô lăng phản lực để hướng kính viễn vọng về các mục tiêu trong vũ trụ. ROSAT ngừng hoạt động vào năm 1999 ở độ cao 563km.
Sau khi ngừng hoạt động, độ cao của ROSAT giảm dần. Do vệ tinh bay quanh trái đất theo chu kỳ 90 phút nên các nhà khoa học chỉ có thể đoán nó sẽ rơi xuống bất kỳ đâu bên dưới đường đi của nó – một dải đất lớn rộng lớn nằm giữa 53 vĩ độ bắc và 53 vĩ độ nam.
Tỷ lệ để một mảnh vỡ rơi trúng ai đó trên trái đất là 1/2000. Với 7 tỷ dân, suy ra tỷ lệ để một mảnh vỡ của vệ tinh ROSAT rơi trúng một người nào đó chỉ khoảng 1 phần 14 nghìn tỷ.
Tháng trước một vệ tinh chết của NASA cũng lao xuống phía nam Thái Bình Dương, không gây thiệt hại gì về người và của.