Vi khuẩn cổ gây hiểm họa toàn cầu tái xuất và phát triển

  •   3,52
  • 2.159

Vi khuẩn lam, sau khi mất đến 2,5 tỷ năm để thích nghi với sinh quyển Trái Đất, có thể gây ra mối hiểm họa toàn cầu trong tương lai.

Trang Live Science cho biết, vi khuẩn lam (cyanobacteria) hay bị nhầm với tảo lam hay tảo lục lam do màu sắc đặc trưng của chúng, đã mất đến 2,5 tỷ năm để thích nghi với sinh quyển Trái Đất. Loại vi khuẩn này sinh sống trong môi trường nước, nếu lượng ni tơ và phốt pho trong môi trường sống của vi khuẩn lam tăng cao, kết hợp cùng hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ khiến chúng sản sinh ra một chất nhầy độc làm cho nước bị ô nhiễm đến mức không thể dùng được trong sinh hoạt hàng ngày hay trong nông nghiệp, dẫn tới một hiểm họa toàn cầu trong tương lai.

Vi khuẩn cổ gây hiểm họa toàn cầu tái xuất và phát triển
Vi khuẩn tảo đang đe dọa môi trường nước. (Ảnh Live Science)

Giáo sư khoa học đại dương và môi trường Hans Paerl, hiện đang làm việc tại Viện Chapel Hill về Khoa học đại dương thuộc trường Đại học North California, nhận định, các hoạt động sống hàng ngày của con người đã khiến lượng ni tơ và phốt pho trong các dòng sông hay vùng hồ nước tăng cao, tạo điều kiện cho vi khuẩn lam phát triển mạnh, làm cho nước bị nhiễm độc và không thể sử dụng được.

Những người uống phải nước hoặc ăn phải các loại cá có vi khuẩn lam sẽ bị mắc các bệnh về gan, đường ruột và hệ thống thần kinh. Bên cạnh đó, tồn tại khả năng - cho dù chưa được chứng thực - rằng, lương thực cũng sẽ bị nhiễm bệnh nếu sử dụng nước có chứa vi khuẩn lam để tưới tiêu.

Vi khuẩn cổ gây hiểm họa toàn cầu tái xuất và phát triển
Các nhà khoa học đang nghiên cứu hiện tượng vi khuẩn lam bùng nổ tại hồ Taihu, Trung Quốc. 

Giáo sư Hans Paerl cùng một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đang nỗ lực nghiên cứu nhằm thu được những hiểu biết chuyên sâu hơn về vấn đề này cũng như tìm ra được biện pháp hồi phục lại cân bằng sinh thái tại Hồ Taihu – hồ nước lớn thứ ba tại Trung Quốc. Trong tương lai, loại vi khuẩn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quản lý đường nước toàn cầu. Vi khuẩn lam đã từng đe dọa hệ sinh thái của nhiều vùng hồ khác trên thế giới như hồ Great Lake, hồ Okeechobee, hồ Pontchartrain tại Bắc Mỹ và rất nhiều hồ lớn khác tại Châu Phi, Châu Á Và Nam Mỹ.

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, hiện tượng trái đất nóng lên đang làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, do vi khuẩn lam sinh trưởng mạnh mẽ trong điều kiện ấm.

Vi khuẩn lam thường bị nhầm thành tảo lam hay tảo lục lam, nhưng thực tế chúng không phải là tảo. Vi khuẩn lam là sinh vật nhân sơ trong khi đó tảo là sinh vật nhân chuẩn. Cho dù vậy, vi khuẩn lam cũng có quá trình quang hợp giống như các loại tảo thông thường, tuy nhiên loại vi khuẩn này lại ưa điều kiện ấm thay vì điều kiện nhiệt độ thấp như các loại tảo.

Tham khảo: Livescience.

Theo Vietq, Livescience
  • 3,52
  • 2.159