Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết khi robot tự hành Curiosity của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) được đưa lên sao Hỏa tháng 8/2012, nó đang mang theo nhiều loại vi khuẩn của Trái đất tới hành tinh đỏ.
Theo trang Nature News, các nhà nghiên cứu Hiệp hội Vi trùng học Mỹ (ASM) cho biết trước khi robot Curiosity được phóng đi, một nhóm chuyên gia NASA đã thực hiện nhiệm vụ khử trùng nó. Tuy nhiên, Curiosity vẫn mang theo tới 377 chủng vi khuẩn tới sao Hỏa.
Robot tự hành Curiosity chụp ảnh bề mặt sao Hỏa - (Ảnh: Science)
ASM đã đưa các loại vi khuẩn này vào môi trường mô phỏng sao Hỏa, bao gồm nhiệt độ lạnh giá, bầu không khí gần như không có độ ẩm và môi trường nhiều tia tử ngoại. Và điều đáng ngạc nhiên là 11% trong số các loại vi khuẩn này đã sống sót.
ASM khẳng định thí nghiệm này cho thấy nhiều khả năng sự sống cơ bản có thể tồn tại trên hành tinh đỏ. Tuy nhiên giới chuyên gia quốc tế đánh giá điều này cũng đồng nghĩa với việc con người đã làm ô nhiễm môi trường sao Hỏa. Khi đó, giới khoa học sẽ không thể nghiên cứu và hiểu đầy đủ môi trường tự nhiên của hành tinh đỏ.
Hiệp ước Không gian của Liên Hiệp Quốc cũng ngăn cấm hành vi làm ô nhiễm môi trường các hành tinh hay mặt trăng khác. Một số chuyên gia nhận định NASA sẽ phải đặc biệt cẩn trọng khi đưa tàu tới mặt trăng Europa của sao Mộc và Enceladus của sao Thổ, bởi hai mặt trăng này tồn tại đại dương dưới băng, do đó nguy cơ ô nhiễm lớn hơn.