Hiện nay đa số các dòng xe hơi trên thị trường có bảng đồng hồ tốc độ nằm ở vị trí sau vô lăng của tài xế. Tuy nhiên nếu các bạn để ý thì trên một số dòng xe cá biệt như Yaris hay Vios, bảng đồng hồ tốc độ lại nằm ở chính giữa bảng táp-lô. Vậy tại sao các nhà sản xuất xe lại nghĩ ra thiết kế này? Nó mang lại lợi ích gì cho người dùng? Và vì sao với nhiều điểm ưu việt nhưng bảng đồng hồ nằm giữa lại dần biến mất trên thị trường?
Thật ra thông tin về việc thiết kế bảng đồng hồ tốc độ nằm giữa ra đời như thế nào hay chiếc xe đầu tiên áp dụng kiểu thiết kế này vẫn chưa được ghi nhận rõ ràng. Nhưng trở lại những năm đầu thế kỷ 21, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều xe đến từ 2 hãng Toyota và Nissan có bảng đồng hồ tốc độ nằm giữa táp-lô như Previa, Vios, Prius, X-Trail, Quest, Primera,...
Trên Nissan Primera 2002
Năm 2004, Toyota từng có thông cáo chính thức gửi đến báo chí cũng như các đại lý xe của mình về việc sẽ mở rộng kiểu thiết kế đồng hồ tốc độ nằm giữa mà họ gọi là "Universal Design" lên những mẫu xe tiếp theo tại thị trường Mỹ. Trong đó, họ thống kê nhiều lợi ích của thiết kế này so với bảng đồng hồ tốc độ đặt sau vô lăng truyền thống. Tất nhiên để đi đến kết luận này Toyota đã trải qua nhiều thí nghiệm kiểm duyệt, với tiêu chí an toàn được đặt lên hàng đầu.
Theo Toyota, kiểu thiết kế bảng đồng hồ tốc độ nằm giữa sẽ dễ quan sát hơn và ko bị chắn tầm nhìn khi chúng ta đánh lái chéo tay so với kiểu truyền thống. Bên cạnh đó mắt của chúng ta lúc nào cũng có thể bao quát được mặt đường dù là đang xem các thông số trên bảng đồng hồ. Có thể hình dung như thế này, do 2 mắt chúng ta đặt cạnh nhau theo chiều ngang nên tầm nhìn của chúng ta luôn được mở rộng về 2 bên hơn là từ trên xuống. Đó là lý do vì sao TV chúng ta xem hay mắt kính chúng ta đeo đều có tỉ lệ chiều dài lớn hơn chiều cao.
Trên Citroen C4 Grand Picasso 2007
Trở lại vấn đề, do tầm nhìn chúng ta mở rộng về chiều ngang nên khi quan sát các thông số trên bảng đồng hồ tốc độ đặt sau vô lăng theo truyền thống, mắt chúng ta sẽ di chuyển một đoạn xuống dưới và tầm nhìn hoàn toàn bị cách ly khỏi mặt đường. Trong khi đó với kiểu đồng hồ đốc độ đặt cao ở giữa táp-lô, mắt chúng ta sẽ ít phải di chuyển hơn và lúc nào cũng có thể quan sát được một phần mặt đường phía trước. Thế nên về lý thuyết kiểu thiết kế mới sẽ giúp chúng ta lái xe an toàn hơn.
Một lý do khác là khoảng cách giữa bảng đồng hồ tốc độ nằm giữa táp-lô đến mắt người lái xe sẽ xa hơn kiểu truyền thống. Vì vậy nó cũng thân thiện với những khách hàng lớn tuổi, thường mắc bệnh viễn thị và gặp khó khăn khi nhìn các vật ở khoảng cách gần. Toyota cũng công bố số liệu gần 20% dân số ở Nhật nằm ở độ tuổi từ 65 trở lên, do đó gần một nửa số xe của hãng ở thị trường nội địa Nhật Bản đã được áp dụng kiểu thiết kế mới.
Hơn nữa, những nhà sản xuất linh kiện cho các hãng xe lớn cũng được hưởng lợi vì bảng đồng hồ tốc độ nằm giữa sẽ giúp họ sẽ ít phải điều chỉnh lại thiết kế của mình giữa các thị trường tay lái nghịch và thuận. Vì thế mà chi phí sản xuất cũng được cắt giảm theo.
Còn một lý do có lẽ ai đoán được. Hành khách có thể theo dõi tốc độ của người lái để có biện pháp nhắc nhở. Nhất là khi đi taxi hay chung xe với những tay có sẵn "máu" tốc độ.
Với nhiều lợi ích thiết thực như vậy, ngay sau đó bảng đồng hồ tốc độ nằm giữa dần được nhiều hãng xe khác như Citroen, Saturn, Scion và thậm chí là Mini chú ý và áp dụng lên những mẫu xe phổ thông của mình. Nhưng đáng tiếc thay, kiểu thiết kế mới lại gặp rất nhiều ý kiến không tích cực từ khách hàng và chủ yếu xung quanh những vấn đề là: khó sử dụng do mất thời gian để thay đổi thói quen, bảng đồng hồ nằm giữa táp-lô khiến phần sau vô-lăng trở nên trống trải và không đẹp như kiểu truyền thống.
Nếu tham gia các diễn đàn về xe tại Việt Nam, chúng ta thậm chí còn bắt gặp nhiều ý kiến quan ngại việc sử dụng đồng hồ tốc độ nằm giữa có thể gây lé mắt hay trẹo cổ người dùng. Nhưng thật sự thế giới vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào bị chấn thương hay thành tật do sử dụng lâu dài kiểu thiết kế mới này.
Nissan Quest 2004 với bảng đồng hồ tốc độ nằm giữa khiến táp-lô xe trông như bảng điều khiển của một chiếc đĩa bay đã từng gặp trong phim khoa học viễn tưởng nào đó. Đột phá và đẹp lạ lùng!
Và rồi đến năm 2008, Nissan là hãng đầu tiên bắt đầu loại bỏ kiểu thiết kế bảng đồng hồ tốc độ nằm giữa ra khỏi những dòng xe mới của mình. Việc đó cũng kéo theo những hãng khác cũng quay trở lại với thiết kế truyền thống, trong đó có Toyota. Mà minh chứng điển hình là mẫu Yaris (hay còn gọi là Vios, Vitz, Echo) trải qua 2 thế hệ đầu tiên với bảng đồng hồ tốc độ nằm giữa cũng đã trở về với vị trí sau vô lăng trên thế hệ 3.
Yaris thế hệ thứ 2 (2007-2012)
Yaris thế hệ thứ 3 (2013-đến nay) với bảng đồng hồ tốc độ trở về vị trí sau vô lăng
Lý do vì sao mà bảng đồng hồ tốc độ nằm giữa dần biến mất có thể lý giải một cách dễ dàng theo môn kinh tế học. Đây là một trường hợp điển hình khi mà chức năng hay lợi ích sản phẩm không thể thắng nỗi thói quen người dùng. Mọi thứ đã quá rõ ràng, dù thiết kế bảng đồng hồ nằm giữa giúp chúng ta không phải rời mắt khỏi mặt đường. Nhưng thời gian chúng ta xem các thông số trên bảng đồng hồ này thường chỉ chiếm 1-2 giây, tức là rất rất ít so với quãng thời gian lái xe. Do đó sự khác biệt là không đáng kể, nhất là khi so với hơn 95% lái xe đều đã quen với kiểu nhìn bảng đồng hồ truyền thống. Hơn nữa, ngày nay xu hướng hệ thống thông tin giải trí trên xe ngày càng phát triển cũng buộc đồng hồ tốc độ phải trở về đúng vị trí nằm sau vô lăng để nhường không gian lại cho màn hình hiển thị đặt ở trung tâm táp-lô.