Vì sao bão xuất hiện liên tiếp?

  •  
  • 1.063

Khi hậu quả của cơn bão Durian tại Philippines và VN còn chưa khắc phục xong thì một cơn bão mới có tên Utor đã hình thành trên biển Đông. Vì sao bão liên tiếp xuất hiện, đặc biệt ở thời điểm cuối mùa bão? Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định.

* Thưa ông, vì sao bão Durian vừa tan đã xuất hiện ngay một cơn bão mới cũng với cường độ mạnh?

- Ông NGUYỄN VĂN BẢY (phó phòng dự báo hạn ngắn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương): Nhiệt độ mặt nước biển ở khu vực tây Thái Bình Dương năm nay cao nên việc hình thành cơn bão nọ tiếp theo cơn bão kia là chuyện bình thường.

* Nhưng nếu cơn bão này vào vùng biển Đông thì có bất thường không khi bây giờ là cuối mùa bão, thường ít khi bão vào tới biển Đông?

- Ông Bảy: Mùa bão năm nay tại VN muộn hơn so với những năm trước. Thông thường có năm bão xuất hiện sớm,

Cơn bão Durian đã đánh tan nát nhiều tàu thuyền ở đảo Phú Quí (Bình Thuận) ngày 5-12

Cơn bão Durian đã đánh tan nát nhiều tàu thuyền ở đảo Phú Quí (Bình Thuận) ngày 5-12 (Ảnh: T.T.D)

có năm bão xuất hiện muộn. Năm nay mùa bão muộn hơn nhiều năm nên đến tháng mười hai vẫn còn bão. Bình thường tháng năm, tháng sáu đã phải có bão rồi nhưng tháng năm, tháng sáu năm nay không có bão mà càng về cuối mùa càng nhiều bão.

- Ông VŨ ANH TUẤN (trưởng phòng dự báo hạn ngắn, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương): Cơn bão Utor vào biển Đông cũng là bão đặc biệt vì thường vào tháng cuối năm thì ít có khả năng bão xuất hiện. Thống kê từ năm 1961 - 2005 có chưa tới mười cơn bão hoạt động vào tháng mười hai. Trong khi đó, nếu tính cả bão Utor thì năm nay đã có tới hai cơn bão xuất hiện vào tháng cuối năm.

- Ông LÊ ĐÌNH QUANG (nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng nhiệt đới và bão, Viện Khí tượng thủy văn): Những cơn bão đổ bộ vào VN hình thành từ nhiều yếu tố. Bây giờ là cuối mùa bão nên có thể bão vào VN ít, nhưng bão vẫn hoạt động ở khu vực tây Thái Bình Dương là bình thường bởi nhiệt độ mặt biển khu vực này nóng. Tuy nhiên, một điểm có thể coi là bất thường là việc năm nay bão ở tây Thái Bình Dương không nhiều, đến nay mới chỉ có khoảng 22 cơn so với trung bình nhiều năm là 30 - 32 cơn bão.

* Mặc dù bão trên khu vực tây Thái Bình Dương ít hơn trung bình nhiều năm nhưng thực tế bão vào biển Đông lại nhiều?

- Ông Quang: Nếu tính bão ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực đất liền VN thì trung bình mỗi năm có 5-7 cơn bão. Do đó, mặc dù năm nay bão vào biển Đông nhiều nhưng thực chất số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới VN lại không nhiều. Các cơn bão số 1, 3, 4, 7, 8 đều chuyển hướng sang Trung Quốc hoặc suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi vào đất liền.

* Vậy các ông dự báo thế nào về cơn bão Utor?

- Ông Quang: Mùa này có không khí lạnh xuống nên khi bão di chuyển vào biển Đông gặp không khí lạnh ảnh hưởng thì phần lớn bão bị kích thích mạnh lên và di chuyển quặt xuống tây nam. Tuy nhiên, bão có thể vào đến biển Đông nhưng từ biển Đông vào đất liền còn tùy thuộc sự tương tác của không khí lạnh và cường độ của bão.

- Ông Tuấn: Những cơn bão năm nay thường là bão mạnh và di chuyển từ biển Thái Bình Dương vào. Về cuối mùa bão, do có sự tác động của không khí lạnh, nhiệt độ mặt nước biển nên những cơn bão xuất hiện cuối mùa có những phức tạp về đường đi.

K.HƯNG thực hiện

Năm cơn bão đổ bộ vào VN trong tháng mười hai từ năm 1961-2005:

* Ngày 4-12-1972: bão Therese (bão số 10) mạnh cấp 10 đổ bộ vào khu vực Bình Định.
* Ngày 2-12-1993: bão Lola (bão số 11) mạnh cấp 10 đổ bộ vào khu vực Ninh Thuận.
* Ngày 9-12-1998: bão Faith (bão số 8) mạnh cấp 6 đổ bộ vào khu vực Khánh Hòa.
* Ngày 14-12-1999: bão số 10 mạnh cấp 7 đổ bộ vào khu vực Khánh Hòa.
* Ngày 5-12-2001: bão Kajiki (bão số 9) mạnh cấp 6 đổ bộ vào Quảng Trị.
 

Theo Tuổi trẻ
  • 1.063