Một bé sáu, bảy tháng tuổi có thể tỏ thái độ không bằng lòng. Một chú nhóc hai tuổi thỉnh thoảng lại nổi khùng lên, sẵn sàng đập mọi thứ, quẳng đồ chơi hay la hét ầm ĩ. Hẳn bậc cha mẹ nào cũng cảm thấy lúng túng, muốn biết sao con lại như thế và nên cư xử thế nào với nó.
Đứa trẻ nào cũng có lúc tỏ ra hung dữ. Song, bạn nên biết, khi trẻ chưa đầy năm tuổi, bạn không nên gọi bé là hung dữ. Chẳng qua, bé chưa đủ lớn, còn rất hiếu động và thường phản ứng trước cảm giác thất vọng bằng thái độ tức giận.
Trong các chuỗi thử nghiệm về cuộc sống của mình, trẻ thử làm rất nhiều điều, trong đó có cả những hành vi thô bạo. Song nếu các hành vi ấy trở nên thường xuyên, lặp đi lặp lại thì bố mẹ cần quan tâm hơn. Sẽ đáng ngại nếu các hành vi của trẻ mang tính phá phách, nguy hiểm đối với chính bản thân nó hay với những người xung quanh. Hơn nữa, bạn cũng nên lưu ý nếu hành động của bé có mục đích tồi tệ mà không rõ lý do như: Phá hỏng đồ đạc, hành hạ súc vật, đánh em…
Trong thực tế, có nhiều trẻ em có xu thế ứng xử thô bạo hơn những em khác. Điều đó có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
- Thiếu không khí ấm áp trong gia đình: Đứa trẻ nào cũng cần được gần gũi với cha mẹ, đặc biệt là mẹ. Nếu mối liên hệ này quá lỏng lẻo, đứa trẻ dần cảm thấy không được yêu thương và bảo vệ. Để chạy trốn cảm giác buồn tủi, nó trở nên bực bội với cả thế giới xung quanh.
- Cách giải quyết những xung đột của người lớn không đúng đắn: Chúng ta đều biết trẻ học hỏi bằng cách bắt chước. Quát tháo, tức giận, không tôn trọng bản thân, sử dụng bạo lực... là những hành vi mà trẻ học được từ bố mẹ hoặc người lớn hơn. Một em bé lên ba nếu luôn nhìn thấy anh chị đánh nhau, chứng kiến cảnh người này hành hạ, sử dụng bạo lực với người khác, sẽ nhận được bài học miễn phí về sự hung dữ.
- Xem các chương trình truyền hình không phù hợp: Trên truyền hình, các cảnh bạo lực đôi khi xảy ra nhiều hơn so với thực tế. Và cảnh nào cũng khó chấp nhận với trẻ và gây chấn thương tâm lý cho chúng. Việc xem quá nhiều những điều như vậy sẽ biến trẻ thành người thờ ơ, xơ cứng với những gì lẽ ra có thể khiến nó xúc động. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những đứa trẻ xem nhiều cảnh bạo lực sẽ không sẵn lòng giúp đỡ người khác.
- Có thêm em bé: Khi cha mẹ bận bịu với em bé thì đứa trẻ hay bị mắng oan. Nó bỗng phải làm người lớn một cách đột ngột. “Con ra chỗ khác chơi đi. Lớn thế rồi mà còn chưa biết tự mặc quần áo”. Thái độ ấy vô tình khiến trẻ cảm thấy bị bỏ rơi và đối xử không công bằng.
- Bắt đầu đi mẫu giáo: Cả cha mẹ và cô giáo đều muốn đứa trẻ phải can đảm và tự lập, biết lo cho bản thân. Trong khi tất cả những điều đó đều là quá khó đối với trẻ khiến nó đâm ra hoang mang.
- Khủng hoảng trong gia đình: Khi cha mẹ không có sự đồng cảm và hiểu biết lẫn nhau, hay tồi tệ nhất là họ ly dị, thì sự quan tâm đến con kém hẳn đi. Đứa trẻ do cảm giác bị bỏ rơi, không được bảo vệ, có thể có những phản ứng thô bạo, thường là ở bên ngoài gia đình.