Vì sao con người đột nhiên mất trí nhớ?

  •  
  • 8.656

Cùng tìm hiểu nguyên nhân của hiện tượng mất trí nhớ qua những câu chuyện kỳ lạ của các bệnh nhân.

Lời giải cho hiện tượng đột nhiên mất trí nhớ ở người

Mất trí nhớ là một trong những căn bệnh không còn quá xa lạ với chúng ta. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của chứng mất trí nhớ này là do bệnh nhân bị chấn thương sọ não trong các vụ tai nạn.

Trên thực tế, chứng mất trí nhớ có rất nhiều loại: mất trí nhớ ngắn hạn, không thể ghi nhớ thêm những ký ức mới… Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn tới mất trí nhớ cũng rất đa dạng, không chỉ do sang chấn như bạn thường thấy.

Từ những câu chuyện có thật…

Một trong những trường hợp đáng chú ý nhất của việc mất trí nhớ ngắn hạn phải kể đến Naomi Jacobs, một phụ nữ 32 tuổi người Anh. Vào một buổi sáng của năm 2008, Naomi (khi đó 32 tuổi) thức dậy với toàn bộ ký ức của 17 năm vừa qua bị xóa sạch.

Lúc này cô mang trong mình tiềm thức của một cô bé 15 tuổi. Naomi khẳng định rằng, buổi tối hôm trước đó, cô là một thiếu niên. Trước khi đi ngủ cô còn dành chút thời gian nghĩ về bài kiểm tra tiếng Pháp sắp tới, trên chiếc giường mà cô hay ngủ chung với em gái mình.

Vì sao con người đột nhiên mất trí nhớ?
Hiện tượng kỳ lạ làm cho Naomi Jacobs "sống lại" những ngày tháng tuổi teen

Khoảng 8 tuần sau đó, ký ức của hiện tại quay về với Naomi. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, Naomi kể rằng cô đã phải rất vất vả để có thể làm quen với cuộc sống.

Cô đã phải “học” để sử dụng những công nghệ mới như smartphone và đặc biệt hơn cả là việc phải cố gắng chấp nhận sự thật rằng mình đã có một cậu con trai 10 tuổi.

… tới những giải thích trên quan điểm y học

Các chuyên gia vẫn chưa có lời giải thích về mặt sinh lý nào về việc tại sao Naomi lại mất trí nhớ 17 năm. Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện tượng mất trí nhớ của Naomi được coi là một trường hợp của mất trí nhớ phân ly.

Vì sao con người đột nhiên mất trí nhớ?

Hiện tượng này có thể bị gây ra bởi những căng thẳngchấn thương tâm lý trong quá khứ. Trên thực tế, không những Naomi đã quên việc mình đã từng bị mất việc, lạm dụng ma túy mà còn cả việc bị hãm hiếp năm lên 6 tuổi và việc suýt bị bạn trai siết cổ năm 20 tuổi.

Mất trí nhớ phân ly vẫn là một chẩn đoán gây tranh cãi. Theo một số học giả, trong đó có Harrison Pope - bác sĩ tâm thần thuộc ĐH Harvard cho rằng, cho đến năm 1800, chưa hề có một tài liệu tham khảo nào đề cập đến trường hợp mất trí nhớ phân ly.

Những người khác lại hoài nghi, mất trí nhớ phân ly, bao gồm cả rối loạn nhân cách - trước đó được biết đến như là rối loạn đa nhân cách. Nguyên nhân của hiện tượng không phải do chấn thương tâm lý mà bắt nguồn từ những suy nghĩ sâu thẳm trong tiềm thức của bệnh nhân về cách mà họ nên ứng xử, một phần do những gợi ý của các nhà trị liệu và những ảo tưởng về căn bệnh.

Vì sao con người đột nhiên mất trí nhớ?

Thêm vào đó, những người được chẩn đoán rối loạn phân ly thường có những triệu chứng rối loạn nhân cách và tâm lý bất ổn.

Họ thường nhạy cảm và hay bị ảo tưởng. Trong khoảng thời gian bị mất trí nhớ, Naomi đang theo học về tâm lý học. Có lẽ đây là lý do khiến cô có những ý tưởng liên quan đến chấn thương tâm lý và chức năng của bộ nhớ.

Một trường hợp đáng kinh ngạc khác về hiện tượng mất trí nhớ được ghi nhận một bệnh nhân sống sót sau vụ tai nạn. Sau khi bị đụng xe, bệnh nhân tường thuật lại rằng trí nhớ của cô ấy bị xóa sạch sau mỗi đêm.

Vì sao con người đột nhiên mất trí nhớ?

Căn bệnh này đã từng được đề cập trong bộ phim "50 First Dates" vào năm 2004. Nhiều người cho rằng, bệnh nhân này giả bệnh vì muốn bắt chước diễn viên thần tượng của mình.

Thế nhưng, thông qua việc dùng một vài thủ thuật để kiểm tra trí nhớ của bệnh nhân, các chuyên gia đã không khỏi kinh ngạc khi biết đến sự tồn tại của hiện tượng kỳ lạ này.

Các trường hợp về tâm lý hoặc mất trí nhớ phân ly cực kỳ hiếm. Phổ biến hơn có hiện tượng mất trí nhớ hệ thống, gây ra bởi tổn thương não hoặc các bệnh về thần kinh như đột quỵ.

Khi bệnh nhân này đến khám, vấn đề của họ đang đối mặt không phải là mất trí nhớ về một phần quá khứ, hay quên mất mình là ai, mà là họ không thể hình thành được kí ức mới.

Vì sao con người đột nhiên mất trí nhớ?

Hiện tượng mất trí nhớ tạm thời này thường bị gây ra do tổn thương ở vùng hồi hải mã. Là một cấu trúc nằm bên trong thùy thái dương - vùng hồi hải mã liên quan đến hoạt động lưu giữ thông tin và hình thành ký ức trong trí nhớ dài hạn và khả năng định hướng không gian của mỗi người.

Một trong những bệnh nhân được nghiên cứu về bệnh mất trí nhớ nhiều nhất có lẽ là Henry Molaison. Do mắc chứng động kinh, Molaison đã phải thực hiện một ca phẫu thuật để cắt bỏ phần lớn khu vực hồi hải mã trong não mình. Điều này giúp Molaison thoát khỏi những cơn co giật nhưng khiến ông bị mắc kẹt ở hiện tại vĩnh viễn.

Dù vẫn nhớ được danh tính và thông tin cơ bản về mình nhưng hầu hết các ký ức mới của Molaison không kéo dài quá vài giây. Ngoài ra, sau khi phẫu thuật khả năng chịu đau của Molaison trở nên cao bất thường. Nguyên nhân của hiện tượng này chính là việc các hạch Amygdala - một phần vùng hồi hải mã của Molaison đã bị cắt bỏ.

Vì sao con người đột nhiên mất trí nhớ?
Hình ảnh vùng hồi hải mã của con người.

Amygdala là một cấu trúc hình quả hạnh nhân đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên sự sợ hãi và các trạng thái cảm xúc khác, trong đó bao gồm cảm giác đau đớn.

Bên cạnh các sang chấn, lạm dụng ma túy và đồ uống có cồn là một vài nguyên nhân tiêu biểu có thể gây ra mất trí nhớ. Nghiện rượu lâu dài có khả năng gây ra hội chứng Korsakoff - một hội chứng nguy hiểm làm mất đi những ký ức cũ, đồng thời cản trở khả năng ghi nhớ những ký ức mới.

Người mắc hội chứng này sẽ luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện hư cấu hoàn toàn nhưng họ luôn một mực cho là đúng.

Vì sao con người đột nhiên mất trí nhớ?

Ngoài ra, một trường hợp hiếm gặp nữa gây ra chứng mất trí nhớ đó là do hiện tượng sụt giảm lưu lượng máu tới các cơ quan trong não. Một phụ nữ 54 tuổi từng gặp trường hợp này sau khi có một đêm quan hệ “máu lửa”.

Trên thực tế, mỗi người trong số chúng ta đều là bệnh nhân của căn bệnh mất trí nhớ. Rất ít người có thể nhớ rõ được những ký ức của mình trong giai đoạn trước khi lên 3 tuổi. Thế nhưng đây không hoàn toàn là một căn bệnh. Chúng ta bị mất đi phần lớn ký ức hồi còn nhỏ sở dĩ là do sự trưởng thành ở chức năng của bộ nhớ.

* Bài viết thể hiện quan điểm của Giáo sư tâm lý Christian Jarrett đăng trên BBC.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 8.656