Vì sao không nên đánh vào miệng của chó, mèo?

  •  
  • 5.826

Những chú chó mèo vẫn luôn là người bạn quen thuộc và thân thiết của con người. Chúng được chiều chuộng, nâng niu như một thành viên trong gia đình. Tuy nhiên đôi lúc, vì một vài lý do như chó mèo không nghe lời hoặc có hành động không tốt, khiến chủ nhân của chúng buộc phải đưa ra hình phạt. Nhưng phạt thế nào và phạt ra sao lại ảnh hưởng rất nhiều đến thú cưng của bạn.

Điển hình nhất có thể kể đến việc chó mèo đi vệ sinh không đúng chỗ. Nhiều người thường có thói quen dí mũi của chó mèo vào nơi chúng đã "đi bậy", sau đó đánh vào mõm chúng với suy nghĩ thú cưng sẽ biết được việc đi vệ sinh ở đó là sai và không bao giờ lặp lại.

Hay những chú chó, chú mèo thường cắn, cào ghế sofa hoặc một vài thứ khác trong nhà. Chủ nhân của chúng cũng sẽ dí và đánh vào mõm chúng ngay nơi đó để răn dạy. Thế nhưng, ít người biết rằng, việc đánh vào mõm thú cưng là hành động hoàn toàn sai lầm, thậm chí là còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của chó mèo.

 Để có thể huấn luyện được chó, mèo đi vệ sinh đúng chỗ là một kỳ công.
Để có thể huấn luyện được chó, mèo đi vệ sinh đúng chỗ là một kỳ công. (Ảnh: Pet N.T).

Cụ thể, theo trang Postjung của Thái Lan cho biết, việc đánh vào mũi chó mèo là hành động không nên, bởi lẽ ở khu vực này chứa rất nhiều mao mạch của chó, mèo. Đặc biệt, vùng mũi là nơi tập trung khá nhiều dây thần kinh, mạch máu của chúng. Những dây thần kinh, mạch máu này giúp chó mèo có thể nhận thức được về mùi, kiểm soát thân nhiệt và nhiều chức năng khác.

Vì thế, nếu đánh vào vùng mõm hoặc mũi của chó mèo sẽ khiến chúng cảm thấy khó chịu, thậm chí là đau đớn và nếu đánh quá mạnh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng. Một số trường hợp do lực tác động vào quá mạnh có thể khiến chó mèo bị thương, bị chảy máu mũi, nặng hơn là khó có thể cầm máu. Khi xuất hiện tình trạng này, chủ nhân của những chú chó, mèo tuyệt đối không được chủ quan, thay vào đó phải theo dõi sát sao và đưa chúng đến gặp bác sĩ thú y nếu triệu chứng không thuyên giảm.

Phần lớn dây thần kinh và mao mạch tập trung ở mõm và mũi của chó mèo.
Hình ảnh được chia sẻ cho thấy phần lớn dây thần kinh và mao mạch tập trung ở mõm và mũi của chó mèo. (Ảnh: Postjung).

Trên thực tế, việc dạy dỗ chó mèo cần sự kiên nhẫn rất lớn của người nuôi chứ không thể dựa vào việc đánh mắng chúng. Đối với việc vệ sinh đúng chỗ, cách ăn uống thích hợp, hạn chế chó mèo phá phách, làm hư hỏng đồ đạc... tất cả đều cần người chủ thật kiên nhẫn, huấn luyện chúng liên tục. Chẳng hạn, việc đi vệ sinh cần tìm chỗ đi vệ sinh phù hợp, sau đó chỉ cho thú cưng đi vào đó. Sau nhiều lần hoặc thời gian dài theo dõi, thú cưng sẽ quen và biết chúng cần phải đi vệ sinh ở đâu.

Việc ăn uống cũng cần theo dõi sát sao. Hãy cho ăn đúng giờ, bát ăn uống riêng biệt để chó mèo quen vào nề nếp. Đặc biệt, bạn cần vừa nghiêm khắc, vừa nhẹ nhàng với những thú cưng của mình để chúng quen dần với lối sống, nề nếp mà bạn đặt ra. Từ đó, chó mèo sẽ ngoan và nghe lời chủ nhân của mình hơn.

Người nuôi cần kiên nhẫn khi huấn luyện chó mèo.
Người nuôi cần kiên nhẫn khi huấn luyện chó mèo. (Ảnh: VNExpress).

Nuôi chó, mèo là điều không hề đơn giản. Ngoài việc cho ăn, cho uống thì người nuôi cần huấn luyện chúng vào nề nếp, ngoan ngoãn, vâng lời nhưng không cần dùng đến bạo lực quá nhiều. Hi vọng sau bài viết này, người nuôi sẽ hạn chế dùng "roi vọt" với những chú chó mèo của mình, bởi nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tình cảm với chúng đấy!

Cập nhật: 27/07/2024 Theo YAN/TTVH
  • 5.826