Công nghệ an ninh tiên tiến hơn trước đây nhưng công nghệ làm bom cũng không kém cạnh. Tốc độ phát triển đang trở thành con dao hai lưỡi.
Các cơ quan tình báo và bộ phận thi hành luật pháp Hoa Kỳ tin rằng IS và nhiều tổ chức khủng bố khác đã tìm ra những cách mới để chế tạo bom: họ cài đặt chất nổ vào trong thiết bị điện tử và bằng cách nào đó, những thiết bị ấy đã vượt qua được lớp bảo vệ tại sân bay – một lỗ hổng an ninh cực lớn.
Cuối năm ngoái, một vụ việc như vậy đã xảy ra tại sân bay Mogadishu, Somali. Một thiết bị gây nổ được lắp đặt vào bên trong một chiếc laptop đã phát nổ ở trên chuyến bay, bởi lẽ hệ thống quét X-quang đã không thể phát hiện ra được quả bom và ngăn chặn nó trước khi kẻ khủng bố có thể mang lên máy bay. Sự việc này đã khiến chính phủ cũng như người dân lo lắng về các biện pháp an ninh tại các sân bay Châu Phi nói riêng và toàn bộ tình hình an ninh sân bay quốc tế nói chung.
Kiểm tra hành lý trước giờ cất cánh.
Các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng những kẻ khủng bố bằng cách nào đó đã có được những thiết bị an ninh của sân bay, để có thể tự thử nghiệm nhằm tìm ra cách thức che giấu bom hiệu quả nhất. Hiện tại, luật cấm mang thiết bị điện tử lớn (như laptop) đã được thiết lập trên 10 sân bay trong 8 nước thuộc Trung Đông và Châu Phi (đó là Jordan, Ai Cập, Thổ Nhỹ Kỳ, Ả Rập Saudi, Morocco, Qatar, Kuwait, và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất UAE).
Nhiều người lo lắng rằng luật việc ban hành luật cấm vẫn là chưa đủ. Bởi lẽ theo như tin của CNN nhận được, FBI đã tiến hành nhiều bài thử hồi cuối năm ngoái và xác định được rằng bom giấu trong laptop sẽ cực kì khó bị phát hiện ra với máy quét thông thường.
Quét X-quang toàn thân tại sân bay.
Bên cạnh việc ban hành luật cấm, chính phủ các nước cũng vẫn tỏ ra tự tin với những thiết bị mới được lắp đặt tại Mỹ cũng như Châu Âu. Như họ bày tỏ, công nghệ tiên tiến cùng với những việc huấn luyện bài bản sẽ làm giảm nguy cơ tấn công xuống thấp. Họ đang áp dụng thêm những biện pháp an ninh khác hơn là chỉ những máy X-quang, ví dụ như chó nghiệp vụ hay các thiết bị chuyên dò tìm chất nổ.
Vấn đề nằm ở loại máy quét X-quang nào được dùng để phát hiện ra chất nổ. Đa số các sân bay ở các nước phát triển hiện đang sử dụng loại máy quét thuộc thế hệ quét X-quang đa chiều (sử dụng một lúc nhiều tia X chiếu vào hành lý) tiên tiến nhất, nhưng một số nơi (dù nằm trong diện các nước phát triển) lại không được may mắn thế, họ vẫn sử dụng máy X-quang đơn chiều và hiển nhiên, chiếc máy này không thể phát hiện được chất nổ một cách hiệu quả.
Hình ảnh quét X-quang hành lý tại sân bay.
Nhiều sân bay tại Châu Phi và nhiều nước đang phát triển khác cũng vậy, họ không có được Công nghệ Phát hiện Chất nổ (ETD) tiên tiến nhất.
Những thế hệ máy quét X-quang mới nhất hiện nay khi kết hợp với công nghệ ETD kể trên thường sẽ phát hiện được chất nổ rất tốt, kể cả khi nó được giấu kín trong phần máy móc nằm trong chiếc máy tính xách tay. Các cỗ máy này có thể làm được điều đó là do thiết bị ETD có thể phát hiện ra dù chỉ là một lượng chất nổ nhỏ nhất, đó là lời khẳng định của William McGann, một chuyên gia phát hiện chất nổ tại Implant Sciences, một công ty sản xuất hệ thống phát hiện chất nổ của Mỹ.
Ông McGann nói với CNN rằng khi mà hệ thống X-quang đa chiều mới được sử dụng riêng biệt, có một tỉ lệ nhỏ những hình ảnh từ những tia X khác nhau phát ra từ chiếc laptop sẽ ảnh hưởng tới khả năng phát hiện ra điều khác lạ trong chiếc máy tính. "Mặt khác, tia X đơn chiều chỉ có tác dụng tốt nhất với việc quét hành lý đơn giản. Chất nổ TNT được giấu trong laptop sẽ dễ dàng bị bỏ qua", ông bổ sung.
"Khi mà những kẻ khủng bố bắt đầu đổi cách thức đánh bom, để mức mà những quả bom không còn đơn giản chỉ là một túi chất nổ chứa ống thép và đinh sắt, thì toàn bộ thế giới nên bày tỏ sự lo ngại của mình với vấn đề khủng bố. Những thiết bị nổ được giấu một cách công phu quả thật rất đáng ghê sợ. Chúng có thể không đánh lừa được những chuyên gia được huấn luyện bài bản nhưng với một nhân viên an ninh ngồi chán cả ngày, đó lại là câu chuyện khác", chuyên gia phát hiện chất nổ nói.
Chó nghiệp vụ là một trong những cách thức phát hiện chất nổ tại sân bay.
Robert Liscouski, một cựu viên chức cấp cao tại Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ và chủ tịch của công ty Implant Sciences, nói rằng ta đang cần một đội ngũ nhân viên sân bay được huấn luyện bài bản hơn.
"Ở các nước đang phát triển, có những trở ngại rất lớn trong việc đào tạo và duy trì mức độ hiệu quả của nhân lực làm việc ở sân bay, việc một hệ thống an ninh không có một lỗ hổng thực sự là không bao giờ có", ông Liscouski nói.
Khi luật cấm được chính thức ban hành, các nhà chức trách Mỹ đã nói với CNN rằng họ lo lắng về việc những kẻ khủng bố đã phát triển được một cách giấu chất nổ vào trong pin. Nhưng những thông tin mới chỉ rõ rằng những kẻ chế tạo bom cho các tổ chức khủng bố đã tìm ra được một cách mới (hiệu quả hơn) để giấu chất nổ bên trong laptop, có thể giữ cho cỗ máy có thể vận hành đủ lâu để qua được khâu kiểm duyệt. Đáng lo ngại hơn, một chiếc laptop có thể được chỉnh sửa thành bom chỉ với những công cụ tại nhà.
Tại những nơi áp dụng luật đó, các thiết bị điện tử lớn sẽ phải nằm tại khoang hành lý.
Các chuyên gia FBI cũng đã tiến hành thử những loại "bom laptop" khác nhau để xác minh chính xác những khó khăn mà những nhân viên an ninh tại sân bay sẽ phải đối mặt. Cùng lúc đó, họ cũng xác nhận rằng không có một thông tin tình báo đơn lẻ và cụ thể nào cho việc 8 sân bay kể trên bị áp dụng luật cấm, tránh việc dư luận cho rằng những sân bay kể trên đặc biệt nguy hiểm.
Tại những nơi áp dụng luật đó, các thiết bị điện tử lớn sẽ phải nằm tại khoang hành lý, hành khách tuyệt đối không được mang theo người. Mặc dù những kẻ khủng bố hoàn toàn có thể kích nổ thiết bị từ xa, nhưng khi quả bom nằm trong khoang hàng hóa, thiệt hại gây ra (về cả người và cả độ an toàn của chuyến bay) sẽ không quá lớn.
Những luật cấm ấy đến từ hồi chuông cảnh tính được gióng lên hồi tháng Hai năm 2016, khi tổ chức al-Shabaab tại Somali (có móc nối với mạng lưới al Qaeda) đã cho nổ một quả bom laptop trên một chuyến bay của hãng Daallo Airlines, đi từ Mogadishu tới Djibouti. Các nhà điều tra cho rằng chất gây nổ được giấu trong khay đựng đĩa DVD của chiếc máy tính. May mắn là khi máy bay chưa bay quá cao, kẻ khủng bố đã cho nổ thiết bị. Nhờ đó phi hành đoàn đã có thể hạ cánh khẩn cấp kịp thời và may mắn là chỉ có 2 hành khách bị thương.
Vụ đánh bom trên máy bay tại Somali hồi đầu năm 2016.
Ở một mức độ nào đó, việc các nhóm khủng bố đang tìm những cách thức mới để đưa bom vào trong các thiết bị điện tử là một bằng chứng cho thấy những biện pháp an ninh tiên tiến đã thành công tới mức nào. Kể từ vụ khủng bố kinh hoàng của ngày 11/9, thế giới đã cảnh giác hơn với hai từ "khủng bố" và cũng từ khi đó, các thiết bị bảo mật đã trở nên tiên tiến hơn bao giờ hết.
Những kẻ khủng bố liên tục tìm cách vượt qua hàng rào chắn an ninh, những thiết bị cũng càng tiến bộ hơn. Chưa bao giờ, hình ảnh công nghệ là con dao hai lưỡi hiện ra rõ ràng như vậy.