Vì sao thị vệ không phải tịnh thân như thái giám?

  •   1,73
  • 2.326

Nhắc đến người hầu thân cận của hoàng đế trong hoàng cung, ai trong chúng ta cũng đều nghĩ ngay đến các thái giám. Nhưng thực tế, có hai lực lượng chính là nam giới thực hiện nhiệm vụ hầu hạ thân cận cho hoàng đế. Đó là thái giám và ngự tiền thị vệ. Nhiệm vụ của ngự tiền thị vệ là bảo vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoàng đế.

Cùng sống trong hoàng cung, nhưng vì sao các thái giám thì phải tịnh thân mới được làm việc trong cung, còn thị vệ thì không cần. Lý do là gì?

Lý do thứ nhất: Phân công công việc

Lý do đầu tiên cũng lý do cơ bản nhất để trả lời cho câu hỏi này chính là sự khác biệt trong công việc của thái giám và thị vệ. Cụ thể, khu vực làm việc của ngự tiền thị vệ là cả hoàng cung rộng lớn. Còn thái giám chỉ phụ trách hậu cung hay những nơi được phân quản lý khác mà phải tiếp xúc nhiều với phi tần, cung nữ. Muốn phục vụ khu vực này, thái giám bắt buộc phải tịnh thân để có thể đảm bảo không nhiễu loạn hậu cung.

Còn các ngự tiền thị vệ phải chịu trách nhiệm về an ninh của hoàng cung, tuần tra và canh gác các cung và những vị trí quan trọng. Vì thế, họ ít có cơ hội được tiếp xúc với các phi tần trong hậu cung. Cho dù có canh gác những khu vực hậu cung, nơi có nhiều cung nữ thì các thị vệ cũng sẽ phải tuần tra theo đội hình quy định. Điều này không giống như các thái giám có thể tùy ý ra vào hậu cung.

Lý do thứ hai: Xuất thân

Lý do tiếp theo đó chính là có sự khác biệt trong thân thận, vị trí của thái giám và ngự tiền thị vệ. Thái giám thường là những người thuộc tầng lớp nghèo khổ, chấp nhận tịnh thân để sống trong hoàng cung. Nhưng khác với thái giám, các thị vệ xưa kia đều xuất thân từ gia tộc lớn, được điều tra thân phận dòng tộc rõ ràng.

Khi tuyển các thị vệ, hoàng đế sẽ ra lệnh điều tra dòng tộc của từng người để nắm rõ thân thế, biết được dòng tộc của thị vệ có trong sạch không, tổ tiên trước kia đã từng phạm tội phản nghịch hay tội nặng nào chưa. Đặc biệt, các thị vệ đều phải thuộc những dòng tộc Bát Kỳ, các gia tộc nào có càng nhiều công lao với hoàng đế thì sẽ càng được tín nhiệm. Có như vậy, những người này mới có được sự tin tưởng của hoàng đế và cho phép hầu thân cận.

Các thị vệ xưa kia đều xuất thân từ những dòng tộc lớn.
Các thị vệ xưa kia đều xuất thân từ những dòng tộc lớn. (Ảnh: Sohu).

Các ngự tiền thị vệ trong Tử Cấm Thành xưa là lực lượng được tuyển chọn từ con cháu dòng dõi các gia tộc thuộc Bát Kỳ Mãn Châu và Mông Cổ. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ an ninh trong hoàng cung, các cổng của Tử Cấm Thành, bảo vệ hoàng đế và cả hoàng tộc.

Lý do thứ ba: Vị trí trong cung

Thị vệ cũng là tầng lớp giúp việc cho hoàng đế và cả gia tộc của hoàng đế trong cung. Nhưng thị vệ là có một chức quan phân cấp rõ ràng, được thành lập ra với mục đích đó là phục vụ hoàng đế và hoạt động dưới sự quản lý của hoàng đế.

Ngự tiền thị vệ phục vụ hoàng đế và hoàng tộc trong triều.
Ngự tiền thị vệ phục vụ hoàng đế và hoàng tộc trong triều. (Ảnh: Sohu)

Ngược lại, các thái giám phục vụ ở hậu cung thì thân phận nhỏ bé. Các phi tần có thể triệu đến hầu lúc nào thì các thái giám cũng phải có mặt. Còn các thị vệ thì khác, các phi tần trong hậu cung không thể tùy ý triệu kiến để gặp được. Ngược lại, chỉ có hoàng đế mới có quyền ra lệnh các thị vệ đến hầu. Nếu không tuân thủ quy tắc này, cả phi tần và thị vệ sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.

Qua những lý do trên, có thể thấy rằng việc các ngự tiền thị vệ không cần phải tịnh thân như thái giám là điều hiển nhiên. Hơn nữa có thể hiểu rằng, vị trí và tầm quan trọng của thị vệ trong xã hội xưa không hề thấp. Dù đều là đàn ông nhưng thái giám và thị vệ là hai thái cực khác nhau.

Cập nhật: 01/04/2022 Theo Pháp luật&bạn đọc
  • 1,73
  • 2.326