Không phải thanh thiếu niên, người lớn thì không mắc bệnh nhưng có vẻ như trẻ em và người lớn tuổi là đối tượng thường xuyên bị bệnh tật "viếng thăm" hơn cả. Lí do thật sự đằng sau việc này là gì?
Trẻ em, đặc biệt là trẻ mới biết đi, không có một hệ thống miễn dịch phát triển đầy đủ để bảo vệ chúng khỏi những căn bệnh nhẹ. Ngoài ra, chúng còn thường xuyên tiếp xúc với những đứa trẻ khác nên càng tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh cho nhau.
Trong khi đó, người già dễ nhiễm bệnh do hệ thống miễn dịch của họ suy yếu dần theo thời gian. Thêm vào đó, họ cũng có xu hướng bị bệnh nhiều hơn và hậu quả của mỗi lần bị bệnh càng tồi tệ hơn.
Trẻ em có xu hướng bị ốm với tần số đáng kinh ngạc và điều này gần như đúng với mọi đứa trẻ. Tuy nhiên, đây là một biểu hiện bình thường và các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng. Một trong những bệnh phổ biến nhất mà trẻ em – đặc biệt là trẻ sơ sinh và mới biết đi – hay mắc phải là cảm. Dường như chỉ cần một chút xíu thay đổi của môi trường cũng có thể dẫn đến việc trẻ bị cảm.
Một điều thú vị cần lưu ý là trẻ em thường bị cảm sau 6 tháng tuổi, bởi vì đây là khoảng thời gian mà khả năng miễn dịch nhận từ mẹ phai nhạt dần đi và được thay thế bằng hệ thống miễn dịch tự thân của trẻ.
Hệ thống miễn dịch của trẻ em vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên chúng chưa thể hình thành được cơ chế miễn dịch với nhiều loại vi khuẩn.
Trẻ em, giống như người lớn đều tiếp xúc với vi khuẩn mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, cơ thể người lớn đã xác định được các vi khuẩn gây bệnh phổ biến và quen với chúng (đã hình thành nên cơ chế miễn dịch). Hệ thống miễn dịch của trẻ em vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên chúng chưa thể hình thành được cơ chế miễn dịch với nhiều loại vi khuẩn. Do đó, chúng thường ngã bệnh khi tiếp xúc với những mầm bệnh và vi khuẩn nhất định cho đến khi hình thành được cơ chế miễn dịch chống lại những tác nhân gây bệnh này.
Trẻ em thường xuyên tiếp xúc (tác động vật lý) với những đứa trẻ khác trong khi những đứa trẻ này có thể đang chảy mũi hay bệnh. Bằng cách này, trẻ em dễ bị tổn thương hơn do tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh.
Đây là một sự thật hiển nhiên ngay từ buổi sơ khai của loài người. Bọn trẻ có xu hướng muốn đưa mọi thứ vào miệng của mình cho dù đó là quả táo, tiền xu, một cây bút hay khối rubik. Đó là cách chúng nhận biết thế giới xung quanh nhưng xu hướng thăm dò vật lý này mang đến một nguy cơ cực cao tiếp xúc với các vi trùng và vi khuẩn mà hệ miễn dịch của trẻ chưa chống lại được, do đó trẻ thường xuyên mắc bệnh.
Lý do trong trường hợp này cũng liên quan trực tiếp đến hệ thống miễn dịch của con người. Hệ thống miễn dịch của chúng ta là gì? Đó là một mạng lưới phức tạp các tế bào, mô và cơ quan làm việc song song để giúp cơ thể tránh khỏi bệnh tật và nhiễm trùng.
Người già dễ nhiễm bệnh do hệ thống miễn dịch của họ suy yếu dần theo thời gian.
Lão hóa diễn ra từ từ, quá trình này dần dần có tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch và khả năng chống chọi bệnh tật của con người. Hơn nữa, hệ thống miễn dịch chậm hơn trong việc phát hiện các tác nhân gây bệnh và phản ứng lại chúng. Điều này làm suy giảm dần khả năng miễn dịch của một con người do quá trình lão hóa tự nhiên mà các nhà khoa học gọi là "immunosenescence".
Immunosenescence liên quan đến một số trở ngại sinh học trong cơ thể, bao gồm cả thiệt hại từ sự oxy hóa DNA thông qua hoạt động trao đổi chất của tế bào, làm giảm khả năng tự đổi mới của các tế bào gốc tạo máu (HSC). Điều này làm giảm số lượng thực bào và làm cho cơ thể lão hóa dần.
Có nhiều yếu tố khác nữa, chẳng hạn như tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ... tất cả đều đẩy nhanh sự lão hóa của hệ thống miễn dịch theo thời gian.
Điều này xảy ra với hệ thống miễn dịch của người già, đặc biệt là giai đoạn sau 65 tuổi – lúc này cơ thể đã suy yếu và giảm khả năng phục hồi để chống lại sự tấn công liên tục của vi trùng và vi khuẩn.
Một lối sống lành mạnh (bao gồm một chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc và không uống rượu) kết hợp với tiêm chủng và tập thể dục có thể làm giảm bớt rất nhiều các rủi ro liên quan đến sực suy giảm hệ thống miễn dịch ở người già.