Vận động viên Tyler Mislawchuk đã nôn mửa ngay trên sóng truyền hình trực tiếp, sau khi về đích trong nội dung 3 môn phối hợp hôm 31/7, bao gồm bơi 1,5 km trên sông Seine, đạp xe 40 km và chạy 10 km để về đích.
"Tôi không hối hận vì đã nôn 10 lần. Tôi không đến đây để lọt vào top 10, nhưng đã cống hiến hết mình", Mislawchuk cho biết sau cuộc đua.
Vận động viên Tyler Mislawchuk nôn ói trực tiếp trên sóng truyền hình.
Mislawchuk hoàn thành cuộc đua trong vòng 1 giờ 39 phút 41 giây, giành vị trí thứ 9 - thành tích tốt hơn so với vị trí thứ 15 của anh tại Olympic Tokyo 2020.
Vận động viên Canada này không phải người duy nhất kiệt sức sau cuộc đua. Nhiều vận động viên cũng nằm dài sau về đích. Cuộc đua 3 môn phối hợp từ lâu đã nổi tiếng vì sự khắc nghiệt, nhưng chủ đề này trở nên nóng hơn tại Olympic Paris 2024 khi câu chuyện về mức độ ô nhiễm của sông Seine và cảnh báo về nhiệt độ tại Paris trong những ngày diễn ra Olympic đang được quan tâm.
Các vận động viên 3 môn phối hợp bơi qua sông Seine tại Olympic Paris. (Ảnh: The Globe and Mail).
Nghiên cứu chỉ ra rằng, vấn đề tiêu chảy hay nôn mửa ở các vận động viên thường liên quan đến chất lượng nguồn nước.
Kết quả thử nghiệm gần đây được công ty công nghệ Fluidion chia sẻ với CNN cho thấy sông Seine vẫn không an toàn để bơi theo tiêu chuẩn do World Triathlon đặt ra, vì mức độ vi khuẩn E. Coli cao trong nước, có khả năng khiến các vận động viên gặp rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe.
Các cuộc thử nghiệm của Fluidion đã phát hiện ra rằng trung bình, mức độ E. Coli ở sông Siene từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5 dưới 3400 MPN/100 mL. Theo tính toán của CNN, con số này cao hơn gấp 3 lần so với mức tiêu chuẩn của nước có chất lượng "tốt" của World Triathlon.
"Chúng ta đã trải qua một vài tháng mưa rất lớn, gây ra nhiều vụ tràn nước cống kết hợp ở Paris và thượng nguồn", Dan Angelescu, CEO của Fluidion, cho biết. Ông nói thêm những điều này tác động rõ ràng đến chất lượng nước, với "sự gia tăng đáng kể của vi khuẩn sau các trận bão".
Chính quyền thành phố Paris đã chi ít nhất 1,4 tỷ euro (1,55 tỷ USD) để làm sạch sông Seine. (Ảnh: The New York Times).
Theo quy định của Giải 3 môn phối hợp thế giới, nếu mức độ vi khuẩn E. Coli vẫn ở mức cao như vậy, phần thi bơi của cuộc thi 3 môn phối hợp sẽ phải bị hủy bỏ, trừ khi ủy ban y tế của tổ chức này quyết định rằng cuộc đua vẫn có thể tiếp tục.
Chính quyền thành phố Paris đã chi ít nhất 1,4 tỷ euro (1,55 tỷ USD) để làm sạch sông Seine. Tháng 5, một cơ sở lưu trữ nước mưa đã được mở, có thể chứa lượng nước tương đương 20 bể bơi Olympic để giảm áp lực lên mạng lưới nước thải và giảm nguy cơ nước thải được xả vào sông Seine, theo một tuyên bố từ Olympic Paris 2024.
Ban tổ chức Olympic Paris 2024 cho biết họ vẫn "rất tin tưởng" vào khả năng cải thiện chất lượng nước của thành phố Paris lên "tiêu chuẩn cần thiết" kịp thời cho Thế vận hội.
"Nhìn chung, chất lượng nước ở sông Seine tiếp tục được cải thiện mỗi ngày. Đến thời điểm diễn ra Thế vận hội, ô nhiễm vi khuẩn ở sông Seine sẽ giảm 75% nhờ vào nhiều biện pháp mà các đối tác của chúng tôi thực hiện", ban tổ chức cho biết trong một tuyên bố vào đầu tháng 6.
Tháng 8/2023, ít nhất 57 vận động viên đã bị tiêu chảy và nôn mửa sau khi bơi ngoài khơi bãi biển Roker trong chặng đua tại Anh của Giải vô địch 3 môn phối hợp thế giới.
Các cuộc kiểm tra thường kỳ do Cơ quan Môi trường tiến hành tại Roker vào cuối tháng 7, vài ngày trước cuộc thi, đã phát hiện ra mức độ vi khuẩn E. Coli cao trong nước. Nhưng British Triathlon, cơ quan quản lý các cuộc thi 3 môn phối hợp tại Anh, khẳng định các cuộc thử nghiệm này được thực hiện bên ngoài vùng nước được sử dụng cho cuộc thi.
Một trong những người tham gia, vận động viên 3 môn phối hợp người Australia Jake Birtwhistle đã chia sẻ trên Instagram rằng anh "cảm thấy khá tệ kể từ sau cuộc đua". "Cuộc thi bơi lẽ ra phải bị hủy bỏ", anh cho biết.
Cuộc đua 3 môn phối hợp ở Olympic Paris 2024 đáng ra được tổ chức vào ngày 30/7 nhưng đã bị hoãn vì chất lượng nước sông Seine không đảm bảo. Ban tổ chức khẳng định sức khỏe của các vận động viên vẫn là "ưu tiền hàng đầu".
Một ngày sau đó, cuộc thi diễn ra với nội dung dành cho nam được đẩy sang buổi chiều, còn cuộc thi dành cho nữ diễn ra vào buổi sáng. Khi các vận động viên nam về đích, nhiệt độ đã tăng lên khoảng 30 độ C ở thủ đô nước Pháp cùng với chất lượng không khí kém, theo Toronto Sun.
Paris phải đối mặt với nhiệt độ cực cao khi thế giới gần đây đã ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử. Các chuyên gia cho biết chúng ta hiện ở "vùng thực sự chưa được khám phá" khi Trái đất tiếp tục nóng lên.
Thành phố của Pháp cũng đặc biệt dễ bị tổn thương do nhiệt độ cao và có nguy cơ tử vong do nhiệt cao nhất ở châu Âu, một nghiên cứu năm 2023 cho thấy.
Tuy nhiên, ngay cả trong những ngày trời đẹp thì các vận động viên cũng rất vất vả trong nội dung thi đấu 3 môn phối hợp.
Kristian Blummenfelt gục ngã sau khi về địch tại Olympic Tokyo 2020. (Ảnh: PA).
Tại Olympic Tokyo 2020, Vận động viên người Na Uy Kristian Blummenfelt cũng đã nôn mửa, ngã gục sau khi giành huy chương vàng 3 môn phối hợp. Anh thậm chí kiệt sức đến mức phải ngồi xe lăn sau cuộc thi.
Một bài báo đánh giá năm 2019 trên Current Sports Medicine Reports đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến các vận động viên 3 môn phối hợp dễ gặp các vấn đề về sức khỏe, trong đó phần thi bơi ngoài trời được cho tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.
Đầu tiên, có môi liên hệ giữa nguy cơ tử vong tăng cao với việc bơi trong làn nước có nhiệt độ thấp. Người bơi ngoài trời cũng gặp các rủi ro có thể đến từ sóng dữ, dòng chảy mạnh hoặc động vật biển như sứa, cá mập...