Video: Cận cảnh lỗ hổng kỳ lạ của Mặt trời

  •  
  • 2.782

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa cho công bố một đoạn video ấn tượng cho thấy một lỗ hổng hình vuông dị thường trên bề mặt Mặt trời.

Trong đoạn video được quay trong 2 ngày từ 5 - 7/5, lỗ hổng trông như một vực sâu màu đen thẫm ở trung tâm của Mặt trời. Khi Mặt trời xoay tròn, hình ảnh lỗ hổng to lớn này rất rõ thấy, có vẻ rung rinh hơn và tóe lửa.

NASA cho biết, sự xuất hiện của vùng khuyết trên bề mặt Mặt trời bắt nguồn từ một hiệu ứng có tên gọi là "lỗ vòng hoa".

Các chuyên gia của NASA giải thích: "Lỗ vòng hoa, thường có hình vuông, là một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của Mặt trời vào cuối chu kỳ. Lỗ vòng hoa là nơi gió mặt trời tốc độ cao đổ tràn vào không gian. Nó có vẻ thẫm màu trong ánh sáng siêu cực tím, vì có ít vật liệu phát tỏa hơn trong những bước sóng này".

Về kiểu rung rinh kỳ lạ ở bên trong vùng khuyết, NASA tiết lộ, hiện tượng này do các "sợi" plasma khổng lồ gây ra. Những quầng sáng bên trong lỗ vòng hoa là nơi plasma nóng bỏng tạo ra những mảng điện từ kết dính trên bề mặt Mặt trời.

Do Trái đất tọa lạc xa Mặt trời về phía nam, nên ít có khả năng gió mặt trời sẽ ảnh hưởng tới hành tinh của chúng ta.

Hồi đầu năm nay, NASA đã thu được những hình ảnh quan sát tốt nhất từ trước tới nay về một "cơn thịnh nộ" dữ dội của Mặt trời. Sự kiện diễn ra vào ngày 29/3, nhưng mãi tới hiện nay NASA mới phân tích được dữ liệu do 4 kính viễn vọng trong không gian và một trạm quan sát trên Trái đất cung cấp. Kết quả quan sát thu được vô cùng có ý nghĩa, vì một cách tình cờ, tất cả các trạm quan sát cùng theo dõi một điểm ở Mặt trời cùng lúc.

Các nhà khoa học hiện đang nỗ lực tái dựng bức tranh chi tiết hơn về việc một đợt bùng nổ của mặt trời khởi phát và đạt đỉnh như thế nào. Nỗ lực này sẽ giúp làm sáng tỏ nguồn gốc của những vụ nổ ít biết ở Mặt trời, giúp chúng ta một ngày nào đó có thể dự đoán và phòng ngừa những tổn hại tiềm tàng do bão Mặt trời có khả năng gây ra với Trái đất hay hoạt động của con người trong không gian.

Theo Vietnamnet, Space, Daily Mail
  • 2.782