Chứng viêm khớp có thể xuất hiện sau nhiễm khuẩn ở một cơ quan ngoài khớp, chẳng hạn như hệ tiết niệu sinh dục, hệ tiêu hóa... Đây là bệnh viêm khớp phản ứng, nếu kéo dài sẽ gây khổ sở không ít cho bệnh nhân.
Khớp xương bàn tay (Ảnh: Sức khỏe & đời sống) |
Cơ chế bệnh sinh của viêm khớp phản ứng hiện nay chưa rõ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, đây là nhóm bệnh lý trung gian miễn dịch có vai trò của vi khuẩn Chlamydia trachomatis, Salmonella, Yersinia... Biểu hiện lâm sàng rất phong phú và ở nhiều mức độ, bao gồm:
Viêm các khớp ngoại biên, chủ yếu là ở chi dưới và không đối xứng, hay gặp nhất là viêm khớp gối, viêm khớp bàn cổ chân.
Đau vùng cột sống thắt lưng, đau vùng chậu hông ở một bên hoặc hai bên.
Viêm phần mềm quanh khớp: Viêm dây chằng, cân cơ, các điểm bám gân, bao khớp (gân Achile...). Dấu hiệu ngón chân, ngón tay sưng to hình “khúc dồi”.
Các tổn thương ngoài khớp: Viêm niêm mạc mắt, viêm niêm mạc thường xảy ra sau 4-8 tuần nhiễm khuẩn đường tiết niệu sinh dục hoặc đường tiêu hóa.
50-70% bệnh nhân có tiền sử viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục hoặc đường tiêu hóa. Khoảng 20-30% bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý cột sống, hay gặp nhất là viêm cột sống dính khớp.
Hiện nay chưa có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định viêm khớp phản ứng. Việc chẩn đoán dựa vào tiêu chuẩn về lâm sàng (viêm khớp ngoại biên, đau cột sống thắt lưng, viêm phần mềm quanh khớp, các tổn thương ngoài khớp...), xét nghiệm về máu lắng, vi khuẩn và tiền sử bệnh (tiền sử nhiễm khuẩn đường tiết niệu sinh dục, đường tiêu hóa...).
Bệnh viêm khớp phản ứng có thể tự hạn chế và khỏi hẳn, không để lại di chứng nếu được chẩn đoán và điều trị đúng. Tuy nhiên, có đến 10-20% trường hợp bệnh tiến triển mạn tính với nhiều đợt tái phát (viêm khớp ngoại biên và viêm phần mềm quanh khớp) làm ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động khớp và chất lượng sống của người bệnh.
Mức độ nặng nhẹ của viêm khớp phản ứng rất khác nhau, vì vậy phải có liệu pháp điều trị phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng.
TS. Trần Thị Minh Hoa, Sức Khỏe & Đời Sống