Bộ Y tế dự báo trong năm nay, bệnh sốt rét có thể sẽ diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng ở cả vùng có sốt rét và không có sốt rét lưu hành.
Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, Giám đốc Ban Quản lý Dự án phòng chống bệnh sốt rét cho biết từ năm 1991 đến nay, bệnh sốt rét đã giảm mạnh; nhiều tỉnh, thành phố trong một vài năm gần đây không ghi nhận trường hợp mắc bệnh sốt rét.
Đặc biệt, công tác phòng chống sốt rét năm 2015 đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Số bệnh nhân sốt rét và người có ký sinh trùng sốt rét đều giảm mạnh so với năm trước đó. Tổng số bệnh nhân sốt rét của cả nước năm 2015 giảm 30,9%, tỷ lệ mắc sốt rét/1.000 dân giảm 31,2% so với năm trước.
Số bệnh nhân sốt rét ác tính giảm 56,16%. Số ca tử vong do sốt rét giảm còn 3 ca. Trong năm 2015, các địa phương đã nỗ lực huy động nguồn lực và triển khai tốt các hoạt động giám sát phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân sốt rét. Đồng thời, các địa phương chủ động tiến hành các hoạt động phòng chống muỗi truyền bệnh, truyền thông phòng chống sốt rét theo kế hoạch và đạt được các chỉ tiêu đề ra.
Giai đoạn 2011-2015, số bệnh nhân sốt rét giảm dần qua các năm từ 45.588 trường hợp bệnh năm 2011 xuống 19.252 trường hợp bệnh năm 2015, giảm 57,8%. Số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 78,6% từ 14 trường hợp năm 2011 xuống còn 3 trường hợp năm 2015.
Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng thuộc Bộ Y tế mỗi năm khám, điều trị cho 30 đến 40 ca mắc bệnh sốt rét, chủ yếu là người lao động từ vùng lưu hành sốt rét khu vực biên giới Việt-Lào. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN).
Viện trưởng Trần Thanh Dương nhấn mạnh tuy nhiên công tác phòng chống sốt rét còn nhiều khó khăn. Sốt rét lưu hành chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa; di biến động dân từ vùng không có sốt rét lưu hành vào vùng lưu hành ngày càng gia tăng. Người dân vẫn còn thói quen làm nương rẫy và ngủ đêm, không sử dụng màn và các biện pháp bảo vệ cá nhân.
Đồng thời, sự giao lưu qua biên giới giữa các nước gia tăng, đặc biệt với Lào, Campuchia - nơi có sốt rét lưu hành cao và ký sinh trùng kháng thuốc. Ngoài ra, số người xuất khẩu lao động đến châu Phi - nơi có sốt rét lưu hành ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động phòng chống sốt rét còn thấp và không ổn định, trong khi đó nguồn viện trợ nước ngoài có xu hướng giảm. Ở Việt Nam cũng đã xuất hiện ký sinh trùng kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất và có nguy cơ lan rộng.
Một số vùng do sốt rét giảm thấp hoặc không có sốt rét trong nhiều năm nên công tác phòng chống sốt rét không được quan tâm như trước; cộng đồng chưa tích cực trong phòng chống bệnh.
Cục Y tế dự phòng cho biết giai đoạn 2016-2020, ngành y tế phấn đấu khống chế tỷ lệ người dân mắc bệnh sốt rét dưới 0,15/1.000 dân; tỷ lệ tử vong do bệnh sốt rét dưới 0,02 trường hợp/100.000 dân.
Ngành y tế cũng sẽ tích cực phổ biến các biện pháp tuyên tuyền phòng bệnh để không còn tỉnh nào trong giai đoạn phòng chống bệnh tích cực; 40 tỉnh trong giai đoạn đề phòng bệnh quay trở lại; 15 tỉnh trong giai đoạn loại trừ bệnh sốt rét và 8 tỉnh trong giai đoạn tiền loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2020.
Để đạt được mục tiêu này, ngành y tế tiếp tục duy trì mạng lưới cán bộ phòng chống sốt rét từ Trung ương đến cơ sở; mở rộng mô hình phòng chống các bệnh hiệu quả cho các nhóm dân có tỷ lệ mắc cao; tăng cường hoạt động giám sát và phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét và sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, các địa phương, bộ, ngành tiếp tục vận động đầu tư từ các nguồn lực tại chỗ, nguồn lực của địa phương. Dự án phòng chống sốt rét tiếp tục vận động đầu tư, tài trợ của các quốc gia, đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, cả cộng đồng cùng phải tham gia tích cực, chủ động các hoạt phòng chống bệnh sốt rét tại địa phương.