Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Mê Linh (Hà Nội), vừa qua đã có 6 người trên địa bàn cùng bị một con chó cắn, trong đó, 5 người có tại xã Mê Linh và một người ở xã Hoàng Kim. Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện con chó dương tính với virus dại.
Một con chó nuôi tại hộ gia đình tại thôn Liễu Trì có biểu hiện của bệnh dại, đã cắn liên tiếp 6 người. (Ảnh: Getty).
Chó dại hay là những con chó nhà bị mắc bệnh dại, có biểu hiện các triệu chứng phát bệnh dại và thường tấn công (thường qua vết cắn), gây tử vong cho con người vì đã trực tiếp lây truyền virus bệnh dại.
Virus này từ lâu đã là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng, dẫn đến hàng nghìn ca tử vong mỗi năm. Đa số các trường hợp nêu trên đều do không xử lý và điều trị kịp thời, đúng cách.
Bệnh dại là một trong những bệnh lâu đời nhất được biết đến trong lịch sử, với các trường hợp được ghi nhận đã có từ khoảng 4.000 năm trước.
Trong suốt 4.000 năm đó, cách thức bệnh dại lây nhiễm vẫn không thay đổi: Chúng đến từ một loại virus RNA hình viên đạn, có vỏ bọc, kích thước 180 x 70 nm, thuộc chủng Lyssavirus trong họ Rhabdovirus.
Hình mô tả chó nhiễm bệnh dại. (Ảnh: NIH).
Virus này nằm trong nước bọt của vật chủ bị nhiễm bệnh - thường là các vật nuôi trung thành như chó, mèo... sau đó được truyền sang một sinh vật không bị nhiễm bệnh (con người).
Điều nguy hiểm ở virus này là nó khiến cho những con vật được xem là "bạn thân" của con người trở nên dễ bị kích động, rối loạn chức năng tự chủ, dẫn tới biểu hiện hung hãn và quay trở lại tấn công chúng ta.
Thời kỳ này diễn biến thông qua một số biểu hiện có thể nhận thấy, như vật chủ trở nên bồn chồn, đứng ngồi không yên, khó nuốt đồ ăn, tiếng kêu trở nên khàn khàn, ồ ồ, gãy từng nhát, tiếng sủa kéo dài và cuối cùng rướn cao lên thành những tiếng hú ghê rợn.
Giai đoạn sau thậm chí còn đáng sợ hơn, khi mắt con vật trở nên đỏ ngầu, chảy dãi như bọt xà bông quanh mép. Lúc này, bất cứ một sự kích thích nào dù nhỏ nhất đều có thể làm cho con vật lên cơn dại, lao vào cắn người và các con vật khác.
Bệnh dại được coi là một căn bệnh nguy hiểm do một khi các dấu hiệu lâm sàng đầu tiên xuất hiện, thì không có phương pháp điều trị hiệu quả. Có thời kỳ, người ta sợ bệnh dại đến mức sau khi bị một con vật có khả năng mắc bệnh dại cắn, nhiều người đã tự tử.
Bệnh nhân lên cơn dại. (Ảnh: Wikipedia).
Một biến số quan trọng trong việc kiểm soát bệnh dại phụ thuộc vào yếu tố con người, bao gồm việc sở hữu chó, chăm sóc chó, và kiến thức về bệnh tật.
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 95% trường hợp bệnh dại dẫn tới tử vong ở người xảy ra ở Châu Phi và Châu Á. Con số này cho thấy bệnh dại vẫn đang thực sự là mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe cộng đồng ở các nước đang phát triển và chuyển đổi sang đô thị hóa.
Như đã biết, một phần của quá trình đô thị hóa là làm gia tăng sự hiện diện của vật nuôi truyền thống trong các hộ gia đình. Đó là sự nổi lên của những khu chung cư hoặc một nhóm các tòa nhà, nơi tỷ lệ tiếp xúc giữa người và chó tăng lên, đặc biệt là ở sân chơi, khu giải trí và công viên.
Điều đáng lo ngại là sự gia tăng quyền sở hữu thú cưng ở các quốc gia đang phát triển lại không tỷ lệ thuận với kiến thức nuôi chó, cũng như về các bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Một nghiên cứu đánh giá kiến thức và nhận thức về các bệnh lây truyền từ động vật ở Hạt Brazos, Texas (Mỹ), đã chứng minh rằng ngay cả ở những nước phát triển, nhiều người vẫn thiếu kiến thức về các bệnh lây truyền từ động vật sang chó, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của loài vật này.
Cần hiểu rằng, hầu hết các yếu tố gây ra vết cắn của chó đều một phần liên quan đến trách nhiệm của người chủ sở hữu chó. Điều này không chỉ đến từ kiến thức chăm sóc, bảo vệ vật nuôi, mà còn là ý thức thả rông chó, rọ mõm cho chó... tại các nơi công cộng.
Bệnh dại lây nhiễm trong cộng đồng một phần liên quan đến trách nhiệm của người chủ sở hữu chó. (Ảnh: Getty).
Giáo dục được xem là một yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh dại. Việc giảng dạy về bệnh dại và các biện pháp xử lý sau khi bị cắn cho học sinh ở các trường tiểu học và cấp một của trường trung học cơ sở có thể mang lại lợi ích lâu dài.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát động vật nhập khẩu cũng là một yếu tố quan trọng. Tại Úc, quốc gia duy nhất không có bệnh dại ở chó, tất cả động vật nhập khẩu đều phải tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch nghiêm ngặt, bao gồm tiêm phòng cho chó và mèo từ tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng.
Mãi cho đến năm 1987, Úc chỉ ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh dại duy nhất, đến từ một khách du lịch. Sau đó, vào năm 1990, một trường hợp khác của bệnh dại được chẩn đoán ở một bé gái 10 tuổi gốc Việt, sau khi em sống ở Úc gần 5 năm.
Ở nhiều nơi trên thế giới, các lực lượng đặc nhiệm về phòng ngừa và kiểm soát bệnh dại đã được thành lập để tập hợp các chuyên gia về sức khỏe, cũng như các nhà khoa học để xem xét các khung chính sách hiện hành và thúc đẩy cách tiếp cận đa ngành giữa các cơ quan quốc gia liên quan đến giám sát và kiểm soát bệnh dại.
Tại đó, bất kỳ nỗ lực giảm thiểu nào cũng đều nhấn mạnh: Ổ bệnh dại quan trọng nhất chính là chó nhà. Bởi vậy, chỉ bằng cách thông qua việc tiêm phòng cho chó và kiểm soát quần thể chó, các quốc gia có thể giảm thiểu đáng kể sự lây nhiễm bệnh dại sang con người.