Một khi virus corona mới có thể thâm nhập vào mạch máu thì không chỉ phổi, mà gần như bất kì cơ quan nào trong cơ thể, cũng có thể trở thành mục tiêu của mầm bệnh nguy hiểm này.
Với hầu hết các bệnh nhân nhiễm virus corona mới, các bệnh lý sẽ xuất hiện cũng như kết thúc ở phổi, bởi cũng giống như cúm, COVID-19 là một bệnh đường hô hấp.
Virus Covid-19 tấn công trực tiếp vào phổi.
Nhìn lại đại dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), gây ra bởi virus SARS-CoV, họ hàng gần của virus corona mới, qua nghiên cứu và các báo cáo, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết luận rằng, căn bệnh này tấn công phổi qua 3 giai đoạn: sự nhân lên của virus, đáp ứng quá mức của hệ miễn dịch và sự tàn phá phổi.
Không phải tất cả các bệnh nhân đều trải qua cả 3 giai đoạn này. Trên thực tế, chỉ có khoảng 25% bệnh nhân SARS gặp biến chứng suy hô hấp (được xếp vào ca bệnh nặng). Theo các dữ liệu đã thu thập được cho đến nay, COVID-19 cũng cho thấy thống kê tương tự, với 82% các ca bệnh có triệu chứng nhẹ và số còn lại rơi vào trường hợp nặng hoặc nguy kịch.
Theo GS Matthew B. Frieman, Đại học Maryland, một nhà nghiên cứu chuyên sâu về bệnh học virus, vào những ngày đầu tiên sau khi lây nhiễm, virus corona mới sẽ nhanh chóng tấn công vào tế bào phổi. Những tế bào phổi này sẽ được chia làm 2 loại: Tế bào tạo chất nhầy và tế bào lông.
Nói qua về 2 loại này, chất nhầy sẽ phủ ở lớp ngoài của các cơ quan trong hệ hô hấp, làm nhiệm vụ bảo vệ mô phổi khỏi mầm bệnh và tránh tình trạng bị khô đi. Trong khi đó, các tế bào lông sẽ quét liên tục để loại bỏ chất bẩn như phấn hoa hay virus, được giữ trong chất nhầy, ra bên ngoài cơ thể, với sự trợ giúp của hành động ho.
GS Frieman giải thích rằng, SARS sẽ tập trung xâm nhiễm và tiêu diệt các tế bào lông, dẫn đến tình trạng đường thở của bệnh nhân sẽ bị chất đầy bởi chất bẩn và dịch. Chuyên gia này cũng đặt ra giả thiết về “chiến thuật” tấn công tương tự ở virus corona mới. Giả thiết này hiện đang được củng cố bởi những nghiên cứu sớm nhất về COVID-19 đã cho thấy rằng, nhiều bệnh nhân xuất hiện viêm phổi ở cả hai lá phổi, cùng với đó là các triệu chứng như thở gấp.
Sự tấn công của mầm bệnh cũng chính là tác nhân kích hoạt cho giai đoạn 2 của quá trình tàn phá phổi. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ thực hiện các đáp ứng để chống lại kẻ ngoại lai, với việc tung đội quân tế bào miễn dịch tràn ngập 2 lá phổi, để dọn dẹp các tế bào đã bị virus xâm nhiễm, cũng như sửa chữa các mô phổi bị tổn thương.
Nếu hoạt động trơn tru, phản ứng viêm (đáp ứng miễn dịch) sẽ được điều tiết chặt chẽ để chỉ xuất hiện giới hạn ở những khu vực bị virus xâm nhiễm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hệ miễn dịch của bạn sẽ phản ứng thiếu kiểm soát và những tế bào này sẽ tiêu diệt bất kể cái gì trên đường đi của nó, kể cả những mô khỏe mạnh.
“Chính vì vậy, bạn sẽ bị tổn thương nhiều hơn thay vì được làm giảm nhẹ các tổn thương trước đó, bởi chính các đáp ứng miễn dịch. Tình trạng viêm phổi cũng từ đó mà diễn biến nặng hơn” – GS Frieman nói.
Chuyển sang giai đoạn 3, các tổn thương trên phổi liên tục được tăng lên và ở một mức độ nào đó sẽ dẫn đến suy hô hấp, nghĩa là bệnh nhân không thể tự thực hiện chức năng trao đổi oxy, mà phải cần đến sự trợ giúp của máy thở. Ngay cả khi bệnh nhân được cứu chữa, họ vẫn có thể sống với 2 lá phổi bị tổn thương vĩnh viễn. Theo WHO, SARS tạo ra các lỗ nhỏ trên phổi, khiến chúng có hình dạng y hệt như tổ ong, hình thái tổn thương phổi này cũng được quan sát trên các bệnh nhân Covid -19.
Những chiếc lỗ trên phổi này chủ yếu được tạo ra bởi chính sự đáp ứng quá mức của hệ miễn dịch, với việc tạo ra các mô sẹo vừa có vai trò bảo vệ, vừa làm phổi trở nên cứng hơn. Tuy nhiên nếu có quá nhiều mô sẹo, phổi sẽ dần mất hết khả năng hô hấp. Cùng với đó, phản ứng viêm cũng khiến lớp màng giữa các phế nang và mạch máu trở nên dễ thấm hơn, điều khiến phổi bị tràn dịch và ảnh hưởng đến khả năng cung cấp oxy cho máu.
“Trong trường hợp nguy kịch, về cơ bản phổi sẽ bị ngập trong chất lỏng và bệnh nhân không thể thở được. Đây cũng chính là cách mà họ tử vong” - GS Frieman nhấn mạnh.
Hiện tượng tiêu chảy và đau bụng là khá hiếm ở các ca bệnh COVID-19.
Trong đại dịch SARS và MERS (Hội chứng Hô hấp Trung Đông), gần ¼ bệnh nhân đã bị tiêu chảy, đây là triệu chứng đặc trưng của các bệnh do virus corona gây ra. Theo các thống kê đến thời điểm hiện tại, hiện tượng tiêu chảy và đau bụng là khá hiếm ở các ca bệnh COVID-19.
Nếu bạn đang thắc mắc là vì sao virus đường hô hấp lại có thể gây bệnh đường ruột, cần biết rằng, khi mầm bệnh này tấn công cơ thể, nó sẽ tìm kiếm và xâm nhập vào các tế bào thông qua cơ chế chìa khóa - ổ khóa. Cụ thể, các gai của virus sẽ tương thích với một/một vài loại thụ thể nhất định trên bề mặt tế bào vật chủ, và chỉ khi tương thích nó mới có thể thâm nhập.
Một số loại virus khá kén chọn loại tế bào vật chủ tương thích, trong khi đó một số loại khác lại “dễ tính” hơn và có thể xâm nhập nhiều loại tế bào khác nhau. Lấy ví dụ điển hình của virus gây dịch SARS và MERS, các mầm bệnh này có thể tương thích với cả các tế bào trên thành ruột, từ đó gây tổn thương ở các cơ quan này hoặc dẫn đến hiện tượng tiêu chảy. Việc virus corona mới có các đặc tính như vậy hay không hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, virus này cũng tương thích với cùng loại thụ thể như SARS, vốn xuất hiện ở cả các tế bào phổi và ruột non.
Hiện cũng có một vài nghiên cứu chỉ ra sự hiện diện của virus corona mới ở mẫu phân của người bệnh. Tuy nhiên, để có thể đi đến kết luận virus corona mới có thể lây lan qua chất thải này, vẫn đòi hỏi nhiều bằng chứng khoa học khác.
Cơn bão cytokine cũng sẽ quét qua hệ tuần hoàn và từ đó tạo ra vấn đề trên nhiều cơ quan khác.
Đáp ứng miễn dịch quá mức với virus corona cũng khiến nhiều cơ quan khác ngoài phổi gặp vấn đề. “Thay vì dùng súng bắn vào mục tiêu, thì cơ thể bạn lại sử dụng đến cả một quả tên lửa. Đó thực sự là một cơn bão cytokine” - Angela Rasmussen, nhà virus học tại Đại học Columbia nhận định (cytokine là loại protein báo hiệu và dẫn đường tế bào miễn dịch đến vị trí bị nhiễm trùng). Đáp ứng miễn dịch quá mức đồng nghĩa với việc một cơn bão cytokine sẽ dẫn dắt theo phản ứng làm yếu các mạch máu trong phổi, khiến dịch cơ thể ngấm vào trong phế nang. “Về cơ bản bạn sẽ bị chảy máu trong” - Angela Rasmussen phân tích.
Cơn bão cytokine cũng sẽ quét qua hệ tuần hoàn và từ đó tạo ra vấn đề trên nhiều cơ quan khác. Năm 2014, các bệnh nhân của dịch MERS cũng được ghi nhận các triệu chứng như giảm tiểu cầu và bạch cầu, tụt huyết áp, ngừng tim. Trong một số ca bệnh nặng của dịch COVID-19, đáp ứng cytokine kết hợp với sự suy giảm khả năng bơm oxy đi khắp cơ thể cũng đã dẫn đến tình trạng suy đa tạng.
Là một cơ quan có khả năng hồi phục nhanh, các tổn thương mà virus gây ra trên gan thường ở mức nhẹ.
Ở dịch SARS và MERS và mới đây nhất là COVID-19, các bác sĩ đều quan sát thấy tình trạng gan bị tổn thương. Mức độ tổn thương thường là nhẹ nhưng với các ca bệnh nặng thì tổn thương gan cũng tăng tiến, thậm chí có cả trường hợp bị suy gan. Vậy điều này xảy ra như thế nào?
Khi virus đã vào bên trong mạch máu, nó có thể bơi đến bất kì cơ quan nào. Trong đó, gan, vốn là một cơ quan tập trung nhiều mạch máu, sẽ là nơi mà virus dễ dàng thâm nhập. Dẫu vậy, với đặc tính là một cơ quan có khả năng hồi phục và tái tạo tế bào mới rất nhanh, các tổn thương mà virus gây ra trên gan thường ở mức nhẹ. Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể hiểu rõ cách tấn công của các loại virus corona này với gan. Một vài ý kiến cho rằng, virus sẽ xâm nhập vào gan, nhân lên và tiêu diệt dần các tế bào. Các ý kiến khác lại thiên về khả năng tổn thương là do đáp ứng miễn dịch quá mức trên gan gây ra.
Mặc dù các tổn thương thận không mang tính đặc trưng, nhưng đây lại là một trong những nguyên nhân gây tử vong.
Thận cũng không thoát khỏi việc trở thành nạn nhân của virus corona mới. Trong quá khứ, một số lượng không nhỏ các bệnh nhân của dịch MERS cũng đã phải đối mặt với các tổn thương thận cấp tính. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, virus corona mới có thể gây ra vấn đề tương tự. Mặc dù các tổn thương thận không mang tính đặc trưng cho dịch bệnh do chủng virus này gây ra, nhưng đây lại là một trong những nguyên nhân gây tử vong. Theo thống kê, 91,7% các bệnh nhân SARS bị suy thận cấp tính đã tử vong.
Các tiểu quản thận (các đường ống nhỏ trong thận) là bộ phận dễ bị xâm nhiễm nhất bởi virus corona. Sau đại dịch SARS, WHO công bố virus gây bệnh đã được tìm thấy trong các tiểu quản và gây hiện tượng viêm. “Không phải là quá bất thường khi phát hiện virus ở trong tiểu quản thận, một khi chúng đã vào được mạch máu” – GS Kar Neng Lai, Đại học Hong Kong cho biết. Cũng theo chuyên gia này, vì thận liên tục lọc máu nên trong một số tường hợp, tiểu quản thận sẽ giữ lại virus (vốn đã ở trong máu), từ đó làm phát sinh cả tổn thương thời gian ngắn và ở cấp độ nhẹ.
Những tổn thương này chỉ có thể gây tử vong một khi virus xâm nhập được vào tế bào và bắt đầu nhân lên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus SARS có thể sao chép ở thận. Việc bệnh nhân bị tổn thương thận cấp tính có thể là do sự tổng hòa của một loạt các vấn đề khác như: huyết áp thấp, nhiễm trùng máu, tác dụng phụ của thuốc hay rối loạn chuyển hóa. Đối với trường hợp nặng hơn là suy thận, một trong những nguyên nhân được phát hiện lại không hề quá xa lạ: Bão cytokine.