Tính tới nay, số vụ virus và tấn công nhắm vào ĐTDĐ vẫn còn khá hiếm, nhưng malware di động vẫn là một mối nguy hiểm rình rập, khi mà ngày càng có nhiều người truy cập Internet và download nội dung trực tiếp trên "dế".
Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố tại Triển lãm Mobile World Congress (Barcelona), chỉ có 11,6% số người được hỏi cho biết người quen của họ từng bị virus ĐTDĐ tấn công. Tỷ lệ nạn nhân trực tiếp còn thấp hơn, chỉ có vẻn vẹn 2,1% mà thôi.
Cuộc thăm dò được tiến hành tại cả Anh, Mỹ và Nhật Bản, 3 quốc gia có dịch vụ Internet di động khá phổ biến. Kết quả cho thấy có tới 86,3% số người được hỏi chưa từng "có dây dưa gì" với virus ĐTDĐ.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, một thị trường di động càng phát triển, càng hiện đại, với tỷ suất sử dụng Internet và download di động lớn thì càng có nguy cơ bị virus tấn công.
Bằng cớ là tại Nhật, thị trường ĐTDĐ sôi động và hiện đại nhất thế giới hiện nay, các vụ tấn công virus phổ biến hơn ở bất cứ nước nào khác.
"Ở những quốc gia như Nhật Bản, ĐTDĐ chẳng khác gì máy tính, vì thế, mức độ nguy hiểm cũng cao nhất", chuyên gia Graham Cluley của hãng bảo mật Sophos bình luận.
Hiếm và không nguy hiểm
Theo thống kê của website www.mobileviruses.com, một trang chuyên theo dõi các vụ tấn công và malware nhằm vào ĐTDĐ, số lượng các chương trình phá hoại "có tiếng" chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay, chẳng hạn như Skulls, Velasco hay Commwarrior.
Gây ảnh hưởng rộng nhất có lẽ là Commwarrior, khi virus này lây nhiễm được hơn 110.000 chiếc ĐTDĐ tại Tây Ban Nha hồi năm ngoái, chủ yếu là những mẫu điện thoại Nokia sử dụng hệ điều hành Symbian. Rất may là Commwarrior chỉ phát tán thông qua tin nhắn MMS (multimedia) chứ không phải SMS.
Nguồn: Timeinc |