Kể từ khi được phát hiện và bắt đầu bùng phát thành dịch, virut cúm lợn hay còn có tên khoa học là H1N1 đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, loại virut này không phải mới xuất hiện trong một vài năm trở lại đây như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Trên thực tế, H1N1 đã có từ cách đây hơn 1 thế kỷ và được biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau. Cấu trúc phân tử của virut cúm.
Bắt đầu từ dịch cúm năm 1889
Đầu năm 1889, loại virut cúm lây lan mạnh nhất ở con người bắt đầu từ dòng virut H1. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, thế giới cũng đồng thời chứng kiến sự xuất hiện của chủng virut cúm H2 tại Nga. Virut cúm H2 đã nhanh chóng lan rộng khắp thế giới và gây tử vong cho hơn 1 triệu người. Sự "nổi tiếng" của chủng virut cúm H2 khi đó thậm chí đã lấn át virut H1 và khiến cho người ta dần lãng quên loại virut cúm H1. Ngoài ra, do những người bị mắc cúm khi đó cũng đã bắt đầu có sự miễn dịch với H1, nên khi đại dịch H1N1 bùng phát vào năm 1918, nhiều người đã không bị nhiễm bệnh.
Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918
Năm 1918 được biết đến với sự kiện bùng phát của dịch cúm Tây Ban Nha "Spanish flu". Dịch cúm này đã giết hại ít nhất 50 triệu người trên khắp thế giới. Nó cũng được gây ra bởi virut H1N1 và bắt đầu lây lan từ một loài chim sang con người. Mùa hè năm 1918, dịch cúm đã lan ra trên khắp thế giới. Một phần ba dân số thế giới đã bị nhiễm cúm và phần lớn là do tiếp xúc với các loài vật hoang dã là trung gian lây lan mầm bệnh. Những người mắc bệnh hầu hết đều bị tổn thương nghiêm trọng về phổi sau khi bị nhiễm virut. Rất nhiều trường hợp đã tử vong sau khi bị nhiễm virut. Sau năm 1919, các thế hệ virut tiếp theo H1N1 tiếp tục phát triển và biến đổi, chúng đã biến đổi thành loại virut cúm phát triển và lây lan mạnh ở con người và loài lợn. Năm 1931, dịch cúm lợn lần đầu tiên xuất hiện ở Iowa.
Năm 1933
Virut cúm đầu tiên trên con người xuất hiện ở Mill Hill - London - Anh. Khi đưa virut này vào cơ thể của những con chồn, bệnh xuất hiện ở loài chồn cũng có những biểu hiện giống y hệt căn bệnh cúm lợn xuất hiện ở Iowa. Tuy nhiên, khi phân tích loại virut gây cúm ở người và virut gây cúm ở loài lợn Iowa lại là hai loại virut có những điểm khác biệt. Từ đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng virut cúm đã bắt đầu có sự biến đổi khi tấn công vào các vật chủ khác nhau.
Năm 1957
Virut H2N2 gây ra dịch cúm ở châu Á đã hoàn toàn thay thế virut H1N1 tấn công con người vào năm 1918. Dịch cúm đã giết hại 1 - 1,5 tỷ người trên khắp thế giới. Virut H2N2 được phát hiện đầu tiên trên các loài chim, gia cầm. H và N là ký hiệu của các loại prôtêin đã được phát hiện mà gần như cơ thể của tất cả mọi người đều không có kháng thể đối với loại virut này. Tuy nhiên, sau nhiều lần tấn công của virut cúm, cơ thể con người đã dần hình thành được sự miễn dịch đáng kể. Điều này giúp cho số nạn nhân tử vong do virut cúm vào năm 1957 hạn chế hơn rất nhiều.
Năm 1968
Virut H3N2 đã gây ra một dịch bệnh kinh hoàng tại Hồng Kông. Nó đã giết hại ước tính khoảng 0,75 triệu đến 1 triệu người trên khắp thế giới. Khác với cấu trúc của H2N2, cấu trúc của H3N2 có sự khác biệt hơn, một số người vẫn có thể có khả năng kháng lại sự tấn công của virut. Vào năm 1968, H3N2 đã thay thế hoàn toàn H2N2 ở người. Không một ai sinh từ năm 1968 có hệ miễn dịch có khả năng kháng lại H2.
Năm 1972
Nhà nghiên cứu Graham Laver và Robert Webster phát hiện thêm rằng loài chim nước chính là vật chủ mang trong mình chủng virut cúm. Và loại virut này có thể lây lan từ chim sang loài người một cách nhanh chóng và cũng rất dễ dàng biến đổi.
Năm 1976
Virut H1N1 chuyển từ lợn sang người và là thủ phạm gây tử vong cho một số binh lính trong quân đội Mỹ. Tuy nhiên, chủng virut này không lây lan mạnh và không hình thành dịch bệnh như nhiều trường hợp trước đó. Mặc dù vậy, nỗi ám ảnh về sự tái diễn của đại dịch từng xảy ra vào 1918 đã khiến cho hơn 48 triệu người vội vàng tiêm phòng vaccin nhằm chống lại virut cúm lợn. Không may là loại vaccin này đã khiến cho nhiều người bị mắc hội chứng Guillain - Barré: với 532 người bị mắc bệnh và 25 người tử vong sau khi sử dụng vaccin kháng virut.
Năm 1977
Virut H1N1 xuất hiện ở Đông Bắc Trung Quốc và bắt đầu lây lan trên người. Nó đã gây ra dịch cúm triền miên trong nhiều năm sau đó. Không ai tìm hiểu được nguồn gốc của virut cúm, mặc dù nó tương đối giống loại virut H1N1 từng xuất hiện ở Liên Xô (cũ) vào năm 1950. Một số nhà khoa học còn đưa ra giả thuyết nghi ngờ rằng loại virut này là kết quả của một tai nạn thí nghiệm.
Năm 1998
Loại virut cúm tiền thân của virut cúm lợn sau này đã xuất hiện ở Mỹ. Đó là kết quả sự kết hợp của các virut cúm trên người, gia cầm và virut cúm lợn. Vào năm 1999, loại virut này bùng phát tại Mỹ. Các trang trại ở Mỹ đã sử dụng tới các loại vaccin, song đều không mang lại hiệu quả đáng kể, do virut biến đổi quá nhanh.
Năm 2004 - 2006
Virut cúm H5N1 lần đầu tiên xuất hiện tại Hồng Kông và lây lan nhanh chóng sang các quốc gia ở châu Á và trên khắp thế giới. Nó đã giết hại những nạn nhân đầu tiên bị nhiễm cúm H5N1. Mặc dù các tổ chức y tế trên thế giới liên tục đưa ra cảnh báo đáng lo ngại về khả năng lây lan của virut này từ người sang người, song trên thực tế, virut H5N1 mới chỉ lây lan trong các loại gia cầm, các loài chim và lợn.
Năm 2007 - 2008
Lo sợ trước nguy cơ bùng phát của dịch cúm, các nhà khoa học châu Âu bắt đầu tính đến việc thay đổi hướng di cư của các loài chim hoang dã - được xem là vật chủ mang mầm bệnh. Tuy nhiên, H5N1 bắt đầu được tìm thấy xuất hiện ở Indonêxia không lâu sau đó.
Năm 2009
Những trường hợp đầu tiên mắc cúm lợn được phát hiện tại Mexico vào hồi tháng 3 năm 2009. Chỉ trong vòng hơn một tháng sau đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã liên tục nâng mức báo động về mức độ nguy hiểm của dịch cúm trên toàn cầu.