Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới về Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) toàn cầu cho thấy Việt Nam hiện là quốc gia có số người mắc bệnh COPD cao nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với tỉ lệ 6,7% dân số.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, COPD là căn bệnh gây tử vong cao thứ 4 chỉ sau các bệnh: tim mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Tỉ lệ tử vong của COPD cao hơn cả bệnh ung thư và tương đương với HIV/AIDS. Mỗi năm, căn bệnh này đã cướp đi mạng sống của hơn 3 triệu người trên toàn thế giới.
Một số điều cần biết về COPD
COPD là tình trạng giới hạn thông khí ở phổi không thể hồi phục hoàn toàn. Luồng lưu thông khí bị tắc nghẽn, lượng khí cặn trong phổi gia tăng làm bệnh nhân khó thở. Khi bị COPD, thành của đường dẫn khí dày lên, phù nề nên hẹp lại, không khí khó đi vào phổi; các phế nang bị phá hủy, làm tăng tình trạng ứ khí và giảm khả năng trao đổi khí ở phổi.
Thuốc lá là nguyên nhân chính gây COPD và tử vong do bệnh này (90% bệnh nhân có hút). Các nghiên cứu cho thấy thói quen hút thuốc làm tăng 10 lần nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khoảng 15% số người hút thuốc có biểu hiện lâm sàng của COPD. Ngoài ra, khói bụi, hóa chất, tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Điểm bất lợi trong công tác chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa bệnh này là khó phát hiện ở thời kỳ đầu. Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường có các triệu chứng: mệt mỏi, ho, khạc đàm, khó thở khi gắng sức …Bệnh nhân thường lầm tưởng đây là bệnh của tuổi già nên không đi khám và điều trị kịp thời, do đó, hầu hết các trường hợp bệnh đều được phát hiện khi đã vào giai đoạn muộn.
Vào thời kỳ cuối, vách của các phế quản bị xơ hóa, tạo sẹo, các phế nang bị phá hủy, gây nghẽn đường thở, dẫn đến suy hô hấp. Ngoài việc ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần và khả năng làm việc, bệnh nhân còn có thể bị rối loạn dinh dưỡng, ảnh hưởng khả năng sinh hoạt tình dục, cũng như việc giao tiếp xã hội, các hoạt động thể chất, du lịch…
Bệnh tiến triển kéo dài trong nhiều năm và cuối cùng gây tử vong sau một cơn kịch phát. Vì thế, các chuyên gia trong lĩnh vực này thường gọi COPD là “Sát thủ vô hình” hay “Kẻ giết người thầm lặng”.
Đáng lo ngại là hầu hết người dân, kể cả những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc phải COPD cao đều chưa nhận thức đầy đủ về bệnh cũng như vấn đề bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng trước căn bệnh chết người này.
Hưởng ứng Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) toàn cầu (16-11), Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM phối hợp cùng công ty dược phẩm Boehinger Ingelheim Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề “Vui sống cùng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính!”. Chương trình diễn ra vào 8 giờ đến 12h ngày 19-11-2005 tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao Tân Bình - 448 Hoàng Văn Thụ, P.4,Q. Tân Bình. Mở cửa tự do.
Nội dung: tổ chức tư vấn tầm soát miễn phí để nhận biết nguy cơ bệnh COPD, cũng như cách thức điều trị và ngăn chặn sự phát triển bệnh.
T.LÊ