VN còn quá ít ấn phẩm khoa học quốc tế

  •  
  • 195

Bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế được Liên hiệp quốc xem như tiêu chí đánh giá năng lực sáng tạo của một quốc gia

Báo cáo Đầu tư Thế giới 2005 của Liên Hợp Quốc

Theo báo cáo hàng năm của Liên hợp quốc World Investment Report công bố thông 9/2005 (với chủ đề 2005 Transnational Corporation and the Internationalization of R&D), chỉ số năng lực sáng tạo (innovation index) đó được đánh giá cho 117 quốc gia trên thế giới.

Thay vì tiền đầu tư cho R&D (input), số bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế (output) đó trở thành một thành phần cơ bản trong chỉ số phức hợp này. Việt Nam từ thứ 93/117 năm 1995 vươn lên vị trí 82/117 năm 2001, nhờ có thành tích về phát triển giáo dục. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bị xếp vào tốp các nước còn kém cỏi, sau 2 nhóm nước có trình độ cao và trung bình trên thế giới (gồm 78 nước).

Cho đến nay, bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế chưa được chính thức xem như một tiêu chí quan trọng cần phấn đấu trong quản lý khoa học ở nước ta.

Song, với cách nhìn nhận trên đây trong báo cáo của Liên hợp quốc, thiết tưởng ta cũng rất cần xem xét thành tích của mình trên sân chơi quốc tế về khoa học trong mười năm qua, từ đó rút ra bài học để cải thiện vị thế của mình trong tương lai.

Theo tinh thần của báo cáo trên, dưới đây chỉ bàn đến những bài báo khoa học nguyên gốc (article) xuất hiện trên 5.969 tạp chí hiện có trong cơ sở dữ liệu Web of Science của ISI (Institute of Scientific Information) có trụ sở tại Philadelphia, Mỹ, bao gồm hàng trăm chuyên ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, xã hội, nhân văn và nghiên cứu nghệ thuật. Tuy có thể chưa hoàn toàn đầy đủ, nhưng nó là bức tranh toàn diện của một nền khoa học hiện đại.

Ngoài article, trong cơ sở dữ liệu ISI còn có nhiều thể loại khác như letter, book review, meeting abstract..., nhưng sau đây ta chỉ quan tâm đến các articles, vì đó là những thành tựu nghiên cứu mới nhất được các nhà xuất bản có danh tiếng ấn hành và được phản biện bởi các nhà khoa học có uy tín nhất trong từng lĩnh vực.

Lác đác thấy có một số nhà xuất bản ở Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Nhưng dường như chưa có tạp chí nào ấn hành ở Việt Nam được lọt vào cơ sở dữ liệu này, ngay cả những tạp chí bằng Anh ngữ.

Còn quá ít bài báo quốc tế có địa chỉ Việt nam

Hiện nay, hàng năm ước tính có đến 800.000 bài báo thuộc 21 ngành KH&CN được cụng bố trên gần 6.000 tạp chí quốc tế mà ISI đó tập hợp trong cơ sở dữ liệu của mình cựng với số lần trích dẫn cho từng bài. Đứng đầu là Mỹ, khoảng 300.000 (vì con số quá lớn nên không thể thống kê thật chính xác), sau đó đến Nhật (75.000), và các nước tiên tiến có nền khoa học lâu đời như Đức (66.000), Anh (59.000), Pháp (47.000) hoặc đông dân như Trung Quốc (57.000).

Mười năm qua (1995-2004), số bài báo khoa học có địa chỉ Việt Nam xuất hiện trên các tạp chí quốc tế tăng từ 204 bài năm 1995 lên 456 bài năm 2004, cả thảy có 3.236 bài. Nhưng trong số này, hơn 2.400 bài (quá 3/4) là của các tác giả Việt Nam đứng chung tên với người nước ngoài, chỉ có gần 800 bài là "thuần Việt", được thực hiện chủ yếu bằng nguồn nội lực. Số lượng quá ít ái này lại cứ dẫm chân tại chỗ quanh con số 80 bài mỗi năm suốt thời gian qua (hình 1).

Hai ngành toán và vật lý lý thuyết chiếm 54% các bài báo dựng nguồn nội lực, đó là chưa kể những công trình về toán có mặt trong chuyên ngành máy tính và cơ học. Số đông tác giả làm việc tại Viện Toán (300 bài) và Trung tâm Vật lý lý thuyết (131 bài), thuộc Viện KH&CN Việt nam. Có 124 bài về Toán và 31 bài về vật lý lý thuyết lấy địa chỉ từ các trường đại học, đặc biệt từ những trường ít tên tuổi ở Quy nhơn, Thái nguyên v.v... Những con số này tuy rất ấn tượng, song vẫn chưa tương xứng với lực lượng đội ngũ thầy giáo rất đông đảo ở nước ta.

Số lần trích dẫn trung bình của những bài báo dùng nguồn nội lực trong mười năm qua là 1,7 trong khi những bài báo do hợp tác với nước ngoài lên đến 7,5. Có một nửa số bài báo dùng nguồn nội lực không được ai trích dẫn

Chưa đầy một nửa còn lại thuộc về các ngành thực nghiệm, ứng dụng và công nghệ đòi hỏi thiết bị, cơ sở vật chất và nhiều người tham gia.

Khác với công trình lý thuyết, một công trình khoa học thực nghiệm tiến hành ở Việt Nam thường gặp rất nhiều khó khăn khách quan, nên việc chen chân được trên các tạp chí quốc tế phải xem như một thành công lớn. Vì thế, rất dễ hiểu tại sao ta có nhiều bài báo lý thuyết hơn thực nghiệm. Song, bức tranh của ta khác hẳn với các nước xung quanh, nơi mà toán học và vật lý lý thuyết luôn đứng cuối bảng, phía đầu bảng thường là các khoa học thực nghiệm, ứng dụng và công nghệ có tác động trực tiếp đến đời sống và những ngành kinh tế chủ lực của họ.

Chưa thấy dấu ấn của bước đột phá tăng ngân sách khoa học từ năm 2000

Trong khi số lượng những bài báo do hợp tác với nước ngoài tăng theo quy luật hàm mũ, tăng gấp đôi sau 5,5 năm, thì công trình do nội lực hầu như dẫm chân tại chỗ quanh con số 80 hàng năm. Đặc biệt, chưa thấy rõ dấu ấn của bước đột phá tăng đầu tư cho KH&CN lên 2% ngân sách nhà nước bắt đầu từ năm 2000 (các nhà khoa học cũng nên tự đặt câu hỏi cho trách nhiệm của mình trong vấn đề này).

Những con số trên đây tự nó nói lên bức tranh hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) ở nước ta. Những nhà quản lý chắc chắn sẽ rút ra nhiều kết luận đúng đắn bổ sung vào luận cứ của các chính sách sắp thực thi về đổi mới cơ chế quản lý KH&CN.

Ai là những thợ viết?

Việt Nam hiện có gần 20 nhà khoa học mà mỗi người trong số đó công bố được hơn 10 công trình trong mười năm (chưa kể bài báo đứng tên chung với người nước ngoài và ấn phẩm của các hội nghị quốc tế).

Một phần ba các "thợ viết" đó được đồng nghiệp trích dẫn khá nhiều, trung bình từ 3 đến 12 lần cho mỗi công trình của họ. Họ là những đỉnh cao đang sung sức của khoa học Việt Nam, nhưng cũng chỉ vào loại "tầm tầm" trên thế giới. Xem những thông tin trên bảng 1 chắc nhiều người sẽ ngạc nhiên vì thấy ít ai nhắc đến họ.

Phạm Duy Hiển

Theo VietNamNet
  • 195