Võ công thật sự của thái giám lợi hại tới đâu?

  •  
  • 1.335

Qua tiểu thuyết võ hiệp và tác phẩm điện ảnh, chắc chắn trong chúng ta đều sẽ có một cảm nhận rằng, có nhiều cao thủ xuất thân từ thái giám.

Trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của cố nhà văn Kim Dung, tuyệt học cao thâm và đáng sợ nhất chính là Quỳ hoa bảo điển. Đây là môn võ công do một thái giám sáng tạo ra, Đông Phương Bất Bại tung hoành giang hồ trở thành bất bại là nhờ vào môn võ công này. Dù chưa hề một ngày nhập cung làm thái giám, nhưng về mặt hình thể sinh lý mà nói, Đông Phương Bất Bại không hề khác thái giám là mấy. Còn trong Lộc đỉnh ký thái giám giỏi Hải Đại Phú được Kim Dung mô tả là một cao thủ có võ công thâm hậu trong triều.

Trong Nói anh hùng vậy ai sẽ là anh hùng của tác giả Ôn Thuỵ An thì người có võ công cao nhất là Mễ Công công, đồng thời cũng là một thái giám.

Trong các tác phẩm điện ảnh nhân vật thái giám có võ công cao cường là Tào Thiếu Khâm, Vũ Hóa Điền, Giả Kim Cúc…

Tất cả những nhân vật kể trên không ai là không có võ công cao cường và gian trá độc ác. Vậy thái giám thật sự liệu có lợi hại như vậy không?

Trong lịch sử Trung Hoa, có không ít hoạn quan khét tiếng đã được người đời "quen mặt nhớ tên" như Triệu Cao, Trương Nhượng, Lý Phụ Quốc, Ngụy Trung Hiền, Lý Liên Anh…

Tuy nhiên, hình dung chung của hậu thế về những con người ấy đều là các ấn tượng không mấy tốt đẹp như tâm cơ xảo trá, miệng lưỡi lươn lẹo, chứ không phải là võ nghệ cao cường.

Đầu thời nhà Minh, Đông tập sự xưởng gọi tắt Đông xưởng, được Minh Thành Tổ Chu Đệ đặc cách thành lập vào năm 1420 và cho phép tổ chức này được lập nha môn ở bên cạnh Đông Hoa môn của Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay). Vốn lên ngôi bằng cách cướp ngai vàng của người cháu, Minh Thành Tổ cũng đa nghi không kém gì Minh Thái Tổ vì vậy để trấn áp các lực lượng chính trị chống đối, vị hoàng đế này quyết định thành lập Đông xưởng.

Đông xưởng là cơ quan đặc vụ để trấn áp các lực lượng chính trị chống đối
Đông xưởng là cơ quan đặc vụ để trấn áp các lực lượng chính trị chống đối. Ảnh: Sohu

Đây là cơ quan đặc vụ bí mật, do nội thị đảm nhiệm, có trọng trách giám thị toàn bộ từ nội các đến trong quân đội, quan viên, nhân sĩ trí thức, học giả danh gia, mọi cơ quan quyền lực của triều đình. Kết quả giám thị này nếu điều tra ra tội nhẹ thì Đông xưởng toàn quyền liệu lý, không cần phải trình qua cơ quan tư pháp, tội trọng thì trực tiếp báo cáo với hoàng đế để ngài định đoạt. Được giao quyền lực nghiêng trời, Đông xưởng có thể khảo tra bất kỳ hoàng thân quý tộc nào.

Đến khi Chu Kiến Thâm kế vị, ông lại sáng lập thêm Tây xưởng có tính chất và chức năng tương đương Đông xưởng.

Song, những đối tượng thực sự biết võ thuật, chuyên phụ trách ám sát, bắt bớ lại là "phiên tử" – những người thuộc đội Cẩm y vệ và không hề có xuất thân là thái giám.

Tới thời nhà Thanh, triều đình còn có một đội quân hoạn quan gọi là Kỹ dũng thái giám. Theo các tài liệu lịch sử ghi chép, trong 500 hoạn quan làm việc tại Viên Minh Viên, có tới 60 người biết võ nghệ, được biết tới với cái tên Kỹ dũng thái giám lục thập danh.

Năm 1860, liên quân Anh Pháp tấn công Viên Minh Viên, 20 Kỹ dũng thái giám dưới sự chỉ huy của Bát phẩm thủ lĩnh đã chiến đấu với tinh thần "gặp nguy không sợ, ra sức xung phong", đả thương không ít quan quân của phe địch.

Tuy nhiên, hành động này cũng chỉ như "lấy trứng chọi đá", trước sự đông đảo của quân đế quốc, 20 thái giám này đã anh dũng hy sinh.

Trên thực tế, Trong lịch sử Trung Hoa cũng từng ghi nhận nhiều trường hợp võ tướng có xuất thân từ hoạn quan.

Cập nhật: 17/04/2022 Dân Việt
  • 1.335