Voi ở Việt Nam "sẽ tuyệt chủng trong 10 năm tới"

  •  
  • 3.486

Sau vụ con voi ở Đà Lạt bị chém chết, các chuyên gia động vật hoang dã cảnh báo rằng số lượng voi ở Việt Nam ngày càng suy giảm và sẽ tuyệt chủng.

>> Cận cảnh vết chém dã man giết chết voi Đà Lạt

Ông Scott Roberton, giám đốc quốc gia tại Việt Nam của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) trao đổi với VnExpress về thực trạng bảo tồn loài voi ở Việt Nam.

- Con voi đực tên Back Khăm ở Đà Lạt vừa bị giết với những vết chém nghiêm trọng trên thân thể. Ông nhìn nhận như thế nào về sự việc này?

- Tại Việt Nam, trong vòng 19 tháng qua, ít nhất 10 con voi được phát hiện bị giết hại tại tỉnh Đồng Nai và Đắk Lắk. Số lượng voi ở Việt Nam, kể cả voi nhà lẫn voi trong tự nhiên đang đối mặt với nguy cơ bị tận diệt trên toàn quốc. Vụ giết hại voi Back Khăm là một lời nhắc nhở nữa về tình trạng này và chính con người phải chịu trách nhiệm về tình trạng cực kỳ nguy cấp của loài voi.

Với mức độ giết hại như thế này, loài voi sẽ tuyệt chủng ở Việt Nam trong vòng 10 năm tới.


Chú voi Back Khăm chết hôm 23/4. Ảnh:
Quốc Dũng.

Tại Việt Nam, voi châu Á đang ở ngã rẽ quan trọng đối với sự sống còn của chúngdo nạn săn bắt và mất môi trường sống. Con voi bị giết là một con voi nhà, không phải voi sống trong tự nhiên. Khi người ta mang con voi từ bầy đàn về nuôi nhốt trong khu du lịch, con voi đó không còn tiếp tục nhiệm vụ của nó trong tự nhiên.

Tách một con voi ra khỏi thiên nhiên, thuần dưỡng nó rồi bắt nó sống trong một khu du lịch để con người có thể cưỡi lên chỉ có một mục đích: lợi nhuận tài chính cho con người.

- Ông đánh giá thế nào về công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam?

- Những loài động vật hoang dã đang bị đe doạ như linh trưởng, rùa, hổ và voi có nguy cơ tuyệt chủng trong 10 năm tới.

Việt Nam đã thua trong cuộc chiến cứu loài tê giác Java vào ngày 29/4/2010 (ngày xác con tê giác được cho rằng là cuối cùng của Việt Nam được tìm thấy). Các loài động hoang dã của Việt Nam sẽ biến mất rất nhanh, vì thế chúng ta cần hành động ngay, hoặc không còn cơ hội nữa.

Chúng ta không cần thêm bất kỳ bài phát biểu hay kế hoạch hành động hay đánh giá nào nữa, đã đến lúc phải bắt tay vào hành động ngay, trước khi quá muộn.

- Theo ông, do đâu mà ở Việt Nam tồn tại tình trạng săn bắt trái phép các loài động vật được bảo vệ?

- Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã và những sản phẩm bắt nguồn từ động vật hoang dã để làm thuốc, lấy thịt, nuôi cảnh và đồ trang trí. Điều này khiến các loài động vật hoang dã bị đe dọa.

Hệ thống luật pháp về bảo tồn của Việt Nam có đủ năng lực, nhân lực, tài chính. Bên cạnh đó lại có đầy đủ các luật và quy định nhằm đảm bảo sự sống còn của các loài động vật hoang dã trong tự nhiên.

Điều mà Việt Nam còn thiếu chính là quyết tâm và việc thực thi một cách có hiệu quả các luật đó trong việc chống các tội ác về động vật hoang dã.

- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới thành công trong việc bảo tồn động vật hoang dã?

- Có nhiều nước là tấm gương trong việc bảo tồn động vật hoang dã. Điều quyết định thành công của họ là thực thi luật một cách nghiêm ngặt.

Ấn Độ là một điển hình. Đây là một trong hai quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng Ấn Độ vẫn bảo tồn được mật độ đa dạng sinh học giàu có của mình.Loài hổ đang tăng số lượng ở nhiều khu bảo tồn tại Ấn Độ vì họ bảo vệ chặt chẽ các khu này.

Tại Nepal, tê giác đã được cứu khỏi bờ vực tuyệt chủng ở thông qua việc thực thi pháp luật một cách hiệu quả và mạnh mẽ.

Theo Vnexpress
  • 3.486