Vụ phun trào núi lửa dưới biển lớn nhất thế kỷ năm 2012

  •  
  • 1.399

Một ngọn núi lửa ngầm ngoài khơi New Zealand gây ra vụ phun trào dưới nước lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng của giới khoa học.

Kết quả phân tích mới đây cho thấy vụ phun trào khổng lồ dưới đáy biển gần New Zealand năm 2012 lớn hơn hình dung của các nhà khoa học lúc đó và trở thành vụ phun trào lớn nhất của núi lửa dưới biển sâu trong thế kỷ qua, Newsweek hôm 10/1 đưa tin. Nghiên cứu sử dụng tàu ngầm robot để thăm dò núi lửa dưới nước Havre có thể thay đổi hiểu biết của con người về những gì diễn ra dưới bề mặt Trái đất.

Bản đồ đáy biển xung quanh núi lửa Havre, dung nham từ vụ phun trào năm 2012 được thể hiện bằng màu đỏ.
Bản đồ đáy biển xung quanh núi lửa Havre, dung nham từ vụ phun trào năm 2012 được thể hiện bằng màu đỏ. (Ảnh: Newsweek).

"Chúng ta không biết gì về những ngọn núi lửa ngầm và quá trình phun trào dưới đại dương, dù hơn 75% núi lửa trên Trái Đất nằm ở đáy biển", trưởng nhóm nghiên cứu Rebecca Carey, nhà núi lửa học ở Đại học Tasmania, Australia, chia sẻ. Trước đó, Carey tập trung nhiều hơn vào những sự kiện phun trào trên đất liền.

Năm 2012, Havre, núi lửa cách đảo Bắc của New Zealand 965km, phun ra cột tro từ độ sâu 700 mét dưới mặt nước. Quy mô của sự kiện sánh ngang với vụ phun trào của núi lửa St. Helens năm 1980. "Sau đó chúng tôi biết sự kiện phun trào lớn cỡ này chỉ xảy ra trên đất liền khoảng 4 lần mỗi thế kỷ. Ở đáy biển, chúng rất phổ biến nhưng không được ai phát hiện", Carey nói.

Vụ phun trào năm 2012 để lại cho các nhà khoa học manh mối là một khối đá bọt trôi nổi có diện tích khoảng 388km2. Nhưng Carey và các nhà nghiên cứu khác không biết vụ phun trào lớn tới mức nào. Do đó, họ sử dụng một phương tiện tự động dưới nước (AUV) và hàng chục thiết bị điều khiển từ xa để khám phá ngọn núi lửa vào năm 2015. "AUV được lập trình để khảo sát một khu vực và chúng tôi chỉ thả nó khỏi thành tàu trong 8-12 tiếng", Carey nói.

Các robot xem xét 14 mạch phun thuộc núi lửa Havre để đo chính xác hơn lượng dung nham và đá ở khu vực. Chỉ riêng số lượng mạch phun đã chỉ ra độ lớn của sự kiện, tạo thành loạt lỗ dọc theo đường nứt toác trên núi lửa. Kết quả phân tích công bố trên tạp chí Science Advances cũng cho thấy những gì còn sót lại ở đáy biển không phản ánh đầy đủ mức độ dữ dội của toàn bộ sự kiện phun trào.

Carey hy vọng họ có thể tiến hành nghiên cứu sâu hơn ở khu vực núi lửa Havre, tập trung vào ảnh hưởng sinh học của vụ phun trào khổng lồ từng phủ tro bụi lên các hệ sinh thái dưới nước và tác động đến nhiều dạng sống dưới biển.

Cập nhật: 12/01/2018 Theo VNE
  • 1.399