Hàng vạn mảnh vụn từ vụ va chạm giữa hai vệ tinh của Nga và Mỹ đang bay trong không gian với tốc độ chóng mặt, đe dọa sự an toàn của những vệ tinh ở các quỹ đạo gần đó.
|
Ảnh minh họa va chạm giữa một mảnh rác với ăng-ten của một vệ tinh. Ảnh: cnes.fr. |
Tai nạn xảy ra trước đó hôm 10/2 ở độ cao 790 km trên bầu trời Siberia, giữa một vệ tinh của công ty Iridium (Mỹ) và vệ tinh viễn thông quân sự Cosmos-2251 của Nga. Vệ tinh Iridium nặng 560 kg đang còn hoạt động, trong khi đó Kosmos-2251 có khối lượng gần một tấn được phóng vào năm 1993 và đã ngừng hoạt động từ năm 1995.
Một chuyên gia vũ trụ hàng đầu của Nga khẳng định, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phải chịu trách nhiệm về vụ việc do không cảnh báo nguy cơ xảy ra va chạm. Nhưng các chuyên gia Mỹ lại đổ lỗi cho phía Nga trong sự cố lần đầu tiên trong lịch sử chinh phục không gian này.
Elizabeth Mailander, đại diện của Iridium cho biết, công ty có 65 vệ tinh trên quỹ đạo và có thể thay đổi quỹ đạo của chúng nếu nhận được cảnh báo về nguy cơ va chạm. Nhưng đến nay chưa có cảnh báo nào được đưa ra kể từ vụ 10/2. Tướng Alexander Yakushin, tham mưu trưởng các lực lượng vũ trụ thuộc quân đội Nga thì nhận định rằng, không ai biết chính xác số lượng mảnh vỡ do vụ va chạm gây nên, nhưng chúng đang lang thang ở độ cao 500 đến 1.300 km so với mặt đất.
Theo Nicholas Johnson, giám đốc chương trình rác thải trên quỹ đạo của NASA, các chuyên gia về rác vũ trụ sẽ gặp nhau vào tuần tới trong một cuộc hội thảo của Liên Hợp Quốc tại Vienna (Áo) để thảo luận các giải pháp hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn những tai nạn tương tự.
|
Ảnh minh họa rác vũ trụ và vệ tinh chết xung quanh Trái đất. Ảnh: AFP. |
Igor Lisov, một chuyên gia hàng không vũ trụ nổi tiếng của Nga, nói rằng ông không hiểu tại sao các chuyên gia NASA và công ty Iridium không ngăn chặn được vụ va chạm, vì lúc đó vệ tinh của Iridium đang hoạt động và quỹ đạo của nó có thể thay đổi.
“Đó có thể là một lỗi do máy tính hoặc con người gây ra. Cũng có thể chuyên gia NASA chỉ chú ý tới những loại rác có kích thước nhỏ hơn mà bỏ qua các vệ tinh không còn hoạt động”, Igor phát biểu. Nhưng việc theo dõi các vệ tinh không hoạt động thuộc trách nhiệm của Mạng lưới giám sát không gian – một bộ phận của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ưu tiên hàng đầu của Mạng lưới giám sát không gian là bảo vệ các nhà du hành vũ trụ. Do đó họ chỉ đưa ra cảnh báo nếu phát hiện mối nguy hiểm đối với trạm không gian quốc tế hoặc tàu vũ trụ có người lái.
Hiện có khoảng 800-1.000 vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo và xấp xỉ 17.000 mảnh vỡ cùng vệ tinh chết. Con số đó quá lớn khiến Mạng lưới giám sát không gian không đủ nhân lực và thiết bị để theo dõi.
Igor Lisov cho rằng các mảnh vỡ có thể va vào hàng trăm vệ tinh hoạt động trên cùng quỹ đạo với hai vệ tinh gặp nạn. Theo các chuyên gia của Mỹ và Nga, chúng có thể di chuyển với tốc độ khoảng 200 m/giây nhưng khó có thể gây nguy hiểm cho trạm không gian quốc tế ISS và 3 phi hành gia đang làm việc trên đó.
Theo chuyên gia Igor Lisov, các vệ tinh sử dụng năng lượng hạt nhân đã ngừng hoạt động ở các quỹ đạo cao hơn cũng có nguy cơ gây va chạm. Nếu một vệ tinh trong số đó va vào mảnh vỡ, phóng xạ hạt nhân sẽ được giải phóng nhưng không gây nguy hiểm cho trái đất. Tuy nhiên, các mảnh vỡ từ vụ va chạm có thể đe dọa những vệ tinh khác.