Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Vườn quốc gia hồ Turkana của Kenya là Di sản Thiên nhiên thế giới năm 1997.
Vườn quốc gia hồ Turkana là khu vực hồ nằm trong thung lũng Great Riff thuộc khu vực phía tây Kenya. Do tác động của núi lửa trong quá khứ mà hình dạng cấu tạo của khu vực này vô cùng độc đáo, lạ mắt. Hồ Turkana còn được biết đến bởi đây là hồ lớn nhất và mặn nhất ở Châu Phi. Trên thực tế vườn quốc gia này được tạo thành từ 03 khu vực là hồ Turkana, công viên Sibiloi, công viên quốc gia Trung ương với tổng diện tích vùng lõi trong là 161.485 ha và tổng diện tích gồm cả khu vực vòng ngoài lên tới 7.000.000 ha. Riêng diện tích hồ Turkana cũng đã vô cùng ấn tượng, với chiều dài tới 249 km kéo dài từ biên giới Ethiopia; điểm rộng nhất của hồ có kích thước 44 km và độ sâu trung bình 30 mét. Đây là hồ lớn thứ 4 tại khu vực Châu phi và thường được người dân trong khu vực gọi là biển Jade vì màu sắc tuyệt đẹp, hiếm thấy của nước hồ.
Không chỉ ấn tượng bởi vẻ đẹp cùng với màu sắc và kích thước, hồ Turkana còn sở hữu lớp trầm tích với những mẫu hóa thạch hàng nghìn năm tuổi. Các nhà địa chất học cho rằng chính bởi hoạt động của núi lửa mà địa chất của vùng lòng hồ và khu vực quanh hồ rất đặc biệt. Lớp trầm tích lắng động hàng ngàn năm qua với nhiều hóa thạch khảo cổ là bằng chứng về sự sống đa dạng từ thời tiền sử. Bên cạnh đó, qua việc nghiên cứu những hóa thạch và trầm tích tại khu vực mà các nhà khoa học có thể tái hiện cuộc sống của hệ động thực vật nơi đây.
Toàn bộ khu vực vườn quốc gia hồ Turkana cũng là nơi cư trú và dừng chân của hàng trăm loài chim, vô số loài động vật và đặc biệt đây là nhà của loài cá sấu sông Nile vô cùng quý hiếm. Ngoài ra vườn quốc gia cũng là nơi thích hợp cho nhiều thực vật sinh trưởng do đó khu vực này có thảm thực vật khá đa dạng. Điều kiện sinh thái tại vườn cho đến nay vẫn được duy trì và bảo toàn tốt cho việc phát triển, tăng trưởng và sinh trưởng của hệ động thực vật.
Năm 1969, mẫu hóa thạch đầu tiên tại vườn quốc gia hồ Turkana được phát hiện và từ đó các nhà khảo cổ đã tiến hành thêm nhiều nghiên cứu, tìm kiếm tại khu vực và tìm được nhiều mẫu hóa thạch khác. Những mẫu hóa thạch này đã cho thấy bằng chứng về sự tồn tại của một tộc người từ hai triệu năm trước, đồng thời phản ánh khá rõ nét đời sống sinh hoạt cũng như quá trình tiến hóa của tộc người từ thời kỳ tiền sử này. Vườn quốc gia cũng là nơi duy nhất trên thế giới có các hóa thạch quặng Koobi Fora.
Kể từ khi các nhà khảo cổ tìm ra mẫu hóa thạch tại đây, khu vực này nhận được sự quan tâm chú ý nhiều hơn của nhà chức trách tại khu vực. Năm 1997, vườn quốc gia hồ Turkana được Unesco công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đến năm 2001 di sản này tiếp tục được công nhận lần thứ 2.
Có cảnh sắc vô cùng đẹp mắt, ấn tượng nhưng khu vực hồ Turkana thường xuyên đối mặt với khô hạn, lượng mưa hàng năm tại đây ít hơn 250mm. Hiếm có thể thấy mưa tại vườn quốc gia vì thế những cơn mưa hiếm hoi, ít ỏi tai đây chỉ đủ cầm chừng cuộc sống cho các loài động thực vật. May mắn là cuộc sống xung quanh hồ Turkana không trông chờ nhiều vào những trận mưa mà 90% lượng nước trong hồ có được là do nước đổ từ sông Omo và sông Turkwel mang lại. Bởi thế mà dù khí hậu quanh năm nóng bức, khô hạn nhưng vườn quốc gia Turkana là thiên đường của nhiều loài động vật hoang dã có đời sống ven sông hồ như: chim, hà mã, cá sấu. Vườn quốc gia cũng là điểm dừng chân quan trọng trên chặng đường di cư của loài chim châu phi. Cuộc sống của một số dân tộc thiểu số tại Kenya cũng phụ thuộc nhiều vào khu vực này.
Vườn quốc gia hồ Turkana được Unesco công nhận là di sản theo các tiêu chí (viii), (x)
Không chỉ có các loài động vật, thực vật sống nhờ vào môi trường sinh thái tại khu vực vườn quốc gia, mà nhiều bộ tộc xung quanh khu vực cũng sống dựa vào vùng hồ này..