Các nhà cổ sinh vật học Trung Quốc vừa xác định hóa thạch xương khủng long có niên đại 90 triệu năm trước đây vào thời kỳ Kỷ Phấn trắng. Họ nhận định đây là hóa thạch xương một loài mới được biết đến và đặt tên là "Gandititan cavocaudatus".
Hóa thạch xương khủng long niên đại 90 triệu năm trước được phát hiện tại Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua).
Phó giám đốc Bảo tàng Địa chất Giang Tây Wang Lingyun cho biết các hóa thạch xương này được tìm thấy tại một công trường xây dựng ở quận Cám Huyện, thành phố Cám Châu, phía Đông tỉnh Giang Tây của Trung Quốc vào tháng 6/2021. Bảo tàng này cùng Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc (CUG) và Viện Khảo sát và Thám hiểm Địa chất Giang Tây bắt đầu tiến hành công tác phục chế và nghiên cứu vào cuối năm 2021.
Trưởng nhóm dự án Han Fenglu tại CUG nêu rõ kết quả nghiên cứu cho thấy hóa thạch này của một loài titanosauria sauropod mới được biết đến, thuộc giống khủng long khổng lồ Titanosauria. Tổng số xương hóa thạch được phát hiện chiếm khoảng 40% bộ xương của một con khủng long, một tỷ lệ hiếm có trên thế giới vì tính nguyên vẹn của chúng. Trong số các xương có 6 đốt sống cổ có khớp nối; 2 đốt sống lưng không hoàn chỉnh và 1 xương cùng hoàn chỉnh giữ được khớp nối với 17 đốt sống đuôi đầu tiên và phần xương chậu bên phải.
Theo ông Han, cột sống được bảo quản tốt giúp các nhà nghiên cứu có thể ước tính chính xác tổng chiều dài cơ thể là 14 mét - kích thước tương đối nhỏ so với các loài sauropod.
Phát hiện được công bố trong Tạp chí Cổ sinh vật học vào tháng 1 này có ý nghĩa rất lớn đối với việc nghiên cứu quá trình tiến hóa và phân bố địa lý của các loài trong kỷ Phấn trắng.