Đúng năm đầu tiên của thế kỷ 21, đất nước tưởng không liên quan gì đến văn hóa ướp xác Pakistan tuyên bố phát hiện ra xác ướp 2600 năm tuổi.
Trên thế giới, nền văn minh nổi tiếng với văn hóa ướp xác nhất là Ai Cập - đất nước Bắc Phi cách Pakistan 3763km. Sau đó là Trung Quốc (xác ướp Tân Cương), Philippines (xác ướp Kabayan), Mexico (xác ướp Guanajuato)... Iran, quốc gia láng giềng của Pakistan cũng có xác ướp. Đó là 8 xác ướp muối được phát hiện trong mỏ muối Douzlakh tại Chehr Abad. Tuy nhiên, đó là những cái xác được ướp tự nhiên (do người dân cổ đại vô tình nằm chết tại địa điểm này) chứ không phải nhờ con người thực hiện.
Thế nhưng vào đúng năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ III, Pakistan tuyên bố phát hiện một xác ướp 2600 năm tuổi ở Kharan, Balochistan, tỉnh giáp ranh với Iran. Họ thông báo sau một trận động đất, cư dân Sharif Shah Bakhi (Pakistan gốc Iran) sống tại đây đã vô tình thấy có chiếc quan tài lộ ra ở chỗ đất bị lở. Anh ta tò mò mở ra xem và vô cùng kinh ngạc, vì bên trong là một xác ướp.
Chuyện bất ngờ xuất hiện một xác ướp trong nước đã làm chấn động giới khảo cổ học.
Lập tức, Bakhi giao xác ướp này cho gã con buôn chợ đen là Wali Mohammed Reeki (Pakistan). Reeki thuê Ali Akbar (Pakistan) quay video và rao bán nó trên trang trực tuyến bất hợp pháp, với giá 11 triệu dollar.
Tháng 10/2000, các nhà chức trách Pakistan phát hiện clip rao bán xác ướp này và tiến hành bắt giữ Akbar. Dựa trên lời khai của hắn, họ tìm tới nơi ở của Reeki và Bakhi, xác nhận có một xác ướp trong nhà Reeki.
Vốn dĩ, người Pakistan không có phong tục ướp xác. Chuyện bất ngờ xuất hiện một xác ướp trong nước đã làm chấn động giới khảo cổ học. Sau khi xác ướp này được đưa tới Bảo tàng Quốc gia Pakistan ở thành phố Karachi, các nhà nghiên cứu nhanh chóng bắt tay vào xác định niên đại. Họ tuyên bố cái xác được ướp từ 2600 năm trước, là di thể của Công chúa Rhodugune - con gái quốc vương Ba Tư Xerxes Đệ Nhất (591 - 465 TCN).
Pakistan theo văn hóa địa táng, lập lăng mộ hoặc bia mộ lưu danh.
Theo suy đoán của các học giả Pakistan, Rhodugune có khả năng đã liên hôn chính trị với hoàng thân quốc thích Ai Cập. Vì thế mà sau khi qua đời, bà được an táng theo tín ngưỡng nhà chồng. Họ cũng đặt giả thuyết Rhodugune là con tin chính trị. Bà vốn mang gốc gác Ai Cập nên lúc tạ thế, được ướp xác như một cách bày tỏ lòng tôn kính.
Trước sự xuất hiện của xác ướp Công chúa Rhodugune, không riêng gì Pakistan mà cả thế giới phải bàng hoàng. Tổ chức UNESCO cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc. Chính phủ Pakistan vô cùng tự hào, xem đây là phát hiện khảo cổ quan trọng nhất đầu thế kỷ.
Khi tin tức về "Công chúa Ba Tư" lan rộng, chính phủ Iran đột ngột đòi Pakistan phải trao trả xác ướp này cho mình. Họ lập luận Vương triều Ba Tư là một phần trong lịch sử lập quốc của Iran, nên xác ướp Công chúa Ba Tư cũng tất yếu thuộc về Iran.
Xác ướp Công chúa Rhodugune khiến Parkistan và cả thế giới bàng hoàng.
Lẽ dĩ nhiên, Pakistan từ chối ngay tắp lự. Iran không buông tay, thảo đơn kiện Pakistan lên UNESCO. Giữa lúc 2 quốc gia này còn chưa giải quyết tranh chấp, Phiến quân Taliban (Afghanistan) nhảy vào giữa. Họ lôi ra một tên buôn lậu, kết tội hắn đã bán "Công chúa Ba Tư" cho Bakhi, yêu cầu Pakistan đưa Rhodugune tới Afghanistan giao nộp.
Trước khi sự việc đi quá xa, Pakistan lựa chọn lùi một bước. Họ cho phép các nhà khoa học và khảo cổ Iran nhập cảnh, tiếp cận xác ướp Công chúa Ba Tư và hợp tác nghiên cứu.
Vừa đặt chân tới Karachi, nhóm nghiên cứu từ Iran vội vã bước vào bảo tàng gặp gỡ và bày tỏ lòng thành kính trước "Công chúa Ba Tư". Họ tiếp nhận báo cáo khảo cổ của Pakistan, bắt tay vào tái xác nhận.
Ngay từ lúc chạm vào chiếc quan tài chứa xác ướp, nhóm Iran đã... té ngửa. Nó có rất nhiều dấu vết... bút chì, thứ mãi đến cuối thế kỷ 18 mới lần đầu tiên xuất hiện ở châu Âu (mỏ than chì tinh khiết nhất cũng từ thế kỷ 16, và dĩ nhiên là còn lâu mới được bán sang Trung Đông). Phân tích mảnh gỗ tách ra từ chiếc quan tài này cũng cho thấy, nó chỉ có niên đại khoảng 250 năm (cách thời điểm Rhodugune tạ thế tận 2350 năm).
Chiếc quan tài của xác ướp Công chúa Ba Tư chỉ có niên đại trong khoảng 250 năm.
Trong lịch sử thế giới, chuyện buôn lậu xác ướp từ Ai Cập ra khắp phương tây bắt đầu vào thế kỷ XV và kéo dài suốt 300 năm. Nhóm Iran rất hy vọng, chỉ có chiếc quan tài là giả chứ xác ướp Công chúa Ba Tư bên trong vẫn là thật. Họ gỡ lớp băng quấn thi thể, khám nghiệm kỹ lưỡng. Không ngờ, đó lại là thi thể của một phụ nữ trẻ bị giết và biến thành xác ướp trong thập niên 1990.
Theo kết quả khám nghiệm tử thi, cô mới khoảng 20 - 25 tuổi, có phần xương hộp sọ và cột sống bị tổn thương nghiêm trọng. Hung thủ có khả năng đã giết cô bằng vật cùn rồi giả làm xác ướp cổ đại, rao bán lấy tiền. Ngoài ra, cô cũng có thể đã bị giết và phi tang trước; sau đó lại bị kẻ khác đào lên, biến thành xác ướp.
Người thực sự bị ướp là một phụ nữ qua đời vì bị sát hại trong thập niên 1990.
Vỡ lẽ, cảnh sát Pakistan quay lại Balochistan bắt Bakhi. Tuy nhiên, hắn đã cao chạy xa bay từ lâu, không để lại dấu vết gì. Rốt cuộc, xác ướp Công chúa Ba Tư chỉ là một vụ lừa đảo khảo cổ vô nhân tính. Từ đó cho đến nay, Pakistan vẫn truy nã Bakhi nhưng chưa tìm thấy hắn. Họ cũng điều tra kẻ sát nhân và giả xác ướp Rhodugune, nhưng chưa có kết quả khả quan nào.