Xe điện bay lên sao Hỏa có nguy cơ bị phá hủy

  •  
  • 1.315

Bức xạ Mặt Trời và hàng loạt vật thể trong vũ trụ có thể làm hư hại chiếc xe được SpaceX đưa lên không gian bằng tên lửa Falcon Heavy.

Chiếc xe điện Tesla Roadster màu đỏ do hãng SpaceX phóng lên không gian để tiến vào quỹ đạo sao Hỏa bằng tên lửa Falcon Heavy, tên lửa mạnh nhất thế giới, hôm 7/2, có thể sớm bị phá hủy do bức xạ Mặt Trời và các vật thể trong vũ trụ, Newsweek đưa tin. Ngồi ở vị trí lái xe là một hình nộm mang tên Starman.

Elon Musk, ông chủ SpaceX, hy vọng chiếc xe sẽ tồn tại ngoài không gian khoảng một tỷ năm. Tuy nhiên, bức xạ Mặt Trời cùng các vật thể vũ trụ có thể làm chiếc xe hư hại sớm hơn thời điểm này rất nhiều. Nó thậm chí có thể không qua nổi một năm, theo nhà hóa học William Carroll tại Đại học Indiana.

Chiếc xe có thể nhanh chóng hư hại do các tác động ngoài vũ trụ.
Chiếc xe có thể nhanh chóng hư hại do các tác động ngoài vũ trụ. (Ảnh: South China Morning Post).

Trong vũ trụ có rất nhiều vật thể trôi nổi, từ các vi thiên thạch đến tiểu hành tinh. Dù tránh được va chạm với những vật thể lớn, chiếc xe cũng rất khó tránh được những mảnh đá nhỏ, Carroll cho biết.

Một mối đe dọa khác là bức xạ Mặt Trời. Con người được bảo vệ khỏi phần lớn bức xạ Mặt Trời và tia vũ trụ nhờ khí quyển và từ trường của Trái Đất. Nhưng ngoài không gian, chiếc xe sẽ không có lá chắn này bảo vệ.

"Mọi vật hữu cơ đều có thể bị phá hủy bởi nhiều loại bức xạ ngoài đó", Carroll nói. Điều này nghĩa là mọi bộ phận bằng nhựa và bộ khung bằng sợi carbon của chiếc xe cũng chịu ảnh hưởng. Các liên kết carbon-carbon và liên kết carbon-hydro có thể yếu đi dưới năng lượng cao của bức xạ. Khi những liên kết này đứt, chiếc Tesla Roadster có thể sẽ rời ra từng mảnh.

Các liên kết sẽ đứt một cách ngẫu nhiên và dần dần, mọi bộ phận hữu cơ của chiếc xe sẽ phân rã. Cuối cùng, chiếc xe sẽ chỉ còn trơ lại những bộ phận vô cơ như phần khung nhôm. "Trong môi trường đó, tôi không nghĩ các bộ phận hữu cơ sẽ qua nổi một năm", Carroll nhận xét.

Cập nhật: 09/02/2018 Theo VNE
  • 1.315