Chỉ mới một tuần sau khi tảng băng nặng một nghìn tỷ tấn tách khỏi Nam Cực, trên mặt băng ở khu vực này lại tiếp tục xuất hiện một vết nứt mới.
Theo kênh truyền hình RT, kẽ hở mới này được các nhà khoa học đến từ Dự án MIDAS phát hiện. Dự án MIDAS là nhóm đang theo dõi chặt chẽ hoạt động trên thềm băng Larsen C và cũng là nhóm đầu tiên phát hiện vết nứt của tảng băng trôi ký hiệu A68 – tảng băng nghìn tỷ tấn tách rời tuần trước.
Trong một tuyên bố của Dự án MIDAS, các nhà nghiên cứu cho biết, qua việc sử dụng dữ liệu giao thoa Sentinel-1 thu thập được, ngày 18/7 họ đã phát hiện ra vết nứt mới mở rộng về hướng bắc và có thể gây ra hậu quả khu vực thềm băng sẽ tiếp tục bị mất thêm.
Vết nứt mới xuất hiện sau khi tảng băng A68 tách khỏi thềm băng Larsen C.
“Chúng tôi thấy một vết nứt mới dài khoảng 6km hướng về phía bắc xuất phát từ chỗ nứt hình thành do lần băng tách tuần trước”, Adrian Luckman – giáo sư ngành sông băng tại Đại học Swansea kiêm người đứng đầu dự án MIDAS – nhận định.
Tuy nhiên, cũng theo giáo sư Luckman, vẫn chưa có gì đáng lo ngại, vì đầu vết nứt hiện vẫn đang nằm trong đới khâu – một khu vực băng mềm hơn – và khó có thể nứt dài thêm trong thời gian tới.
Tuần trước, một tảng băng nặng nghìn tỷ tấn rộng 6.000km2 ký hiệu A68 đã tách rời khỏi thềm băng Larsen C. Đây là một trong những tảng băng lớn nhất được ghi nhận. Sự kiện băng tách đã khiến diện tích thềm băng Larsen C nhỏ đi 12%.
Mặc dù khe nứt gây ra việc tảng băng khủng lồ tách khỏi thềm Larsen C được các nhà khoa học phát hiện từ những năm 1980 nhưng mãi đến đầu tháng 1/2017, mảng băng này mới bắt đầu phân tách. Hiện nó đang trôi dạt trên Biển Weddell.
Rất nhiều chuyên gia nghi ngờ liệu hiện tượng biến đổi khí hậu có tác động gì đến việc tảng băng A68 tách khỏi thềm băng hay không song nghiên cứu viên dự án MIDAS Bryn Hubbard – giám đốc trung tâm nghiên cứu băng thuộc Đại học Aberystwyth – cho rằng rất khó có thể xác định.