Nhà khoa học NASA nêu ý tưởng chế tạo những khối gạch rỗng lơ lửng ở độ cao 48 km trên sao Kim, tạo thành móng để xây thành phố.
Với những yếu tố khắc nghiệt trên khí quyển, sao Kim sẽ là nơi con người khó có thể sinh sống. Khí quyển của hành tinh này chứa đầy CO2 và nitơ độc hại, những cơn gió thổi với vận tốc 320 km/h. Trong khi đó, bề mặt sao Kim cũng có nhiệt độ trung bình lên tới 462 độ C.
Sao Kim có kích thước gần bằng Trái đất nhưng môi trường rất khắc nghiệt. (Ảnh: NASA)
Tuy nhiên, Alex Howe, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard thuộc NASA, đề xuất ý tưởng xây "thành phố trên mây" và cải tạo sao Kim để biến hành tinh này thành nơi con người ở được, Futurism hôm 30/3 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Journal of the British Interplanetary Society.
Để xây thành phố trên mây, ban đầu, các tàu thăm dò vũ trụ có thể mang theo những cỗ máy chạy bằng năng lượng mặt trời đến sao Kim. Những cỗ máy tự động sẽ hút CO2, thải ra oxy và carbon. Oxy được lưu trữ để sử dụng sau, trong khi carbon được dùng cho việc chế tạo những khối gạch rỗng rộng 90m. Khoang rỗng bên trong rất lớn, giúp chúng đủ nhẹ để lơ lửng.
Khi hút carbon từ khí quyển vốn không thể thở được của sao Kim, thành phần hóa học của không khí cũng bắt đầu thay đổi. Không khí cuối cùng sẽ trở thành hỗn hợp oxy và nitơ phù hợp cho con người hít thở.
Khi liên kết những khối gạch carbon lại, con người có thể bọc toàn bộ hành tinh ở độ cao 48km hoặc hơn - đủ cao để vượt qua sức nóng và những cơn gió mạnh. Howe ước tính, cần 72 nghìn tỷ khối gạch để hoàn thành phần móng nổi. Ngoài ra, con người cần tiếp tục chế tạo gạch mới để thay thế những khối bị vỡ do gió và vá lỗ hổng do tiểu hành tinh thỉnh thoảng đâm xuống.
Sau khi hoàn thành móng, con người có thể sinh sống và làm việc phía trên, với không khí bên trên đã được cải tạo. Tại đó, các nhà khoa học và kỹ sư có thể nghiên cứu kỹ sao Kim, tìm hiểu xem tại sao hành tinh từng khá giống Trái đất lại biến đổi thành một nơi khắc nghiệt như vậy.
Kế hoạch của Howe sẽ vô cùng tốn kém. Kể cả khi được phê duyệt và tài trợ, có thể mất tới 200 năm để hoàn thành. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, kế hoạch này vẫn có thể khả thi, theo nhà thiên văn Janusz Petkowski, chuyên gia nghiên cứu sao Kim tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Sao Kim lớn gần bằng Trái đất và là hành tinh gần Mặt trời thứ hai, chỉ sau sao Thủy. Hành tinh này có một số lợi thế như lực hấp dẫn bề mặt gần giống Trái đất. So với sao Hỏa, sao Kim có khí quyển đủ dày để đối phó với bức xạ vũ trụ, bức xạ cực tím, thời gian di chuyển từ Trái đất tới sao Kim cũng ngắn hơn tới sao Hỏa.