4.000 năm nhân loại tìm cách chữa bệnh "quỷ ám"

  •  
  • 1.705

Bị nhìn nhận dưới góc độ tâm linh là "quỷ ám", trải qua 4.000 năm, trầm cảm trở thành lĩnh vực y khoa có những tiến bộ vượt bậc.

Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới 10 tháng 10 hàng năm, được chọn cách đây 28 năm. Tuy nhiên, khái niệm đầu tiên về bệnh trầm cảm đã xuất hiện cách đây khoảng 4.000 năm tại khu vực Lưỡng Hà, Tây Á.

Khi ấy, trầm cảm được nhìn nhận dưới góc độ tâm linh nhiều hơn là sức khỏe. Người dân cho rằng đây là hiện tượng quỷ ám. Thay vì bác sĩ, bệnh nhân được linh mục "điều trị" bằng nhiều phương pháp, từ đánh đập đến bỏ đói để trừ tà.

Đến thời kỳ La Mã, cộng đồng có quan điểm tiến bộ và thông cảm hơn. Họ tin rằng gốc rễ của trầm cảm là từ sinh học, tâm lý. Hình thức chữa bệnh lúc này chủ yếu gồm tập thể dục, xoa bóp, ăn kiêng, nghe nhạc, truyền máu, sử dụng sữa lừa và một loại thuốc chiết xuất từ cây anh túc. Đến nay, chế độ ăn uống lành mạnh, thư giãn và tập thể dục vẫn được coi là cách điều trị tự nhiên hiệu quả.

Những năm 800 đến 900 sau Công nguyên, Rhazes, bác sĩ người Ba Tư, có ý tưởng đi trước thời đại hàng trăm năm. Ông tin rằng bệnh tâm lý có nguồn gốc từ thần kinh và ủng hộ hình thức điều trị theo hành vi, tương tự liệu pháp nhận thức - hành vi ngày nay. Theo đó, người bệnh được học cách thay đổi suy nghĩ, các hành động bất lợi, điều chỉnh cảm xúc và phát triển khả năng đối phó, giải quyết vấn đề nội tại.

Thời kỳ Trung Cổ và Phục Hưng được coi là "bước lùi" của nền y học tâm lý. Người bệnh bị đối xử một cách vô cảm. Cộng đồng một lần nữa tin vào sự tồn tại của ma quỷ. Các lễ trừ tà, thiêu sống trên cọc, săn phù thủy, thậm chí hành quyết xảy ra liên miên.

Năm 1621, trong cuốn "Giải thích căn bệnh sầu muộn", Robert Burton, học giả tại Đại học Brasenose và Đại học Oxford, chỉ ra rằng nguyên nhân chính của trầm cảm là cô đơn và thất nghiệp. "Đừng đơn độc, đừng nhàn rỗi", ông nhận định, đồng thời khuyến khích người bệnh ăn uống theo chế độ, dùng thảo mộc, tập thể dục và trị liệu bằng âm nhạc.

Thế kỷ 19-20, bác sĩ Sigmund Freud đã đặt nền móng cho ngành phân tích tâm lý. Ông giải thích trầm cảm là phản ứng của sự mất mát. Cảm giác mất mát có thể đến từ sự việc thực tế (mất người thân) hoặc trừu tượng (thất bại trong các mục tiêu cuộc sống). Người bệnh vào những năm 1970 thường được kê đơn imipramine liều cao, một trong những loại thuốc đầu tiên ra đời điều trị trầm cảm. Thuốc hiệu quả, song để lại tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm tăng cân, mệt mỏi và dễ dẫn đến quá liều.

Nếu dùng thuốc không có tác dụng, người bệnh phải nhập viện. Một số điều trị bằng sốc điện (Electroconvulsive - ECT), số khác được phân tích tâm lý.

Hình ảnh minh họa bác sĩ ra lệnh tháo xích ở chân cho một người phụ nữ mắc bệnh tâm thần
Hình ảnh minh họa bác sĩ ra lệnh tháo xích ở chân cho một người phụ nữ mắc bệnh tâm thần tại Nhà thương Paris, năm 1890. (Ảnh: SCMP).

Đối với những người đang sống chung với trầm cảm hoặc có người thân bị trầm cảm, các phương pháp chữa bệnh dường như quá chậm, không khả thi hoặc chưa được phê duyệt rộng rãi. Song trên thực tế, việc điều trị đã có những bước tiến dài trong khoảng 40 năm trở lại đây.

Nhiều loại thuốc chống trầm cảm được phát triển. Tuy nhiên, chỉ khoảng 40% bệnh nhân cải thiện tình trạng sau lần đầu tiên sử dụng thuốc. Các hãng dược vẫn liên tục điều chỉnh công thức của mình.

Nghiên cứu gần đây cho thấy một loại protein cụ thể, gọi là GPR56, có liên quan đến yếu tố sinh học của bệnh trầm cảm. Giáo sư Gustavo Turecki, Đại học McGill, tác giả công trình, cho biết: "Xác định các chiến lược điều trị mới để lại nhiều thách thức. GPR56 là mục tiêu tuyệt vời để phát triển các loại thuốc tiên tiến".

Dù vậy, tiến sĩ Mike Shooter, cựu chủ tịch Đại học Tâm thần Hoàng gia London, quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố khác. "Các bác sĩ đa khoa gia đình được khuyên nên khuyến khích bệnh nhân tập thể dục, tham gia hoạt động xã hội, phát triển bản thân, hỗ trợ người nghèo. Họ cần thấy rằng mình không đơn độc trong cuộc chiến này", ông nói. Theo ông, điều này đặc biệt quan trọng trong thời kỳ Covid-19, khi người bệnh cảm thấy cô đơn và đau khổ hơn giữa lệnh phong tỏa, tình trạng thất nghiệp và cảm giác vô dụng nói chung.

Vanessa Wong, bác sĩ tâm thần tại Hong Kong, cho biết cô tin tưởng vào biện pháp điều hòa thần kinh: thay đổi hoạt động của hệ thần kinh bằng cách sử dụng điện tích hoặc tác nhân hóa học để kích thích mô, chẳng hạn dây thần kinh phế vị (cơ quan điều chỉnh cảm giác của cơ thể). Phương pháp khác là kích thích từ xuyên sọ (TMS). Đây là hình thức sử dụng nam châm trên vùng da đầu để điều trị các rối loạn tâm thần nghiêm trọng không đáp ứng thuốc. Gần đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng cấp phép cho esketamine dạng uống, sử dụng cùng thuốc chống trầm cảm.

Bác sĩ Sigmund Freud, cha đẻ của thuyết phân tâm học.
Bác sĩ Sigmund Freud, cha đẻ của thuyết phân tâm học. (Ảnh: Research Gate).

Trong nhiều thập kỷ, Ketamine được dùng để gây mê an toàn và hiệu quả. Nghiên cứu lâm sàng cho thấy thuốc có tác dụng với bệnh nhân trầm cảm nặng, sang chấn tâm lý hoặc người từng có ý định tự sát. Các chuyên gia Mỹ đã ghi lại trường hợp một bệnh nhân chiến đấu với chứng trầm cảm nghiêm trọng, được đưa tới viện tâm thần sau khi tự tự không thành và phải điều trị bằng ketamine trong 5 ngày. Sau một tháng, chỉ số Hamilton (thang đo tiêu chuẩn trầm cảm) của người bệnh giảm từ 36/50 xuống còn 0/50. Hiệu quả kéo dài 5 tháng.

Tiến bộ lớn nhất nằm ở thái độ của công dân toàn cầu đối với bệnh trầm cảm. Tiến sĩ Mary Lam, chuyên gia tâm thần học tại Hong Kong, cho biết nhận thức của cộng đồng trong một thập kỷ qua đã thay đổi đáng kể. Người bệnh tìm kiếm sự hỗ trợ y tế sớm, kết quả điều trị cũng khả quan hơn rất nhiều.

Khi nhận thức tăng cao, sự kỳ thị sẽ giảm bớt. "Đặc biệt, đàn ông trẻ tuổi dường như thoải mái bày tỏ sự đau khổ và sẵn sàng nhận điều trị hơn nhiều. Đây là bước tiến vượt bậc, được hỗ trợ bởi các chiến dịch của người nổi tiếng, liên quan đến trải nghiệm của chính họ", tiến sĩ Mike Shooter nói.

Cập nhật: 20/10/2020 Theo VnExpress
  • 1.705