Chiến tranh hạt nhân, thảm họa đại dịch... được coi là những mối đe dọa tiềm ẩn đủ sức tiêu diệt nhân loại trong tương lai.
Xã hội loài người càng phát triển thì càng tạo ra nhiều phát minh giá trị. Không ít phát minh đã giúp cho chúng ta có những bước tiến vược bậc trong xã hội nhưng đi kèm với nó là những phát minh đặt thế giới vào tình thế hiểm nguy. Đó được coi là một bước ngoặt lớn nhưng cũng là mối đe dọa khổng lồ có thể xóa sổ nhân loại, đưa Trái đất về điểm xuất phát ban đầu.
Tính tới nay, chỉ có hai quả bom hạt nhân đã được sử dụng trong chiến tranh tại Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II. Cả hai quả bom này đã cho thế giới thấy sức công phá và hủy diệt khủng khiếp của chúng.
Nhưng không vì vậy mà các kho dự trữ hạt nhân giảm xuống, nhất là sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh số lượng đầu đạn hạt nhân tăng lên một cách chóng mặt.
Thảm họa hạt nhân sẽ giết chết hàng trăm triệu người ngay lập tức.
Đã có thời điểm nhân loại đứng rất gần với một cuộc chiến bằng hạt nhân. Điển hình như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Đó là vào tháng 9/1962, chính phủ Cuba và Liên Xô bắt đầu bí mật xây dựng các căn cứ trên đất Cuba để khai triển một số tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung có khả năng đánh trúng đa số các mục tiêu trên Hoa Kỳ lục địa.
Hành động này xảy ra sau sự kiện Hoa Kỳ triển khai tên lửa trên Vương quốc Anh có khả năng đánh trúng Matxcơva bằng đầu đạn hạt nhân.
Mùa đông hạt nhân sẽ giết chết tất cả các sinh vật sống trên Trái đất.
Giả sử tương lai xảy ra một cuộc xung đột giữa các nước lớn. Nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện giữa các cường quốc sẽ ngay lập tức nổ ra, đủ tiêu diệt hàng trăm triệu người. Nhưng điều đáng sợ còn nằm ở phía sau, đó là xuất hiện hiện tượng mùa đông hạt nhân.
“Mùa đông hạt nhân” là một giả thuyết mà các nhà khoa học Mỹ đưa ra vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sau chiến tranh hạt nhân, thời tiết và khí hậu Trái đất sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tức là đại chiến hạt nhân sẽ làm cho nhiệt độ bề mặt Trái đất giảm ở mức rất lớn.
Đại chiến hạt nhân sẽ làm cho nhiệt độ bề mặt Trái đất giảm ở mức rất lớn.
Các vụ nổ hạt nhân trong không trung sẽ làm cho một lượng lớn khói bụi "chu du" vào lớp khí quyển. Kết quả là, đại bộ phận bức xạ Mặt trời đi vào tầng khí quyển bị lớp khói bụi hạt nhân này hấp thu và lượng ánh sáng Mặt trời xuống được tới Trái đất giảm rõ rệt. Bầu trời bị bao chùm bởi khói và bụi trở nên u ám, cây cối vì vậy không thể sống được dẫn đến lượng oxi giảm đi nhanh chóng, sự sống cũng lụi tàn.
Bởi vậy, ngày nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại thì nỗi ám ảnh về Ngày Tận thế khiến Trái đất quay trở về thời tiền sử mấy trăm vạn năm trước sẽ luôn hiện diện.
Ít ai biết rằng, số lượng người chết ở các cuộc đại dịch tự nhiên nhiều hơn so với các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, tính về mặt sinh học, đại dịch tự nhiên không có khả năng là mối đe dọa bởi theo lý thuyết thông thường, trong một quần thể sẽ có một số người có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh. Những người này sẽ sống sót và truyền cho con cái họ khả năng thích nghi.
Sức đề kháng của con người đang giảm nhanh.
Tuy nhiên gần đây, việc con người lạm dụng thuốc kháng sinh đã dẫn đến những hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Việc lạm dụng kháng sinh đã dẫn tới sự gia tăng số lượng các vi khuẩn nhờn thuốc. Điều này sẽ khiến những căn bệnh thông thường nhất cũng trở nên nguy hiểm vì không có thuốc đặc trị hiệu quả.
Nhiều loại thuốc kháng sinh đang được kê đơn và sử dụng khi không cần đến. Điều này có nghĩa là thuốc kháng sinh đang mất dần tác dụng.
Nếu không hành động ngay nghĩa là chỉ ít lâu nữa, chúng ta còn rất ít phương cách để đối phó với các căn bệnh căn bản như cảm cúm, viêm họng, viêm đường tiết niệu.. chứ chưa kể tới các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Những vi khuẩn, virus ngày một mạnh hơn.
Tuy vậy, nguy cơ đáng sợ hơn chính là lượng vũ khí sinh học đang tồn tại ở nhiều nước lớn. Điều này xuất phát từ việc Mỹ và Nga cùng tiến hành cuộc chạy đua vũ trang vũ khí sinh học tự phòng vệ.
Các trung tâm sinh học này nghiên cứu ra các loại vũ khí là virus, vi khuẩn với khả năng giết nhiều người và lây lan đáng sợ. Và đương nhiên, chúng ta khó có thể biết điều gì sẽ xảy ra nếu những sinh vật này thoát ra khỏi phòng thí nghiệm.
Trí thông minh nhân tạo chính là thuật ngữ chỉ về cách cư xử, sự học hỏi và khả năng thích ứng thông minh của máy móc. Ngày nay, trí thông minh nhân tạo đã trở thành một môn khoa học, với mục đích chính là cung cấp lời giải cho các vấn đề của cuộc sống thực tế, lập trình các hệ thống máy móc.
Liệu rằng robot có trở nên thông minh hơn con người?
Nhiều người cho rằng, sự tồn tại của trí thông minh nhân tạo phụ thuộc vào quyết định của con người. Các nhà khoa học đã đề xuất giả thuyết điểm kì dị, tại đó trí tuệ nhân tạo vượt qua trí tuệ con người.
Khi ấy những chú robot sẽ tự biết tiếp thu ý thức, có cảm xúc và quan điểm. Tuy vậy lúc này, ta khó có thể biết robot sẽ trở thành những người giúp việc lương thiện hay là tai họa của loài người. Sẽ nguy hiểm hơn nếu như những robot siêu thông minh được những trang bị vũ khí chết người.
Điều trên nghe có vẻ phi lý và chuyện robot có khả năng suy nghĩ, tình cảm như con người chỉ nằm trong trí tưởng tượng. Nhưng mới đây một công nghệ tên CEBIT đã xuất hiện. Công nghệ này đã đưa trí tuệ nhân tạo tiến gần hơn đến sự độc lập, tư duy và có thể đối thoại với con người một cách sống động.
Dựa vào công nghệ này trong tương lai, trí thông minh nhân tạo còn có thể nói dối, bàn chuyện phiếm hay hình thành thói quen xấu như ăn cắp vặt... giống con người.
Các nhà khoa học cho rằng, khi tạo ra một trí tuệ nhân tạo cho robot - điều đầu tiên cần phải hướng tới đó là kiểm soát được chúng. Nếu không, thảm họa xảy ra với con người là điều khó tránh khỏi.
Công nghệ nano là công nghệ giúp con người có thể kiểm soát vấn đề với độ chính xác nguyên tử hoặc phân tử. Nó là một ngành rất tốt cho hầu hết các ứng dụng như công nghệ sinh học, năng lượng. Nhưng có một giả thuyết ghê rợn về ngành công nghệ này được đặt ra.
Đó là giả thuyết chất nhờn xám - Grey goo. Đây là một kịch bản Ngày Tận thế mang tên "ăn môi trường" - liên quan đến công nghệ nano phân tử. Theo đó, các robot nano sẽ tự tái tạo, tiêu thụ tất cả vật chất trên Trái đất để phát triển số lượng.
Các máy móc nano này có thể tác động tới mức phân tử chính vì thế chúng dễ dàng tự tái tạo, hấp thụ hay phân hủy mọi thứ. Giả thuyết chất nhờn xám được nhà khoa học tiên phong trong công nghệ nano là Eric Drexler đưa ra trong cuốn sách năm 1986. Trong đó, Drexler cho rằng những máy nano này có thể chiếm lĩnh Trái đất trong vòng chưa đầy hai ngày.
Bên cạnh những mối nguy hiểm có thể dự đoán trước, các chuyên gia cũng chỉ ra những hiểm họa khác mà chúng ta vẫn chưa thể liệu tính chính xác được. Điển hình nhất là thiên thạch bất ngờ "ghé thăm" Trái đất, sự biến đổi khí hậu nhanh chóng mặt hay sự xuất hiện của... người ngoài hành tinh.
Sự biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một phức tạp.
Sự biến đổi khí hậu của Trái đất đang diễn ra ngày một phức tạp và con người là một trong những nhân tố thúc đẩy sự "tăng tốc" đó. Hàm lượng ngày càng cao của CO2 và các loại khí nhà kính khác chính là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới khí hậu toàn cầu.
Nhiều thiên tai, bão lũ, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, phá hỏng các hệ thống canh tác truyền thống, gây mất an ninh lương thực ở nhiều nơi.
Thảm họa thiên thạch khó diễn ra vì xác suất va chạm giữa những thiên thể rất thấp.
Trên thực tế, thảm họa thiên thạch khó diễn ra vì xác suất va chạm giữa những thiên thể rất thấp. Tuy nhiên, nếu một thiên thạch có đường kính trên 2km "ghé thăm" Trái đất cũng có thể gây ra thảm họa toàn cầu.
Vụ va chạm sẽ tạo nên một hố lõm sâu hàng vạn dặm và hàng tấn bụi đất bay khắp khí quyển. Vụ va chạm này cũng gây ra động đất, sóng thần, hỏa hoạn, biến hầu hết các vùng đất trên Trái đất trở nên khô cằn và hầu như không có sự sống.
Chúng ta sẽ ra sao nếu người ngoài hành tinh ghé thăm Trái đất?
Mối nguy diệt vong vì người ngoài hành tinh cũng được ít người đánh giá cao. Nhưng nhà khoa học vĩ đại Stephen Hawking đã từng cảnh báo, người ngoài hành tinh có tồn tại nhưng đừng nên tìm cách liên lạc với họ.
Theo ông, nếu người ngoài hành tinh đến thăm chúng ta kết quả sẽ giống như Christopher Columbus đặt chân lên châu Mỹ và kết quả sau đó là cảnh thảm sát những thổ dân da đỏ vô tội.