Các nhà khoa học cho biết đây sẽ là một tiền đề quan trọng cho những nghiên cứu di truyền học của họ sau này.
Mới đây, các nhà khoa học đã tiến hành trích xuất và phân tích ADN từ những xác ướp hàng ngàn năm tuổi. Và điều bất ngờ là họ đã phát hiện ra rằng người Ai Cập cổ đại mang nhiều đặc điểm di truyền tương đồng với cư dân sinh sống tại vùng Trung Đông (một số nước như Israel, Lebanon và Syria) hơn người Ai Cập hiện đại.
Theo trang TheVerge, trong một thời gian dài, chúng ta vẫn cho rằng xác ướp không thể "bảo quản" được ADN. Năm 2010, một nhóm nghiên cứu đã phân tích ADN từ 16 xác ướp hoàng gia, tuy nhiên phương pháp mà họ sử dụng chưa đủ hiện đại để có thể so sánh ADN giữa xác ướp cổ đại và ADN của con người hiện nay.
Người Ai Cập cổ đại mang nhiều đặc điểm di truyền tương đồng với cư dân sinh sống tại vùng Trung Đông.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications gần đây, các nhà khoa học cho biết họ đã sử dụng một phương pháp xác định trình tự ADN hoàn toàn mới và chính xác hơn để phân tích dữ liệu về bộ gene từ một số xác ướp thuộc nhiều thời kỳ khác nhau của lịch sử Ai Cập cổ đại.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích tổng cộng 151 xác ướp tại một địa điểm cách thủ đô Cairo khoảng 100km về phía Nam. Những xác ướp này được khai quật vào đầu thế kỷ 20. Các nhà khoa học đã không thể tìm thấy bất cứ vật liệu di truyền nào trong phần mô mềm. Tuy nhiên, rất may mắn là họ đã phát hiện ra một số vật liệu còn sót lại trong xương và răng của xác ướp.
Có tới 90 trong số những xác ướp này chứa ADN không hoàn thiện và chỉ có duy nhất 3 bộ gene là còn nguyên vẹn. Đó cũng chính là những xác ướp mà các nhà khoa học dành nhiều thời gian nghiên cứu và phân tích nhất.
Nhóm nghiên cứu sau đó đã so sánh ADN của xác ướp cổ đại với ADN của người hiện đại sinh sống tại cùng một khu vực. Kết quả cho thấy, ở cấp độ di truyền, người Ai Cập cổ đại không mấy khác biệt so với những người hiện đại sống ở vùng Trung Đông. Trên thực tế, họ có nhiều điểm chung với những người ở Trung Đông hơn cả người Ai Cập ngày nay.
Dấu X: Nơi nghiên cứu xác ướp cổ đại, Chấm tròn vàng: Nơi sinh sống của người Ai Cập hiện đại.
Họ cho biết xác ướp cổ đại không có bất kỳ ADN nào từ châu Phi cận Sahara trong khi khoảng 20% người Ai Cập ngày nay có kiểu gene này. Tác giả chính của nghiên cứu, ông Johannes Krause giải thích rằng sự khác biệt này có thể là do sự phát triển của đạo Hồi hoặc do sự tăng cường giao thương giữa các nước châu Phi trong bối cảnh hiện nay.
Những phát hiện mới của nhóm nghiên cứu đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Họ cũng hy vọng rằng điều này sẽ mở đường cho nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn trong lĩnh vực di truyền của xác ướp cổ đại trong tương lai.