Các bộ phim về xác ướp thường có hai đặc điểm nổi bật, đó là kho báu lớn đến khó tin và lời nguyền hiểm ác khiến cho tất cả những kẻ săn tìm kho báu có kết cục bi thảm. Nhưng Hollywood không hề bịa đặt ra khái niệm “lời nguyền của xác ướp”.
“Lời nguyền của xác ướp” lần đầu tiên được đón nhận trên toàn thế giới sau khi người ta khám phá ra lăng mộ của vua Tutankhamun vào năm 1922 tại Thung lũng các vị vua gần Luxor, Ai Cập.
Khi Howar Carter mở một cái hang nhỏ làm hé ra ngôi mộ bên trong cạnh kho báu bị chôn giấu suốt 3000 năm, ông cũng đồng thời làm dấy lên niềm đam mê toàn cầu đối với Ai Cập cổ đại.
Các hàng tít lớn về kho báu lấp lánh của vua Tut xuất hiện cùng với các đề mục về cái chết gây chấn động mạnh sau đó của Lord Carnarvon - nhà tài trợ cho cuộc thám hiểm.
Thực tế, Carnarvon tử vong do nhiễm độc máu và chỉ có 6 trong số 26 người đi vào lăng mộ đã chết trong vòng một thập kỷ. Carter, chắc chắn không phải là mục tiêu của lời nguyền, nên đã sống đến năm 1939.
Trong khi lời nguyền của pha-ra-ông có thể còn thiếu cơ sở, nhưng nó không hề mất đi khả năng lôi cuốn mọi người, nhất là về nguồn gốc xuất hiện lần đầu tiên của nó.
Chuyên gia nghiên cứu Ai Cập Dominic Montserrat đã thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện và kết luận rằng khái niệm khởi đầu với một điệu múa thoát y kì lạ tại London vào thế kỷ 19.
Trả lời phỏng vấn tờ Independent (Anh Quốc) một vài năm trước khi mất, Montserrat cho biết: “Nghiên cứu của tôi chỉ ra khá rõ ràng, rằng khái niệm lời nguyền của xác ướp xảy ra trước thời gian Carnarvon khám phá ra lăng mộ của vua Tutankhamen cũng như cái chết của ông khoảng 100 năm”.
Xác ướp vua Tutankhamun đã truyền bá khái niệm về lời nguyền của pharaoh. Nhưng nguồn gốc của truyền thuyết mới được truy ra là bắt nguồn từ một vở kịch tại London cách thời điểm lăng mộ của ông vua trẻ bị khai quật năm 1922 là 100 năm. (Ảnh: Kenneth Garrett).
Montserrat tin rằng một màn biểu diễn sống động trên sân khấu trong đó các xác ướp Ai Cập được tháo dỡ đã khơi nguồn cảm hứng cho một nhà văn đầu tiên, sau đó là vài người khác để viết lên các câu truyện về sự trả thù của xác ướp.
Chủ đề cũng được đưa vào tác phẩm “Little Women” của tác giả Louisa May Alcott trong cuốn sách ít được biết đến của bà có tên “Lost in a Pyramid; or, The Mummy's Curse”.
Montserrat nhấn mạnh: “Nghiên cứu của tôi không những khẳng định rằng không hề có nguồn gốc Ai Câp cổ đại về lời nguyền của xác ướp, mà quan trọng hơn nó cũng tiết lộ rằng truyền thuyết không bắt nguồn từ bài báo năm 1923 về việc khám phá ra lăng mộ của vua Tutankhamen”.
Nhưng Salima Ikram – chuyên gia nghiên cứu Ai Cập thuộc đại học Hoa Kỳ tại Cairo đồng thời là người được Hội địa lý quốc gia trợ cấp – lại tin rằng khái niệm lời nguyền có tồn tại từ thời Ai Cập cổ đại với vai trò là một thành phần trong hệ thống an ninh cổ xưa.
Bà cho biết một số thành nhà mồ (các ngôi mộ không có hình kim tự tháp thời kỳ đầu) tại Giza và Saqqara thực ra được khắc lời nguyền với ý làm khiếp sợ những kẻ xâm phạm hay trộm cắp nơi yên nghỉ của hoàng gia.
Ikram cho biết: “Họ thường đe dọa những kẻ mạo phạm chốn thiêng liêng bằng các hình phạt của thần thánh. Hay là cái chết bi kịch do cá sấu, sư tử, bọ cạp và rắn rết gây ra”.
Trong những năm gần đây, một số người cho rằng lời nguyền của pha-ra-ông có cơ sở sinh học tự nhiên.
Liệu các lăng mộ bị đánh cắp có chứa mầm bệnh nguy hiểm hay thậm chí gây ra cái chết đối với những người mở quan tài bị chôn giấu hàng ngàn năm, đặc biệt là với những người có hệ miễn dịch không tốt như Lord Carnarvon hay không?
Lăng mộ không chỉ chứa thi thể người và động vật đã chết mà còn cả thức ăn cung cấp cho người chết sau khi đã sang thế giới bên kia.
Quan tài của vua Tutankhamun. Cái được gọi là “lời nguyền của xác ướp” lan truyền rộng rãi trong dân chúng vào khoảng năm 1922 sau khi người đàn ông tài trợ cuộc thám hiểm lăng mộ pha-ra-ông Tutankhamun của Ai Cập đột tử 6 tuần sau khi hầm mộ được mở ra. (Ảnh: Kenneth Garrett).
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh một số xác ướp cổ đại có mang mốc trên thi thể, bao gồm loại Aspergillus niger và Aspergillus flavus. Chúng có thể gây ra xung huyết hoặc chảy máu trong phổi. Các loại vi khuẩn tấn công phổi như Pseudomonas hay Staphylococcus cũng phát triển trên thành lăng mộ.
Các yếu tố nói trên có thể khiến lăng mộ trở nên nguy hiểm, nhưng các nhà khoa học lại không đồng ý với quan điểm đó.
F. DeWolfe Miller – giáo sư dịch tễ học thuộc đại học Hawaii tại Manoa – đồng tình với quan điểm ban đầu của Howard Carter rằng: Dựa vào các điều kiện tại địa phương, Lord Carnarvon có lẽ ở bên trong lăng mộ của vua Tut còn an toàn hơn là ở bên ngoài.
Miller cho biết: “Ai Cập vào khoảng những năm 1920 không thể được coi là có vệ sinh. Ý kiến cho rằng lăng mộ trong lòng đất sau 3000 năm tĩnh lặng mang một số dạng vi sinh vật lạ thường có thể giết chết ai đó chỉ sau 6 tuần rồi khiến nhiễm độc máu trở thành nguyên nhân chính xác thật khó mà tin được”.
Thực tế ông không hề biết một nhà khảo cổ học nào, hay một du khách lại gặp phải hoạn nạn do độc tố trong lăng mộ gây ra.
Nhưng giống như các xác ướp thực thi bản án trả thù trên phim, truyền thuyết về lời nguyền của xác ướp dường như đã được định sẵn là tồn tại mãi mãi.