10 loài sinh vật mới phát hiện độc đáo nhất năm 2010

Ngày 24-5, các nhà khoa học Mỹ vừa đưa ra danh sách 10 loài sinh vật độc đáo nhất, trong số hàng nghìn loài mới được phát hiện. Trong số này, nhiều loài sở hữu vẻ ngoài khác thường hoặc có những khả năng độc nhất vô nhị.

Theo các nhà khoa học, số sinh vật được phát hiện kể từ năm 1758 đến nay chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng số sinh vật trên Trái đất, và vẫn còn khoảng 10 triệu loài nữa vẫn chưa được khám phá.

Dưới đây là danh sách 10 loài sinh vật do các nhà khoa học Mỹ bình chọn:

Nhện giăng lưới khổng lồ

Được đặt tên theo nhà khoa học lừng danh Charles Darwin, loài nhện mới được phát hiện tại đảo Madagascar này giăng những lưới nhện khổng lồ. Các nhà khoa học đã ghi nhận một lưới nhện có bề ngang 24,6m bắc ngang qua một con sông. Với tên chính thức là Caerostris darwini, loài nhện này tạo ra những tơ nhện bền nhất thế giới - chắc chắn gấp đôi tơ nhện thường và gấp 10 lần nhựa Kevlar.

Nấm phát sáng trong bóng tối

Loại nấm sinh sôi tại Brazil có khả năng phát ra ánh sáng xanh kỳ lạ trong bóng tối. Các nhà khoa học đặt tên cho nó là luxaeterna, nghĩa là “ánh sáng vĩnh cửu”, lấy cảm hứng từ một tác phẩm Requiem của Mozart. Loại nấm đặc biệt này sinh sống trên các cành cây mục, phân bố tại khu vực rừng ven Đại Tây Dương của Brazil - một trong những vùng sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng nhất thế giới.

Vi khuẩn ăn mòn kim loại

Loại vi khuẩn này được chú ý đặc biệt vì nó được phát hiện trên xác tàu Titanic. Được đặt tên Halomonas titanicae, những vi khuẩn này bám dính trên xác tàu yểu mệnh và ăn mòn nó từ từ. Các nhà khoa học tin rằng có thể sử dụng chúng để tiêu hủy các xác tàu và giàn khoan bị chìm dưới đáy biển.

Bò sát khổng lồ

Điều đáng ngạc nhiên là loài thằn lằn dài đến 2m này được tìm thấy trên đảo Luzon (Philippines), một khu vực đông dân cư nơi rừng đã bị tàn phá gần hết. To lớn nhưng hiền lành, sống bằng trái cây, thằn lằn Varanus bitatawa được xem là sinh vật cần được bảo vệ hàng đầu của Philippines.

Dế thụ phấn cho hoa

Đây là loài đầu tiên trong bộ Orthoptera (bao gồm dế, cào cào và châu chấu) thường xuyên tham gia thụ phấn cho hoa. Trên thực tế đây là “vị cứu tinh” cho loài hoa lan đang bị đe dọa tuyệt chủng Angraecum cadetii, bởi chúng là những sinh vật duy nhất thụ phấn cho loài hoa lan này. Các nhà khoa học khẳng định nếu không có chúng thì Angraecum cadetii chắc chắn sẽ tuyệt chủng.

Linh dương nhỏ

Được tìm thấy trong một chợ buôn động vật hoang dã ở Tây Phi, rất có thể loài linh dương nhỏ bé chưa từng được khám phá này đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Đỉa “khủng long bạo chúa”

Lấy cảm hứng từ khủng long bạo chúa Tyrannosaurus, các nhà khoa học gọi loài đỉa này là Tyrannobdella rex (đỉa bạo chúa) bởi vẻ ngoài hung dữ của nó. Được tìm thấy trong mũi của một người đàn ông tại Peru, chúng chỉ dài 2cm nhưng có một chiếc hàm khổng lồ so với kích thước, với đầy những chiếc răng sắc nhọn.

Nấm nước ngọt

Loại nấm được tìm thấy tại bang Oregon (Mỹ) có thể sống dưới nước ngọt trong 11 tuần.

Gián biết nhảy như châu chấu

Loài gián sống ở Nam Phi này đã phát triển đôi chân với khả năng nhảy ngang ngửa với cào cào. Các nhà khoa học cho rằng đây là hậu duệ của một loài gián sống từ thời khủng long.

Cá “bánh kếp”

Loài cá này dẹp như một chiếc bánh kếp. Các nhà khoa học mô tả hình ảnh di chuyển của chúng trên mặt nước giống như một con dơi đi trên cạn với 2 vi cá như cánh dơi xòe ra hai bên. Đặc biệt hơn chúng sinh sống tại vịnh Mexico, nơi vừa xảy ra thảm họa tràn dầu BP năm ngoái.

Theo TTO
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video