11 lần người hiện đại quấy rầy bộ tộc trên đảo Sentinel và đây là những gì đã xảy ra!

Người hiện đại đã từng không ít lần đặt chân lên hòn đảo. Và thường thì câu chuyện cũng không mấy vui vẻ cho cả 2 bên.

Chắc bạn vẫn còn nhớ về trường hợp du khách người Mỹ xấu số tên John Allen Chau gần đây chứ? Chau đã xâm nhập bất hợp pháp lên hòn đảo Bắc Sentinel của Ấn Độ. Khổ nỗi, đây cũng là nơi cư ngụ của một bộ tộc "giết người lạ" nổi tiếng, và Chau đã trở thành nạn nhân mới nhất.


Nạn nhân John Allen Chau.

Được biết, người bản địa gọi bộ tộc này là Sentinel, là một nhánh của tộc người Andaman. Sentinel là một trong những bộ tộc bí ẩn nhất thế giới, bởi thái độ thù địch và cắt đứt mọi liên hệ với thế giới bên ngoài. Họ sẽ chào đón các vị khách từ xã hội hiện đại bằng những mũi tên, và sẵn sàng sát hại bất kỳ ai đặt chân lên hòn đảo.

Tuy nhiên, vụ tai nạn của Chau không phải là trường hợp đầu tiên người hiện đại liên lạc với tộc Sentinel. Tính từ thế kỷ 19, đã có ít nhất 11 trường hợp được ghi nhận, và những gì đã xảy ra đều không mấy vui vẻ cho cả 2 bên.

1. Tàu buôn Ấn Độ dạt vào bờ năm 1867


Đảo Bắc Sentinel nhìn từ trên cao.

Mùa hè năm 1867, con tàu buôn từ Ấn Độ mang tên Nineveh gặp nạn, phải dạt vào khu vực rạn san hô gần đảo Bắc Sentinel. Tổng cộng 86 hành khách và 20 thủy thủ đã bơi vào bờ an toàn.

Nhưng họ chỉ an toàn được 2 ngày đầu. Theo lời kể của các nạn nhân thì đến ngày thứ 3, tộc Sentinel đã xuất hiện và tấn công tất cả mọi người.

"Họ chẳng mặc gì, tóc cắt ngắn, mũi bôi màu đỏ, và tất cả há miệng phát ra âm thanh nghe rất lạ. Các mũi tên của họ đều được bọc sắt" - trích lời thuyền trưởng tàu Nineveh.

Đội thủy thủ chống trả lại thổ dân bằng gậy và gạch đá. Không rõ thương vong là bao nhiêu, chỉ biết rằng nhóm người này đã được cứu thoát nhờ Hải quân Hoàng gia Anh.

2. Vụ bắt cóc 6 thổ dân vào năm 1880

Việc liên hệ với người ngoài chẳng có ích gì ngoài việc làm hại họ, Portman chia sẻ với Hội Địa lý Hoàng gia London.

Cuối thế kỷ 19, sĩ quan hải quân Anh là Maurice Vidal Portman - người giám sát quần đảo Nicobar đã quyết định thực hiện một số tìm hiểu về tộc Andaman. Năm 1880, ông và đội của mình đã tiến đến đảo Bắc Sentinel, ghé vào một vài ngôi làng bị bỏ hoang, và tìm thấy 4 đứa trẻ cùng 1 cặp vợ chồng già.

Portman đưa cả 6 người về Port Blair (Ấn Độ). Nhưng rất sớm thôi, ông nhận ra sai lầm của mình. 2 bô lão Sentinel nhanh chóng qua đời vì bệnh tật, do hệ miễn dịch của họ đã không được cải thiện qua nhiều thế hệ. Còn 4 đứa trẻ, chúng được trả về đảo cùng một vài món quà - ít nhất là theo ghi nhận từ lịch trình của Portman.

Sau này, Portman phải thừa nhận rằng ông đã rất hối hận vì đến làm phiền cư dân hòn đảo này.

"Việc liên hệ với người ngoài chẳng có ích gì ngoài việc làm hại họ, và đây là điều tôi hối hận nhất, vì những gì mình làm có thể khiến họ tuyệt chủng" - Portman chia sẻ với Hội Địa lý Hoàng gia London.

3. Tù nhân trốn lên đảo và đó là một bi kịch

Năm 1896, một tù nhân Hồi giáo đã vượt ngục trên đảo Adaman bằng một chiếc bè, nhưng rốt cục lại trôi đúng vào đảo Bắc Sentinel. Đội tìm kiếm đã tìm ra xác của hắn vài này sau với"cơ thể có một vài vết đâm và một vết dao cứa ngang cổ" - trích trong American Scholar.

4. Chính phủ Ấn Độ khảo sát hòn đảo từ năm 1967


Bộ lạc trên đảo Sentinel.

Cuối thập niên 1960, nhà nhân chủng học Triloknath Pandit đã bắt đầu thực hiện một vài chuyến khảo sát trên hòn đảo này.

Với đội nghiên cứu gồm hơn 12 người, Pandit khảo sát đảo trong hơn 4 thập kỷ kế tiếp. Trong chuyến thăm đầu tiên vào năm 1967, ông đã thử tặng họ một vài món quà với sự trợ giúp của cảnh sát địa phương.

"Họ nhìn chúng tôi hết sức cẩn trọng, và cũng chẳng vui vẻ gì vì tay ai cũng lăm le cung tên" - Pandit chia sẻ.

Pandit đã không tiếp xúc trực tiếp với người Sentinel lần đó, nhưng ông đã thử trong những lần kế tiếp, và thậm chí đã thành công một lần vào năm 1991.

Hiện tại, không rõ đã có bao nhiêu người thử tìm hiểu về hòn đảo theo cách tương tự, nhưng kể từ năm 1992 thì cũng có rất nhiều nhà nhân chủng học tò mò và ghé đến đây.

5. Năm 1970: Ấn Độ tuyên bố chủ quyền hòn đảo


Đảo Sentinel chính thức thuộc chủ quyền của Ấn Độ từ năm 1970.

Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, nhưng ở thời điểm này đảo Sentinel vẫn vô chủ, giống như một quốc gia độc lập vậy.

Mọi chuyện chỉ thay đổi vào năm 1970, khi chính phủ Ấn Độ lên đảo và đặt một bia đá tuyên bố chủ quyền đảo dành cho người Ấn. Kể từ đó, đảo Sentinel chính thức thuộc chủ quyền của Ấn Độ.

6. Đội thám hiểm từ National Geographic năm 1974

Năm 1974, đội quay phim của National Geographic gồm vài nhà nhân chủng học và cảnh sát đã tiến tới đảo Bắc Sentinel. Họ muốn làm một bộ phim tài liệu về người Andaman.

Nhưng nào có dễ dàng thế? Khi con thuyền chớm tiếp cận đảo, người Sentinel đã chào đón họ bằng một trận mưa tên. Không bỏ cuộc và để tỏ rõ thiện chí, một viên cảnh sát đã mặc giáp lên bờ, để lại một vài món quà rồi về thuyền.

Kết quả, cung tên bắn ra nhiều hơn, và một trong số đó đã trúng đùi vị giám đốc đoàn làm phim.

7. Chuyến ghé thăm của vị vua lưu vong (1975)

Vua Leopold III của Bỉ - người sau này bị đất nước trục xuất - đã từng một lần đi thuyền ngang qua Bắc Sentinel. Dù không đặt chân lên đảo, nhưng một chiến binh Sentinel đã hướng cung tên vào phía nhà vua và buông dây. May mắn là mũi tên không trúng.

8. Năm 1981, tàu hàng dạt bờ


Vụ tai nạn tàu chở hàng năm 1981, các thủy thủ may mắn không bị người trên đảo này tấn công.

Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trên hòn đảo là vụ tai nạn tàu chở hàng năm 1981. Khi ấy, con tàu Primrose chở thức ăn cho chim đã bị đắm, đẩy 28 thủy thủ lên đảo trong vòng 2 tuần.

Các nạn nhân đã được giải cứu nhờ máy bay trực thăng. Họ cũng may mắn không bị tấn công, nhưng đổi lại thì con tàu đã bị người Sentinel nhảy vào... hôi của. Các chuyến thực địa sau này đã ghi nhận người Sentinel sử dụng công cụ kim loại lấy từ xác tàu.

9. 1991: cấp phép đến thu hồi các vật dụng từ xác tàu Primrose

Công ty tàu biển Mohamed Brothers đã được chính phủ cấp phép cho tiếp cận hòn đảo, nhằm thu hồi lại một số mảnh xác tàu vào năm 1991.

Đội tàu tiếp cận đảo vài tháng 1 lần, với sự hộ tống của cảnh sát. Thi thoảng, họ có đụng phải thổ dân, nhưng không có thương vong xảy ra. Thậm chí có lần họ còn nhặt được một cây cung của người Sentinel đang trôi dưới nước và mang về trưng bày nữa.

10. Thảm họa sóng thần năm 2004: Đội tuần tra Ấn Độ dùng trực thăng kiểm tra hòn đảo


Một thanh niên Sentinel giương cung, bắn thẳng về hướng máy bay trực thăng.

Thảm họa kép động đất và sóng thần trên Ấn Độ Dương vào năm 2004 có ảnh hưởng đến đảo Bắc Sentinel. Chính phủ Ấn Độ vì thế đã muốn biết tình hình của họ sau thảm họa ra sao, bèn phái một chiếc trực thăng bay đến.

May mắn thay, mọi thứ đều còn nguyên vẹn, bộ tộc gần như chẳng bị ảnh hưởng gì. Đáp lại sự quan tâm của chính phủ Ấn, một thanh niên Sentinel giương cung, bắn thẳng về hướng máy bay trực thăng (tất nhiên là không trúng).

11. 2006: 2 ngư dân thiệt mạng vì đi... bắt cua trái phép


2 ngư dân xấu số bị người Sentinel sát hại vào năm 2006 sau khi ghé hòn đảo để bắt cua.

Sunder Raj và Pandit Tiwari là tên của 2 ngư dân xấu số bị người Sentinel sát hại vào năm 2006. 2 người này đã ghé đến hòn đảo để bắt cua biển. Và trong lúc đang ngủ, các thổ dân đã ra tay

Các thổ dân sau đó chôn thi thể của cả 2, và bất chấp nỗ lực của đội tuần tra duyên hải Ấn Độ, họ chỉ thu về được 1 cái xác thôi.

Cập nhật: 28/11/2018 Theo helino
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video