Thời Tam Quốc phân tranh, đã chứng kiến sự xuất hiện của các anh hùng cái thế, những vị quân sư lỗi lạc và những mưu kế làm thay đổi cả bánh xe lịch sử. Sau đây là những mưu kế nổi bật nhất được đời đời truyền tụng, như những giai thoại có một không hai trong sử sách.
Bàng Thống hiến Liên hoàn kế cho Tào Tháo
Tào Tháo diệt Viên Thiệu, phá Kinh Châu, mang 80 vạn quân theo Trường Giang tiến về phía đông. Đại quân dừng lại ở Hán Giang, Tào Tháo trỏ roi về Giang Đông, có ý muốn thống nhất thiên hạ. Tuy nhiên, Tướng sĩ quân Tào đều là người phương bắc, không quen thủy thổ. Khi tập luyện trên sông, quân sĩ bị sóng gió làm cho nôn mửa, hoa mắt chóng mặt. Bàng Thống vốn là một mưu sĩ ở đất Giang Đông đến gặp Tào Tháo, hiến kế:
"Nếu dùng dây thép buộc chặt thuyền lớn thuyền nhỏ vào với nhau, cứ 30 hoặc 50 thuyền làm một, ở trên, trải ván gỗ, thứ nhất tướng sĩ có thể đi trên thuyền như trên đất bằng, chiến mã cũng có thể đi lại, thứ hai là liên hoàn lại, thể tích của chiến thuyền rất lớn, có thể giảm được cái khổ vì tròng trành, sóng gió trên sông không còn đáng sợ nữa".
Bàng Thống hiến kế buộc thuyền cho Tào Tháo, khiến Tháo mừng rỡ vì giải được mối lo lớn nhất.
Tào Tháo liền nghe theo. Bàng Thống lại nói dối rằng phải về Giang Đông khuyên Chu Du của Đông Ngô đầu hàng. Tháo cũng gật đầu ưng thuận không chút nghi ngờ.
Tào Tháo đương nhiên không biết ở Đông Ngô, đại đô đốc Chu Du đã sớm đã có một kế hoạch tỉ mỉ. Chu Du nhờ Bàng Thống bầy kế liên hoàn thuyền, khiến cho các chiến thuyền của Tào Tháo khóa chặt vào với nhau, để tiện đánh hỏa công. Chu Du còn kết hợp với lão tướng Hoàng Cái sử dụng khổ nhục kế. Hoàng Cái bị đánh đến toạc da rách thịt, sau đó gửi cho Tào Tháo một bức mật thư xin làm nội ứng để giết Chu Du.
Sau đó, vào đúng giờ ước hẹn, Hoàng Cái dẫn 20 hoả thuyền chất đầy lau sậy, củi khô, phủ lên trên những chất dẫn lửa như lưu hoàng, hỏa tiêu nhất loạt tiến về phía trại Tào. Khi chiến thuyền của Đông Ngô còn cách căn cứ thủy quân của Tào Tháo khoảng 2, 3 dặm, Hoàng Cái khoát tay, các thuyền nhất tề đốt lửa. Lửa gặp gió mạnh, gió thổi, lửa cháy, thuyền như tên bắn, trong khoảnh khắc, lửa cháy ngút trời.
Hoàng Cái trá hàng, phóng lửa ngay sau khi Khổng Minh cầu được gió Đông Nam, hoả thiêu quân Tào.
20 chiến thuyền xông vào thủy trại, các chiến thuyền liên hoàn gặp nạn, đua nhau bốc lửa, không cách nào thoát ra. Ngay lập tức, trên sông một trận pháo nổ, hỏa thuyền của quân Đông Ngô từ bốn phía xông tới. Trên cửa Tam Giang của Xích Bích, lửa cháy ngùn ngụt, đỏ rực bầu trời. Đại quân Đông Ngô hô hét vang trời, tên bắn như mưa. Quân Tào đại bại.
Gia Cát Lượng và Bàng Thống đều là mưu sĩ hàng đầu thời Tam Quốc, được mệnh danh là nhất "Long", nhất "Phượng". Đại ẩn sĩ Tư Mã Huy từng nói rằng: "Nếu có được một trong hai người: Ngọa Long (tức Khổng Minh) hoặc Phượng Sồ (tức Bàng Thống) thì có thể định được thiên hạ". Trong trận Xích Bích này, Chu Du của Đông Ngô đã được sự phò trợ hết mình của cặp đôi Long – Phượng này, vì vậy mà mới có thể đại phá 83 vạn quân Tào chỉ trong một đêm, đó chẳng khác nào truyện cổ tích vậy!
Lão tướng Hoàng Trung bày kế đoạt Thiên Đăng sơn
Hoàng Trung (145 – 220) là một lão tướng nổi tiếng thời Tam Quốc. Ông bắt đầu theo Lưu Bị khi Lưu Bị đem quân đến lấy Kinh Châu. Lão tướng Hoàng Trung và Quan Vũ từng giao chiến với nhau, tài nghệ của hai người ngang nhau, đánh không phân thắng bại. Ông cũng là một trong "Ngũ hổ tướng" của Thục Hán.
2 lão tướng đang thể hiện tài nghệ trước mặt Quân sư Khổng Minh và Chúa công Lưu Bị.
Hồi thứ 70 trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa", tướng Ngụy là Trương Cáp sau khi thất bại trước Trương Phi ở Ngõa Khẩu Ải được Tào Hồng cấp 5.000 quân đến đánh cửa Hà Manh. Tin báo về Thành Đô, Gia Cát Lượng dùng kế khích lão tướng Hoàng Trung. Hoàng Trung xin cùng lão tướng khác là Nghiêm Nhan ra trận. Lưu Bị đồng ý, các tướng ai nấy đều cười khẩy.
Hoàng Trung muốn chiếm núi Thiên Đăng là nơi cất giữ lương thảo của quân Tào nên nghĩ ra một kế. Hoàng Trung giả vờ thua quân Tào mấy trận liền, rút về cửa ải. Huyền Đức lo lắng, hỏi Khổng Minh. Khổng Minh bảo là mẹo của Hoàng Trung để quân địch sinh kiêu. Các tướng không tin. Lưu Bị sai Lưu Phong ra tiếp ứng.
Đến canh 2, Hoàng Trung dẫn 5.000 quân từ cửa ải kéo xuống. Quân Tào không phòng bị nên thua lớn, chết không biết bao nhiêu mà kể. Hoàng Trung đuổi đến sáng, cướp lại được nhiều trại sau đó lại thúc quân đuổi theo. Quân Tào rút về núi Thiên Đăng. Sau đó quân Tào trở lại phản công nhưng thất bại. Hàn Hạo, Hạ Hầu Đức bị giết. Quân Tào bỏ núi Thiên Đăng chạy về núi Định Quân.
Hoàng Trung dùng kế giết Hạ Hầu Đức lấy được núi Thiên Đăng, lập công lớn.
Người ta gọi đây là "lùi một bước tiến ba bước". Lão tướng Hoàng Trung liên tục giả thua, mất rất nhiều trại, phải bỏ chạy về đến cửa ải, làm cho địch có tâm lý kiêu ngạo. Quân Tào thấy mình thật giỏi, còn Hoàng Trung vừa già yếu lại vừa kém cỏi, từ đó mất cảnh giác, không đề phòng. Đây là điểm then chốt trong nghệ thuật dùng binh, Hoàng Trung tiến quân bất ngờ và thần tốc liên tục cho đến tận núi Thiên Đăng.
Quân Tào khinh địch, nghĩ quân Hoàng Trung đuổi đánh đã mệt nên ồ xuống núi đánh, nào ngờ bị đánh cho không còn manh giáp, đại tướng cũng tử trận. Nghiêm Nhan lại tập kích phóng lửa đốt trại, quân Tào mất hẳn Thiên Đăng sơn. Quả thật là "gừng càng già càng cay" vậy.
Năm Kiến An thứ hai mươi ba (218), tháng bảy, ngày tốt Huyền Đức dẫn đại quân ra cửa Hà Manh hạ trại, vời Hoàng Trung, Nghiêm Nhan về trại thưởng cho rất hậu và bảo rằng: "Người ta ai cũng bảo tướng quân già yếu, chỉ có quân sư biết tài năng tướng quân, nay quả nhiên lập được công lạ".
Khổng Minh giả ma giả quỷ gặt hết lúa trước mặt Tư Mã Ý
Năm Kiến Hưng thứ 9, mùa xuân tháng hai, Khổng Minh lại dẫn 10 vạn đại quân ra đánh Ngụy. Bấy giờ là năm Ngụy Thái Hòa thứ năm. Ngụy chủ Tào Tuấn nghe tin liền cho Tư Mã Ý đi phá địch.
Tư Mã Ý phụng lệnh, đem quân đi chống Thục quân.
Tư Mã Ý bảo Trương Cáp rằng: "Nay Khổng Minh rầm rộ kéo quân đi tất phải gặt lúa ở Lũng Tây, để làm lương thực. Ngươi nên dựng trại giữ Kỳ Sơn, ta với Quách Hoài tuần phòng các quận Thiên Thủy phòng quân giặc đến gặt lúa". Trương Cáp vâng lời, dẫn 4 vạn quân giữ Kỳ Sơn. Còn Tư Mã Ý kéo đại quân ra Lũng Tây.
Khổng Minh đem quân đến Kỳ Sơn, sắp xếp quân đội đâu đấy, thấy ở bên sông Vị có quân Ngụy canh giữ, bèn bảo các tướng rằng: "Tư Mã Ý đã giữ ở đây rồi. Hiện nay, trong trại ta thiếu lương, hai ba lần sai người giục Lý Nghiêm vận đến mà không thấy. Ta đoán lúa ở Lũng Thượng đã chín, nên bí mật dẫn quân để gặt về".
Bèn sai Vương Bình, Trương Ngực, Ngô Ban, Ngô Ý bốn tướng ở lại giữ Kỳ Sơn. Khổng Minh dẫn Ngụy Diên, Khương Duy và các tướng đến Lỗ Thành, tất cả hơn 3 vạn. Quan thái thú quận này vốn biết tiếng Khổng Minh, vội vàng mở cửa ra hàng. Đúng lúc này thám quân về báo, Tư Mã Ý đã dẫn 10 vạn đại quân tới Lũng Thượng.
Khổng Minh bèn lấy bản đồ khu vực này ra xem, rồi hỏi Thái Thú về một vị trí có tên là "Bãi cây ma", thì được biết, chỗ đó chẳng hề có ma, nhưng mà khí vẩn u uất, tiếng gió rít nghe rất rợn người, nghe như ma như quỷ. Thấy vậy Khổng Minh bèn cười nói: "Trời cho ta thành công đây".
Sau khi nghe Thái Thú miêu tả về địa hình có chỗ bất thường, Khổng Minh cười vì đã nghĩ ra được diệu kế lừa Trọng Đạt.
Lập tức tắm gội, thay áo rồi sai đem ra ba cỗ xe bốn bánh, trang sức giống y như nhau, xe này chế sẵn ở Thục mang đi. Khi ấy Khổng Minh sai Khương Duy dẫn một nghìn quân hộ xe, năm trăm quân đánh trống, phục sẵn mé sau Thượng Nhai. Sai Mã Đại, Ngụy Diên, mỗi người dẫn một nghìn quân hộ xe, năm trăm quân đánh trống, phục sẵn hai mặt tả hữu. Mỗi mặt có một cái xe, dùng 24 người, mặc áo thâm, đi chân không, xõa tóc, chống gươm, tay cầm cờ phướng thất tinh đen, xúm quanh đẩy xe. Ba tướng nhận lệnh, dẫn quân đẩy xe đi.
Khổng Minh sai ba vạn quân mang sẵn liềm hái, thừng chạc, chực rình gặt lúa, lại sai 24 tên lính tráng, đều mặc áo thâm, xõa tóc đi chân không, cầm gươm đẩy một cỗ xe bốn bánh, sai Quan Hưng ăn mặc đóng vai thiên bồng, tay cầm ngọn phướng thâm, vẽ thất tinh, đi trước xe. Khổng Minh ngồi trên xe, nhằm trại Ngụy kéo đến. Quân Ngụy trông thấy cả kinh, không biết người, hay là quỷ, vội vã về báo với Tư Mã Ý.
Ý ra trại nhìn xem, thấy Khổng Minh đội mũ trâm hoa, mặc áo cánh hạc, tay cầm quạt lông, ngồi trên xe bốn bánh. Tả hửu có 24 người tóc tai rũ rượi, tay cầm thanh kiếm. Trước mặt có một người mang phướng thâm, hình như thần tướng trên trời. Ý nói: "Đây là Khổng Minh bày trò quỷ quái đây!". Bèn gọi hai nghìn quân mã đến dặn rằng: "Chúng mày chạy cho mau, bắt cho kỳ hết lại đây".
Gia Cát Lượng giả ma giả quỷ đến nhảy nhót trước trại Tư Mã Ý.
Quân Ngụy vâng lệnh, ra đuổi theo. Khổng Minh thấy quân Ngụy kéo đến, sai quay xe thong thả đi về trại Thục. Quân Ngụy quay ngựa cố sức đuổi, chỉ thấy gió lạnh gai gai, mây đen mờ mịt, đuổi hàng thôi đường mà vẫn không kịp. Quân Ngụy lấy làm lạ, dừng ngựa lại bảo nhau rằng: "Quái lạ thay! Chúng ta đuổi miết một hồi, tới ba chục dặm đường mà vẫn thấy lù lù ở trước mặt, không sao kịp, chẳng biết duyên cớ làm sao?"
Cứ thế, mỗi lần thúc quân đuổi thêm mấy chục dặm đường đều thấy mãi mà không đuổi kịp, không hiểu chuyện gì. Lúc này Ý kéo binh đến hỏi thì tướng thuật lại y như vậy. Rồi gió lại rít, các tiếng rợn người, khói bay mịt trời, nửa mờ nửa tỏ, đang loay hoay không biết nên tiến tiếp hay nên về thì bỗng nghe thấy, ở mé tả trống trận nổi vang, một toán quân đổ ra. Ý kịp sai quân chống cự, thì thấy trong đội quân Thục, có 24 người, xõa tóc đi chân không, áo đen phướng thâm, xúm xít đẩy một cổ xe. Trên xe Khổng Minh mũ thâm, áo bạc ngồi chễm chệ, tay cầm quạt lông phe phẩy.
Ý thất kinh nói: "Vừa mới đàng kia có Khổng Minh ngồi xe, đuổi năm chục dặm không kịp, sao ở đây lại có Khổng Minh? Lạ quá! Lạ quá!".
Ý tận mắt đến xem, mà không biết mấy cái đám "cô hồn" kia là loại nào.
Nói chưa dứt lời, ở mé hữu lại thấy trống đánh om sòm, một toán quân xô đến, trong bọn này cũng có Khổng Minh ngồi xe bốn bánh, tả hữu 24 người đi hộ vệ, y như đám trước. Ý ngờ vực lắm, quay lại bảo các tướng rằng: "Đây chắc là thần binh rồi".
Quân Ngụy bấy giờ đã xôn xao, không dám đánh nhau, tìm đường tháo chạy. Bỗng lại thấy trống đánh vang lừng, một đội quân kéo ra, cũng có Khổng Minh ngồi xe, hình dạng y như các đám trước. Quân Ngụy kinh hãi vô cùng. Tư Mã Ý không biết là người hay quỷ, và quân Thục nhiều ít thế nào, sợ hết hồn hết vía, dẫn quân chạy miết về Thượng Nhai, đóng chặt cửa thành, không dám ra nữa. Bấy giờ Khổng Minh mới sai ba vạn quân cắt hết lúa mạch ở Lũng Thượng, vận về Lỗ Thành, đập thóc ra phơi.
Đau đớn, Ý cảm thấy vô cùng nhục nhã vì bị Gia Cát Lượng lừa một vố đau như thế. Vừa tức vừa nể!
Tư Mã Ý ở trong thành Thượng Nhai, ba ngày không dám ra ngoài. Về sau thấy quân Thục rút hết, mới dám sai quân đi tuần tiễu. Quân tiễu bắt được quân Thục ở dọc đường đem về nộp Tư Mã Ý, nó kể lại sự tình Ý mới ngã ngửa đập bàn khóc: "Khổng Minh thực có tài xuất quỷ nhập thần".
Thế mới thấy, tài dụng binh của Thừa tướng nhà Thục quả thật biến hoá khôn lường, mỗi một trận đánh khác nhau lại có một kế khác nhau cho phù hợp với hoàn cảnh, có những kế sử dụng đi sử dụng lại mà quân địch vẫn mắc mưu, có những kế còn chưa nghe thấy bao giờ, cứ hư hư thực thực vậy!