1500 năm trước, có người ăn sống cả rắn đuôi chuông, đi vệ sinh ra cả răng nanh rắn

Khoảng năm 450, tại sa mạc Chihuahuan, một cá nhân dũng cảm nào đó đã một mình ngồi ăn sống cả một con rắn đuôi chuông. Thoạt nhìn, việc ăn uống thì không có gì đặc biệt nhưng đến khi nhìn vào thứ mà người này thải ra, các nhà khoa học mới ngỡ ngàng: họ phát hiện một cái răng nanh dài tới 11 mm.

Trong mẫu phân cổ đại đã hóa đá, các nhà khảo cổ tìm thấy vảy và xương rắn, chút xương của động vật gặm nhấm và hoa cỏ miền sa mạc. Từ đó, ta suy ra được bữa ăn của cá nhân đã thải phân có cái gì, có thể suy rộng ra thực đơn của toàn bộ một nhóm người cổ đại.


Rắn đuôi chuông.

Cái nóng của sa mạc bảo tồn những thứ ta không bao giờ nghĩ tới được. Khi các nhà khảo cổ bới lên những lớp trầm tích của khu vực Conejo Shelter, một khu trú chân làm bằng đá tại Thung lũng Hạ lưu sông Pecos ở Texas, họ tìm thấy khoảng 1.000 đống phân hóa thạch được chôn ở một góc, bằng chứng cho thấy đây là một cái nhà vệ sinh cổ đại. Đống phân kia sẽ là mục tiêu nghiên cứu tuyệt vời, khi nó hé lộ cho ta biết thành phần của 1.000 (có thể hơn) bữa ăn cổ đại.

Những người ngụ tại Conejo Shelter chỉ ở đây theo mùa, nhặt nhạnh đồ có sẵn quanh sa mạc để sống qua ngày. Quãng đường di chuyển của họ trên khu vực cằn cỗi này hẳn phải xoay quanh những nguồn nước lớn: có ba con sông gặp nhau tại vùng hạ lưu sông Pecos, đây đó là những con suối nuôi dưỡng được ít nhiều thực vật, nước mưa cũng có thể đọng lại thành ao, hồ nhỏ.


Khu vực hạ lưu sông Pecos.

Sa mạc sẽ mang lạc những thực phẩm như các loài gặm nhấm, thỏ, thằn lằn, cá suối, may mắn lắm sẽ có vài con hươu đi lạc, ăn kèm thịt sẽ là các thứ thực vật có sẵn như hành dại, cây thùa, cây ngọc giá sa mạc.

Và ít nhất, đã có một cá nhân ăn trọn một con rắn đuôi chuông, hết cả xương cả nanh con rắn mà không thèm lột da hay nấu con rắn lên trước.

Ở đây chúng tôi không làm thế, chắc chỉ trừ người này ra

Trong mẫu phân hóa thạch có niên đại hơn 1.500 năm, các nhà khảo cổ tìm thấy 48 cái vảy rắn, một cái nanh dài cùng nhiều phần xương khác. Dựa trên hình dáng vảy và độ dài nanh, có thể dự đoán đây là rắn đuôi chuông lưng kim cương - diamondback rattlesnake; bên cạnh đó, dựa trên số lượng vảy và xương, cũng đoán được luôn người này ăn một mạch hết cả con rắn, từ đầu cho đến đuôi.

Rắn đuôi chuông lưng kim cương có thể dài từ 1-1,3 mét, răng nanh của con rắn xấu số cho thấy nó nằm ở khoảng giữa hai con số vừa nêu. Kể cả khi con rắn đã chết, nó vẫn sẽ mang trong người một lượng độc tố đậm đặc.


Sọ rắn đuôi chuông lưng kim cương.

Nhà khảo cổ học Elanor Sonderman và các cộng sự viết trong báo cáo: “Chúng tôi cho rằng việc ăn cả con rắn độc không hay xuất hiện ở khu vực hạ lưu sông Pecos hay ở Conejo Shelter”. Nói giảm vậy, chứ làm quái có ai ngồi ăn hết cả con rắn độc như thế? Trong bề dày của lịch sử, đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy có người ăn đầu của rắn độc.

Đã từ rất lâu, nhiều nơi trên thế giới vẫn coi rắn là món đặc sản, kể cả rắn độc. Nhưng cũng ở những vùng đó, người ta sẽ lọc bỏ đầu rắn trước khi nấu, ít nhất là bỏ chút công sức lột da rắn để ăn cho ngon. Vì những lý do đó, việc tìm thấy cả vảy rắn và răng nanh dài tới 11 mm trong phân hơi quái lạ.

Ở đây chúng tôi không làm thế, chắc chỉ trừ mấy dịp tổ chức nghi lễ

Khảo cổ học dạy ta một bài học lớn: kể cả tại nhiều vùng khác nhau và ở nhiều thời điểm khác nhau, con người vẫn giống nhau một cách kỳ lạ. Thế nhưng, Sonderman và cộng sự nghi ngờ có thể có động cơ khác sau hành động này: cũng giống như những việc thoạt nhìn thấy rất quái lạ, nhưng lại rất có thể là thủ tục của một nghi lễ nào đó.

Theo đức tin của một số nền văn hóa xuất hiện tại khu vực này, bao gồm cả người Hopi và Aztec, rắn có liên kết chặt chẽ tới mưa, nó có thể mang mưa tới và giấu mưa đi.

  • Trong nghi lễ của người Hopi, thầy pháp sẽ ngậm đầu con rắn vào miệng mình, để thông qua con rắn đưa thông điệp lên những vị thần tối cao, ban phước cho càng nhiều mưa càng tốt.
  • Với người Aztec, những bằng chứng hình ảnh cho thấy trong nghi lễ cầu thần mưa Tláloc, họ cũng giữ một con rắn trong miệng mình, không rõ là họ làm như người Hopi, hay thực chất ăn cả con rắn để mong mưa thuận gió hòa.


Thần mưa Tláloc trong tưởng tượng.

Nhiều khả năng cá nhân ăn rắn cả con kia cũng tham gia vào một nghi lễ cầu mưa tương tự. Nếu đúng như thế, đống phân quý giá chính là bằng chứng về những nghi lễ cổ xưa và thiêng liêng; khảo cổ học cũng chỉ ra những bằng chứng như thế hiếm có lắm. Chỉ những nhóm người sống cố định mới cho những bằng chứng như thế, còn nhóm người săn bắt hái lượm, sống theo kiểu du mục thì không để lại nhiều những bằng chứng quý giá tương tự.

Ở đây chúng tôi bới phân để làm khoa học

“Khi tiến hành khảo cổ khu vực sinh sống của những nhóm người nhỏ, ít khi chúng tôi có được dấu vết về hành động, sự kiện hoặc những người từng sống tại đó”, báo cáo khoa học viết. Bản chất của phân thì khác, nó đem lại chính hành động và bản chất cá nhân ấy là gì, trong trường hợp này, có khi còn ra được cả sự kiện.

Rộng hơn nữa, dựa vào phân, ta biết được cấu trúc khuôn viên sinh sống ra sao, thời điểm thải uế là lúc nào trong năm, thời tiết như thế nào.

Ví dụ, cá nhân ăn rắn kia ăn cả hoa ngọc giá, hành dại và xương rồng đã được gỡ hết gai. Trong phân có phấn hoa, cho thấy thời điểm ăn uống diễn ra vào xuân hoặc hè, chắc phải nhiều mưa thì hoa ngọc giá mới nở được.

Nghiên cứu phân khó khăn, nghe từ cái tên đã thấy vậy rồi. Nhà khảo cổ Sonderman và cộng sự đã phải cắt phân khô ra thành hai nửa, rồi ngâm chúng vào dung dịch trisodium phosphate. “Trong quá trình làm ẩm phân, phần dung dịch của phân chuyển màu đen, thường chứng minh được rằng đây là phân người”.

Đáng buồn thay, vì đây là phân, nên nó quá bẩn và tạp nham để phân tích mẫu ADN. Nhưng hình dáng và những gì có trong phân chỉ ra rằng đây là loài ăn tạp kích thước lớn, và vì tìm thấy trong khu vực hạ lưu sông Pecos, gần như chắc chắn đây là sản phẩm “do người tạo ra”.

Phân tích phân, các nhà khoa học thấy phấn hoa, cỏ cây, xương nhỏ và một lượng lớn lông loài có vú. Phân tích sâu hơn cho thấy đây là lông của loài gặm nhấm nhỏ, nhiều khả năng là chuột, xương chuột cũng xuất hiện trong thành phần phân.

Các bằng chứng cho thấy cả con chuột cũng không được nấu nướng gì cả, thế nhưng nhóm nghiên cứu không nghĩ rằng người ăn rắn đã trực tiếp ăn cả chuột: họ cho rằng con rắn ăn con chuột, đang tiêu hóa dở thì bị người này ăn mất.

Cũng có tỷ lệ nào đó người kia đã đói quá làm liều, nhưng mà nếu thế thật, thì công sức khảo cổ của Sonderman và cộng sự bỏ sông bỏ bể hết.

Cập nhật: 20/05/2019 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video