Người dân Việt Nam sẽ quan sát được tổng cộng 18 hiện tượng thiên văn kỳ thú trong năm 2014.
Trong bài viết đăng trên website chính thức của Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA), anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ nhiệm Hội cho biết, năm 2014 có nhiều sự kiện thiên văn đáng chú ý như nguyệt thực toàn phần, điểm trực đối của các hành tinh cũng như cơ hội tương đối lý tưởng để quan sát nhiều trận mưa sao băng lớn.
Dưới đây là những hiện tượng có thể quan sát trực tiếp tại Việt Nam năm 2014:
Mưa sao băng Quadrantids
Trận mưa sao băng loại trung bình trong năm với mật độ tối đa từ 30 đến 40 sao băng mỗi giờ trong điều kiện thời tiết lý tưởng. Do diễn ra vào đầu tháng âm lịch nên người quan sát ở các khu vực thời tiết cho phép sẽ có nhiều cơ hội theo dõi hiện tượng này. Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát là rạng sáng ngày 3/1 với hướng là bầu trời phía đông nơi có chòm sao Bootes. (Quadrantids 2013).
Một trận mưa sao băng Quadrantid. (Ảnh: Nationalgeographic)
Sao Mộc tới vị trí trực đối với mặt trời so với trái đất
Đây là vị trí sao Mộc gần trái đất nhất trên quỹ đạo của nó và phần được chiếu sáng của nó hướng về trái đất nhiều nhất. Người quan sát cần hỗ trợ của các kính thiên văn nghiệp dư để ngắm hành tinh lớn nhất Hệ mặt trời dịp này. Hiện tượng diễn ra ngày 5/1.
Sao Hỏa tới vị trí trực đối với mặt trời so với trái đất
Ngày 8/4, ở vị trí gần trái đất nhất trên quỹ đạo, hành tinh đỏ sẽ cho phép người yêu thích bầu trời quan sát nó qua kính thiên văn. Với mắt thường, người xem có thể nhìn thấy sao Hỏa, cũng như với sao Mộc như trên nhưng độ sáng của chúng không lớn hơn ngày thường ró rệt.
Mưa sao băng Lyrids
Đây là trận mưa sao băng nhỏ với chỉ khoảng 20 sao băng mỗi giờ ngay cả trong điều kiện tương đối lý tưởng. Hiện tượng diễn ra ngày 22, 23/4 và trùng vào thời điểm trăng bán nguyệt cuối tháng nên ánh trăng sẽ gây cản trở không nhỏ cho người quan sát.
Mưa sao băng Eta Aquarids
Trận mưa sao băng cỡ trung bình này có thể cho phép người quan sát thấy hơn 50 sao băng mỗi giờ trong điều kiện cho phép. Nằm gần thời điểm đầu tháng âm lịch nên nếu thời tiết không có thay đổi đặc biệt hiện tượng này có thể khá dễ dàng để quan sát. Thời điểm lý tưởng nhất là sau nửa đêm ngày 5, rạng sáng 6/5.
Sao Thổ tới vị trí trực đối với mặt trời qua trái đất
Vị trí này cho phép người quan sát có thể nhìn sao Thổ rõ nhất. Nếu có một chiếc kính thiên văn, người xem không nên bỏ lỡ cơ hội quan sát hành tinh này cùng vành đai thú vị của nó vào ngày 10/5.
Mặt trăng tiến gần sao Hỏa trên bầu trời
Hai thiên thể sáng của bầu trời đêm chỉ nằm cách nhau chừng 2 độ trên bầu trời. Đây không phải một hiện tượng đặc biệt, nhưng sẽ là điểm sáng đáng chú ý khi người xem ngắm nhìn bầu trời sau lúc mặt trời lặn ngày này. Hiện tượng diễn ra ngày 7/6.
Mưa sao băng Delta Aquarids
Trận mưa sao băng nhỏ trong năm vào ngày 28, 29/7. Tuy nhiên cuối tháng 7, trời ít mây và không bị ánh trăng cản trở nên sẽ là điều kiện thuận lợi để quan sát.
Mưa sao băng Perseids
Một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất trong năm với mật độ thường lên tới hơn 60 sao băng mỗi giờ, nó đạt cực điểm vào ngày 12, 13/8. Năm 2014, sự có mặt của mặt trăng sẽ làm che lấp một phần những sao băng sẽ xuất hiện. Dù vậy, nếu trời không mây thì đây vẫn sẽ là hiện tượng thiên văn rất đáng quan sát trong năm. (Perseids 2013)
Mưa sao băng Perseid rực sáng vào năm 2013. (Ảnh: Mike Lewinski)
Sao Hải Vương tới vị trí trực đối với mặt trời qua trái đất
Đây là vị trí mà hành tinh này tới gần trái đất nhất trên quỹ đạo của nó. Dù vậy với khoảng cách quá xa, thì chỉ những người được trang bị kính thiên văn khá mạnh mới có thể thấy nó là một chấm xanh trong ống kính. Sự kiện diễn ra ngày 29/8.
Sao Thiên Vương tới vị trí trực đối
Cũng như sao Hải Vương, sao Thiên Vương ở quá xa nên nó chỉ được coi là thuận lợi để quan sát với người yêu thiên văn có sự hỗ trợ của kính thiên văn tương có độ phóng đại là chất lượng tương đối cao. Hiện tượng diễn ra 7/10.
Nguyệt thực toàn phần ngày 8/10
Đây là hiện tượng rất đáng chú ý trong năm 2014. Nguyệt thực sẽ trải trên một dải rộng từ Bắc Mỹ qua Nam Phi, Đông Á và Australia. Việt Nam nằm trong khu vực có thể quan sát hiện tượng này.
Mưa sao băng Draconids
Ngày 8, 9/10 trận mưa sao băng nhỏ này xuất hiện với mật độ chỉ khoảng 10 sao băng mỗi giờ. Mặt khác, hiện tượng này trùng vào thời điểm trăng tròn, ánh trăng sẽ che khuất hầu hết các sao băng của nó nên về cơ bản, đây không phải một sự kiện đáng chú ý với người quan sát.
Mưa sao băng Orionids
Đây là trận mưa sao băng cỡ trung bình với mật độ khoảng 30 sao băng mỗi giờ. Năm 2014, hiện tượng sẽ diễn ra vào thời điểm không trăng, do vậy nếu trời ít mây thì đây sẽ là một năm lý tưởng để quan sát mưa sao băng này. Nó đạt cực điểm và ngày 22, 23/10.
Mưa sao băng Taurids
Ngày 5, 6/11 người yêu thiên văn sẽ được quan sát trận mưa sao băng này. Nó chỉ là trận mưa sao băng nhỏ với trên dưới 10 sao băng mỗi giờ và xảy ra gần thời điểm trăng tròn nên việc quan sát trở nên khó khăn hơn.
Mưa sao băng Leonids
Leonids là trận mưa sao băng cỡ trung bình. Năm 2014, với sự vắng mặt của ánh trăng, người quan sát sẽ có cơ hội lý tưởng để theo dõi hiện tượng này nếu thời tiết thuận lợi. Trận mưa sao băng diễn ra 17, 18/11.
Mưa sao băng Geminids
Đây là trận mưa sao băng lớn nhất, nó có thể cho phép người quan sát đếm được trên 100 sao băng mỗi giờ vào 13, 14/12. Mặc dù mặt trăng sẽ che khuất một số sao băng, nhưng chỉ cần trời ít mấy thì đây vẫn sẽ là một hiện tượng tuyệt vời vì Geminids có những sao băng rất sáng, ngay cả khi có sự can thiệp của ánh trăng.
Mưa sao băng Ursids
Đây chỉ là một trận mưa sao băng nhỏ, nhưng nó rơi vào thời điểm không trăng nên Ursids vẫn có thể cho phép người yêu bầu trời quan sát được một số sao băng của mình. Trận mưa sao băng diễn ra ngày 22, 23/12.