Chiều qua, 23/3, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật VN (Vifoctec) đã công bố danh sách 38 công trình đoạt giải của năm 2006. Ban tổ chức cũng quyết định trao Ba giải cho các công trình khoa học xuất sắc nhất. Điểm đặc biệt của năm nay đó là trong 3 công trình được trao giải Nhất không có công trình nào thuộc lĩnh vực ICT và vật liệu mới.
Công trình đầu tiên được trao giải nhất thuộc lĩnh vực cơ khí tự động hóa của KS Lê Văn An và cộng sự với đề tài: “Nghiên cứu thiết kế chế tạo giàn nâng hạ xilanh thủy lực 400 tấn phục vụ công trình thủy điện Sơn La”.
Công trình thứ hai được trao giải thuộc lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất của TS. Lê Văn Tri và cộng sự với đề tài nghiên cứu “Công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế thải phụ phẩm mía đường”.
Giải Nhất cuối cùng được trao cho TS Hoàng Văn Quý và cộng sự với công trình thuộc lĩnh vực công nghệ bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên với chủ đề “Nghiên cứu giải pháp công nghệ để xác định tham số mở phục vị đánh giá trữ lượng và thiết kế khai thác dầu khí trong đá móng nứt nẻ bằng chương trình BASROC 3.0”.
Ngoài 3 giải nhất (mỗi giải trị giá 30 triệu đồng), Ban tổ chức cũng trao 6 giải nhì (mỗi giải trị giá 20 triệu đồng) và 14 giải ba (mỗi giải 15 triệu đồng) cho các tác giả khác.
Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng công bố danh sách giải thưởng của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) trao tặng cho Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn, KS. Hoàng Văn Quý và cộng sự, Viện Nghiên cứu Khoa học&Thiết kế Xí nghiệp Liên doanh Vietsopetro, BS Vũ Thị Hòa, Trung tâm Y tế Lao động Ngành than, Tập đoàn Công nghiệp Than&Khoáng sản Việt Nam và sinh viên Lê Thùy Quyên, Đại học Dân lập Phương Đồng, PGS. TS Phạm Thị Thùy, giảng viên hướng dẫn.
Lễ tổng kết và trao giải chính thức sẽ được tổ chức vào 19h30 ngày 28/3 tại Nhà Hát Lớn TP Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.
Giải thưởng Vifotec xét trao giải ở năm lĩnh vực, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), công nghệ vật liệu mới, cơ khí- tự động hóa, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.
Phạm Tuyên