8 siêu năng lực "quái dị" của cơ thể mà bạn chưa bao giờ nhận ra

Có vẻ như chúng ta đang đánh giá quá thấp bản thân mình đấy các bạn ạ!

Những siêu năng lực của bản thân mà con người không ngờ tới

Các bạn biết không, thực sự cơ thể của chúng ta kỳ diệu hơn các bạn nghĩ rất nhiều. Chúng ta có những "siêu năng lực" và vẫn sử dụng chúng hàng ngày, nhưng lại chưa bao giờ nhận ra điều đó.

1. Bạn thực sự "nhìn" thấy tay của chính mình trong bóng tối

Thử luôn nhé. Hãy thử vào một căn phòng tối - tối thật tối ấy. Sau đó giơ tay vẫy vẫy trước mặt xem sao. Bạn sẽ nhìn thấy những thứ kiểu như hình bên dưới.


Dù ở trong bóng tối, bạn vẫn có thể nhìn thấy tay của chính mình.

Ngạc nhiên chưa? Thực ra cũng không có gì bí ẩn lắm đâu. Theo một nghiên cứu của ĐH Rochester (Mỹ), phần lớn những hình ảnh chúng ta "nhìn" hàng ngày không đến từ mắt, mà là do những gì não bộ "muốn" chúng ta thấy, dựa trên những thông tin các giác quan thu thập được.

Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta tưởng tượng ra hình bàn tay. Trong thí nghiệm, những nhà nghiên cứu đã đặt thêm một bộ phận cảm biến, cho phép theo dõi chuyển động mắt của những ứng viên. Và kết quả là mắt của họ chuyển động cùng nhịp với chuyển động của bàn tay, giống như cách họ nhìn khi có ánh sáng vậy.

Các chuyên gia cho biết ngay cả khi chúng ta không nhìn được, não bộ vẫn tiếp tục nhận tín hiệu từ các bộ phận trên cơ thể, và từ đó giúp chúng ta thực sự "nhìn" thấy thứ não bộ muốn thấy.

2. Bạn có thể phân biệt được nước nóng và nước lạnh... bằng tai

Lại thử tiếp này. Bạn hãy đoán xem 2 âm thanh dưới đây - đâu là nước nóng hay nước lạnh nhé!

Có thể bạn đã đoán đúng rồi đấy: âm thanh đầu tiên là nước lạnh, và âm còn lại là của nước nóng. Theo thí nghiệm của một công ty tại Anh, thì có tới 96% người được hỏi đều đoán đúng.


Tai người có thể nghe được sự khác biệt về tốc độ phân tử.

Thực ra, siêu năng lực này cũng... thường thôi. Các chuyên gia lý giải rằng tai người có thể nghe được sự khác biệt về tốc độ phân tử.

Trong đó, nước lạnh có tốc độ dịch chuyển phân tử chậm hơn nước nóng, do đó mật độ phân tử dày đặc hơn và âm thanh khi rót cũng khác nhau.


Nước càng nóng, mật độ phân tử càng thưa.

Tuy nhiên, dường như không ai trong chúng ta để ý đến khả năng đặc biệt này cả.

3. Bạn có thể ngửi được cả hệ miễn dịch của người khác

Các bạn đã từng nghe đến cụm từ "mùi của người già" bao giờ chưa? Đó là cụm từ nhiều người sử dụng để chỉ mùi không lẫn đi đâu được khi tiếp xúc với người già.

Tuy nhiên, các khoa học gia cho biết mùi này thực chất không của riêng người già, mà có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, vì đó là mùi... hệ miễn dịch bị suy yếu.


Con người có thể ngửi được mùi của hệ miễn dịch bị suy yếu.

Để xác minh điều này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm tiêm lipopolysaccharide - một dạng độc tố làm suy giảm tạm thời hệ miễn dịch của cơ thể. Sau đó, họ thu thập mẫu mồ hôi cùng các ứng viên, rồi đưa cho một nhóm khác ngửi và đánh giá.


Mồ hôi của người có hệ miễn dịch yếu bị đánh giá là khó chịu hơn người bình thường.

Kết quả cho thấy, những mẫu mồ hôi của người có hệ miễn dịch yếu bị đánh giá là khó chịu hơn. Điều này chứng tỏ răng cơ thể chúng ta tự sản sinh ra những mùi tương đối... khó ngửi để cảnh báo người khác khi ta đang ốm, nhằm ngăn ngừa nguy cơ truyền bệnh ra cộng đồng.

4. Chúng ta trở nên "siêu thính" khi... ở dưới nước

Ngưỡng nghe của con người tối đa ở tần số 20.000 Hz, có thể nói là rất... thê thảm nếu phải so sánh với các loài động vật khác. Chó có thể nghe âm thanh có tần số 45.000 Hz. Con số này ở loài dơi là 110.000.


Khi ở dưới nước, khả năng nghe của bạn tăng lên rất nhiều.

Nhưng bạn có tin được không, chỉ cần xuống nước thôi, bạn đã kích hoạt một "siêu năng lực" ở tai, cho phép bạn nghe được âm thanh với tần số lên tới... 200.000 Hz. Tại sao lại... ảo diệu đến vậy? Đó là vì chúng ta có thể nghe bằng... xương nữa.


Ở dưới nước, bạn không chỉ nghe bằng tai mà còn nghe cả bằng xương.

Các chuyên gia lý giải, chúng ta nghe được âm thanh là nhờ không khí chuyển động, tạo nên sự rung động trong ống tai, ốc tai, màng nhĩ, xương nhỏ...

Tuy nhiên, khi không còn không khí nữa, âm thanh sẽ bỏ qua toàn bộ quá trình này mà đi qua xương chũm - phần xương ở phía sau tai. Đây cũng chính là nguyên lý các máy trợ thính hiện nay đang áp dụng. Giờ thì mỗi khi lặn xuống nước, hãy chú ý lắng nghe xem bạn có thấy gì không nhé!

5. Làn da của bạn có biệt tài đánh hơi và hồi phục với tốc độ rất nhanh

Các nhà khoa học người Đức gần đây đã phát hiện ra rằng, một số tế bào giúp mũi có thể "ngửi" thực sự tồn tại trên da người. Điều này có nghĩa rằng làn da của chúng ta thực sự có thể... đánh hơi.


Làn da cũng biết đánh hơi đó...

Để chứng thực điều này, những nhà nghiên cứu đã thử cho tế bào da tiếp xúc với tinh dầu gỗ đàn hương - loại tinh dầu có mùi khá nồng.

Kết quả cho thấy các tế bào da bị kích thích phân chia với tốc độ tăng thêm 32%. Đồng thời, những tế bào mới sẽ "lùng sục" khu vực nào da bị tổn thương để chữa trị.


Tốc độ phục hồi vết thương bình thường (trên) và sau khi cho da "đánh hơi" (dưới).

Tuy nhiên, để cho da "ngửi" được, cần nồng độ tinh dầu gỗ lớn gấp 1.000 lần nồng độ cần có để mũi cảm nhận. Tức là để hồi phục vết thương nhanh chóng, có thể bạn sẽ bị... điếc mũi vì mùi thơm quá nồng đấy.

6. Chúng ta có thể bế được người nhưng lại khó mà bê được tảng đá cùng khối lượng

Bạn có thể bế được một em bé nặng 15kg nhưng lại không thể nâng 1 tảng đá có cùng khối lượng.

Nguyên nhân là bởi cơ thể người có khả năng thích nghi với trọng lực và phân bổ sức nặng ra nhiều hướng. Trong khi đó, đá thì không có khả năng này. Trọng lực của đá sẽ luôn ở cùng vị trí, khiến bạn nâng lên khó hơn.

7. Bộ não của bạn sản xuất đủ điện để thắp sáng một bóng đèn nhỏ

Bộ não của chúng ta có khoảng 100 tỷ tế bào được gọi là tế bào thần kinh. Khi chúng ta di chuyển, nhìn, suy nghĩ, mơ hoặc cười cũng là khi các tín hiệu điện và hóa chất đang chạy đua giữa hàng tỷ tế bào thần kinh trên xa lộ thần kinh này.

Vì vậy, mặc dù một tế bào thần kinh tạo ra một lượng điện rất nhỏ, nhưng tất cả chúng gộp lại cùng lúc có thể tạo ra đủ điện để thắp sáng một bóng đèn có công suất thấp.

8. Người Tây Tạng cần ít hơn 40% oxy so với người bình thường

Người Sherpa ở Nepal và Tây Tạng thường làm hướng dẫn viên cho những du khách muốn chinh phục đỉnh Everest. Cơ thể họ có những đặc điểm cho phép họ sống ở độ cao 4 km so với mực nước biển.

Sau khi nghiên cứu nhiều năm, các nhà khoa học nhận thấy 87% người Tây Tạng mang gene EPAS1 đặc biệt, cho phép họ cần ít hơn 40% oxy so với người bình thường. Thông thường, khi một người lên đến độ cao 3km, nồng độ hemoglobin trong máu sẽ tăng lên. Gene EPAS1 hạn chế mức độ tăng của nồng độ hemoglobin, nhờ đó ngăn chặn những vấn đề về tim mà người khác thường mắc phải.

Theo các nhà nghiên cứu, người Tây Tạng kế thừa khả năng đặc biệt từ người Denisovan đã tuyệt chủng. Người Denisova từng tồn tại xung quanh khu vực mà người Tây Tạng sinh sống. Các nhà khoa học cũng tìm thấy gene EPAS1 trong các hóa thạch của họ. Ngày nay, người Tây Tạng (cùng với một số người sống trên các đảo thuộc Thái Bình Dương) dường như là tộc người duy nhất mang gene EPAS1.

Cập nhật: 27/06/2024 Theo Trí Thức Trẻ/Kiến Thức
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video