Giải mã bí ẩn về sức hút của bức họa "Cô gái đeo khuyên tai ngọc trai"

Ngày 2/10, các nhà khoa học tại bảo tàng Mauritshuis ở thành phố La Haye (Hà Lan) đã tiết lộ một phát hiện đầy ấn tượng về bức họa nổi tiếng thế giới "Cô gái đeo khuyên tai ngọc trai" của danh họa Johannes Vermeer.

Đây là tác phẩm được yêu thích suốt nhiều thế kỷ qua, và giờ đây, nhờ công nghệ hiện đại, lý do khiến bức tranh này có sức hút kỳ lạ đã được khám phá.

Bảo tàng Mauritshuis đã hợp tác với các nhà thần kinh học để đo lường phản ứng của não bộ khi người xem chiêm ngưỡng bức họa và những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng khác. Kết quả cho thấy bức chân dung này kích hoạt một hiện tượng thần kinh đặc biệt mà họ gọi là "Vòng lặp chú ý kéo dài". Theo các nhà nghiên cứu, duy nhất tác phẩm của danh họa người Hà Lan tạo nên hiệu ứng này.

Khi quan sát bức tranh, mắt của người xem tự động bị cuốn hút lần lượt từ đôi mắt của cô gái, đến miệng, rồi tới viên ngọc trai, sau đó quay trở lại đôi mắt, tạo thành một chu trình liên tục. Điều này khiến người xem không thể rời mắt và kéo dài thời gian thưởng thức tác phẩm so với các bức tranh khác. Ông Martin de Munnik - đại diện của công ty Neurensics, nơi thực hiện nghiên cứu này - giải thích rằng: “Bạn phải chú ý đến cô ấy, dù bạn có muốn hay không. Bạn phải yêu cô ấy, dù bạn có muốn hay không”.


Bức tranh "cô gái đeo khuyên tai ngọc trai".

Bằng cách đo lường sóng não, các nhà khoa học còn phát hiện phần vỏ não trước – khu vực điều khiển ý thức và bản sắc cá nhân – là phần được kích thích mạnh nhất khi ngắm nhìn tác phẩm này. Đây là phát hiện đầy bất ngờ đối với đội ngũ nghiên cứu, dù họ đã biết từ trước rằng bức chân dung của Vermeer có điều gì đó đặc biệt.

Nghiên cứu này cũng là lần đầu tiên sử dụng kết hợp máy quét não EEG và MRI để đo phản ứng thần kinh khi chiêm ngưỡng nghệ thuật.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học còn so sánh phản ứng não bộ khi người xem đứng trước bức tranh gốc tại bảo tàng và khi ngắm nhìn các bản sao. Họ phát hiện rằng cảm xúc mà người xem trải nghiệm khi chiêm ngưỡng tác phẩm gốc mạnh hơn gấp 10 lần so với khi xem phiên bản tái tạo.

Điều này khẳng định tầm quan trọng của việc thưởng thức nghệ thuật trực tiếp. Giám đốc bảo tàng Mauritshuis Martine Gosselink chia sẻ: "Việc tiếp cận nghệ thuật, dù là nhiếp ảnh, múa hay các tác phẩm của những bậc thầy cổ điển từ thế kỷ 17, đều rất quan trọng. Nó giúp phát triển não bộ của bạn... và não bộ không bao giờ nói dối".


Đây là bức họa hiếm hoi của Vermeer có nhân vật chính thực sự nhìn thẳng vào người xem.

Điều khiến "Cô gái đeo khuyên tai ngọc trai" khác biệt so với các tác phẩm khác của Vermeer chính là cách ông tạo ra 3 điểm nhấn chính trên bức tranh: đôi mắt, miệng và viên ngọc trai. Trong khi đó, ở hầu hết các bức tranh khác của Vermeer, sự tập trung chỉ nằm ở một điểm duy nhất, còn các chi tiết xung quanh được làm mờ.

Giám đốc Gosselink cũng nhấn mạnh rằng bức chân dung này là bức họa hiếm hoi của Vermeer có nhân vật chính thực sự nhìn thẳng vào người xem. Trong các tác phẩm khác của ông, nhân vật thường mải mê với công việc của họ như viết lách, thêu thùa hoặc làm những việc khác. Bà cho biết: "Nhưng với cô gái này, cô ấy đang nhìn bạn".

Theo ông Martin de Munnik, chắc chắn sẽ rất thú vị nếu nghiên cứu tương tự được thực hiện đối với các tác phẩm nổi tiếng khác, như "Mona Lisa" của danh họa Leonardo da Vinci. Phát hiện mới nói trên không chỉ làm sâu sắc thêm sự ngưỡng mộ đối với bức tranh của Vermeer, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật trong việc kích thích não bộ và tạo ra những cảm xúc khó quên trong lòng người xem.

Cập nhật: 10/10/2024 TTXVN/Báo Tin tức
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video