5 thành phố cổ được phát hiện sau hàng nghìn năm mất tích

Các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều khu định cư của người cổ đại từ hàng nghìn năm trước nhờ sự giúp đỡ của công nghệ tiên tiến.

Theo International Business Times, chỉ trong năm 2016, các nhà khoa học tìm thấy nhiều khu vực cổ đại bị chôn vùi suốt hàng nghìn năm, từ mạng lưới thành phố xung quanh ngôi đền Angkor Wat ở Campuchia cho đến trung tâm thương mại ngập dưới bờ biển Tanzania và một thành phố bí ẩn ở Honduras.

Thành phố Rhapta, Tanzania

Trong nhiều thế kỷ, giới khảo cổ dự đoán thành phố Rhapta của người La Mã cổ đại nằm ở bờ biển phía đông nam châu Phi. Đây là nơi giao dịch các hàng hóa địa phương như ngà voi và đồi mồi. Thành phố Rhapta, biến mất khoảng 1.600 năm trước đây, còn được mệnh danh là "thành phố Atlantis của châu Phi".


Các nhà khoa học phát hiện một thành phố bị chìm ở ngoài khơi đảo Mafia, Tanzania. (Ảnh: Alan Sutton).

Tháng 5/2016, Alan Sutton, một người thợ lặn tình cờ bắt gặp những tàn tích ở ngoài khơi đảo Mafia, Tanzania, gồm các bức tường xi măng đổ nát, gốm sứ và đá lát nhà. Những vật liệu xây dựng này thường được tìm thấy trong thời La Mã cổ đại.

Vài tuần sau đó, Felix Chami, nhà khảo cổ tại Đại học Dar es Salaam, Tanzania, kết luận khám phá của Sutton chính là thành phố Rhapta. Các kỹ thuật xây dựng, công nghệ làm gốm, vị trí địa lý phù hợp với những mô tả đầu tiên về thành phố này.

Thành phố Trắng, Honduras

Năm 1927, phi công Charles Linbergh tin rằng mình đã phát hiện "Thành phố Trắng" hay "Thành phố của Thần Khỉ" ẩn bên dưới tán rừng nhiệt đới ở phía đông Honduras khi bay qua khu vực La Mosquitia.


Thành phố Trắng nằm ở La Mosquitia, Honduras. (Ảnh: Orlando Sierra).

Năm 1939, nhà thám hiểm Theodore Morder tuyên bố tìm thấy Thành phố Trắng nhưng ông từ chối tiết lộ vị trí chính xác của nó, do lo ngại khu tàn tích bị cướp phá.

Năm 2016, các nhà khảo cổ tại Viện Nhân chủng học Honduras và Đại học bang Colorado, Mỹ, bắt đầu khai quật khu vực được cho là Thành phố Trắng. Họ phát hiện nhiều tác phẩm điêu khắc và đồ tạo tác bằng đá như chai lọ và bát có niên đại từ năm 1000 đến 1500. Tuy nhiên, nền văn minh của những người sống trong Thành phố Trắng cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.

Angkor Wat, Campuchia

Khu phức hợp đền thờ Angkor Wat, Campuchia được xây dựng từ năm 1113 đến năm 1150 là một trong những di tích tôn giáo lớn nhất thế giới.


Mạng lưới thành phố dưới lòng đất nằm xung quanh khu phức hợp đền thờ Angkor Wat, Campuchia. (Ảnh: Tan Chhin Sothy).

Tháng 6/2016, giới khoa học phát hiện một mạng lưới thành phố cổ xung quanh những tàn tích của khu phức hợp. Các nhà nghiên cứu sử dụng tia laser để thăm dò từ trên cao và tìm ra nhiều cảnh quan thành phố có niên đại từ thế kỷ 12 bên dưới khu rừng nhiệt đới.

Theo Guardian, một số thành phố có thể sánh với thủ đô Phnom Penh, Campuchia hiện nay về quy mô. Tại thời kỳ đỉnh cao, mạng lưới thành phố này tạo thành vương quốc lớn nhất trên Trái Đất.

Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ

Khu vực Cappadocia là Di sản Thế giới với nhiều phong cảnh đẹp gồm các cấu trúc đá hình thành do quá trình xói mòn. Tại đây có 200 thành phố và ngôi làng nằm dưới mặt đất.


Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ, là nơi có nhiều thành phố ngầm. (Ảnh: Chris McGrath).

Năm 2013, các nhà xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ trong dự án cải tạo đô thị tình cờ bắt gặp một thành phố ngầm quy mô lớn với sức chứa khoảng 20.000 người tại khu vực lịch sử Cappadocia, trung tâm Anatolia. Hệ thống đường hầm và phòng ốc có niên đại từ năm 3000 trước Công nguyên.

"Phát hiện này giống như một viên ngọc trai, một viên kim cương mới để làm phong phú thêm các thành phố ngầm ở Cappadocia", Hasan Ünver, thị trưởng của tỉnh Nevşehir, cho biết.

Thành phố Thonis-Heracleion, Ai Cập

Năm 2000, Franck Goddio, nhà khảo cổ học người Pháp, và nhóm nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học Dưới nước Châu Âu tìm thấy dấu vết thành phố Thonis-Heracleion sau khi khảo sát địa vật lý trong 4 năm.


Một bức tượng của vị thần Ai Cập Osiris nằm bên dưới Vịnh Aboukir. (Ảnh: Francois Guillot).

Những tàn tích của thành phố Thonis-Heracleion nằm ở độ sâu 9 m, bên dưới biển Địa Trung Hải trong vịnh Aboukir, gần Alexandria, Ai Cập. Các nhà khoa học phát hiện nhiều đồ tạo tác được bảo quản khá tốt, như một bức tượng đá cao gần 5 m, đồ trang sức và quan tài đá.

Trong thời cổ đại, Thonis-Heracleionb là trung tâm thương mại lớn nằm giữa Ai Cập, Hy Lạp và châu Âu. Thành phố bị chìm xuống đáy biển vào thế kỷ thứ 8 sau khi trải qua nhiều thảm họa thiên nhiên và động đất.

Cập nhật: 12/09/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video