6 thói quen tưởng là vô hại, nhưng thực ra đang khiến Trái đất phải rơi nước mắt

Tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng căng thẳng ở phạm vi toàn cầu, với bằng chứng mới nhất là những hình ảnh thành phố thơ mộng Venice của Ý chìm trong nước biển với đợt ngập lụt lịch sử. Chuyện ô nhiễm cũng vậy, cả trăm triệu sinh vật đang chết dần chết mòn vì ăn phải rác nhựa.

Và nguyên nhân nằm ở đâu? Tất cả xét cho cùng đều là do hành động của con người. Không chỉ bằng các ngành công nghiệp, mà tác hại còn đến từ vô số thói quen chúng ta vẫn nghĩ là vô hại nhưng lại khiến Trái đất phải nhỏ lệ.

1. Lãng phí thực phẩm - những món ăn không bao giờ được tiêu thụ

Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (UN), 1/3 số thực phẩm con người sản xuất mỗi năm - tương đương 1,3 tỉ tấn, đang bị lãng phí.

"Lãng phí" ở đây có nghĩa là số lương thực ấy đã không được bất kỳ ai tiêu thụ và phải đem vứt bỏ. Vấn đề nằm ở chỗ, lương thực không tự nhiên sinh ra. Con người phải làm ra chúng, và quá trình sản xuất ấy đã khiến hàng triệu cây bị cắt, bị nhổ rễ để nhường chỗ cho những cánh đồng lương thực.

Trong số này, hoa quả và rau củ là những thực phẩm bị lãng phí nhiều nhất. Theo sau là hải sản - vì rất khó bảo quản.

2. Những chuyến du lịch sang chảnh - sát thủ môi trường

Một chuyến du lịch nghỉ dưỡng giữa mùa hè trên một chiếc du thuyền sang trọng có lẽ là mơ ước của rất nhiều người. Nhưng những chiếc du thuyền cũng có một mặt tối, đó là chúng gây ô nhiễm rất lớn.

Số liệu cho thấy chất lượng không khí trên boong tàu thực ra không hề trong lành như chúng ta tưởng, phải tương đương với những thành phố ô nhiễm hàng đầu thế giới. Ước tính có đến 50.000 người châu Âu qua đời mỗi năm vì luồng khí thải do các du thuyền thải ra.

Trung bình lượng carbon thải ra của một người sẽ tăng gấp 3 lần so với thường ngày. Ngoài ra theo một khảo sát tại Đức trên 77 chiếc du thuyền, thì có tới 76 vận hành bằng nhiên liệu hóa thạch nặng (hay còn gọi là "dầu bẩn"), cực kỳ độc hại.

Đó là còn chưa tính đến những hệ lụy từ rác, nước thải và dầu tràn lọt ra ngoài đại dương nữa.

3. Mua quá nhiều quần áo: Mặc thì ít mà hại thì nhiều

Ai chẳng muốn có một chiếc tủ đầy ắp quần áo, mỗi ngày một bộ thay đổi cho hợp trend. Nhưng rất nhiều người đang không biết rằng ngành công nghiệp thời trang đã luôn nằm trong top đầu gây ô nhiễm trên toàn thế giới, thậm chí là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước lớn thứ 2.

Ngoài ra, quá trình tìm nguyên liệu sản xuất quần áo cũng phải chịu trách nhiệm cho nạn khan hiếm nước. Dành cho những ai chưa biết thì cây bông (cotton) là loài cây cực kỳ ngốn nước khi trồng. Để có được số bông đủ để sản xuất 1 chiếc áo, người ta cần đến 2700 lít - con số đủ để một người tiêu thụ trong 2,5 năm.

Các loại vải sợi nhân tạo như polyester thì không ngốn nước bằng cotton, nhưng đánh đổi bằng việc tạo ra nhiều khí nhà kính hơn. Số liệu năm 2015 cho thấy các nhà máy sản xuất polyester thải ra hơn hơn hàng trăm tấn khí nhà kính, tương đương với lượng khí thải từ 185 nhà máy điện than.

Vậy nên, cách tốt nhất cho câu chuyện này là hạn chế mua quần áo lại. Hãy nhớ, 1/9 dân số thế giới đang không được tiếp cận với nước sạch, và mỗi năm có 4,6 triệu người đã tử vong vì ô nhiễm không khí.

4. Xả nước bồn cầu quá tùy tiện

Theo một nghiên cứu vào năm 1999, nước từ bồn cầu chiếm tới 27% lượng nước một người sử dụng mỗi ngày - cao hơn cả tắm (17%) và giặt giũ (22%). Qua thời gian, hệ thống xả nước bồn cầu đã được cải tiến để tiết kiệm nước, nhưng con số vẫn là rất nhiều.

Điều này không có nghĩa rằng bạn nên nhịn đi vệ sinh, nhưng cần phải giật nước sao cho tiết kiệm hơn. Các loại bồn cầu ngày nay thường chia thành 2 nút, cho phép bạn xả 1/2 két nước cho mỗi lần đi "nhẹ".

5. Sử dụng đũa dùng 1 lần

Đũa dùng 1 lần quả là có tiện, lại làm từ gỗ nên khá thân thiện cho môi trường.

Nhưng thực ra là ngược lại đấy. Riêng tại Trung Quốc, 80 tỉ đôi đũa dùng 1 lần bị thải ra mỗi năm, và để sản xuất ra con số ấy thì cần đến 4 triệu cây bị chặt bỏ.

6. Dùng khăn giấy ướt

Lại một vật dụng nữa cực kỳ tiện lợi, nhưng thân thiện với môi trường thì không. Thậm chí năm 2015, báo The Guardian còn gọi các loại khăn giấy ướt là "kẻ thù lớn nhất" đối với môi trường.

Lý do một phần nằm ở cách chúng ta sử dụng. 2 chữ "khăn giấy" khiến nhiều người nghĩ rằng chúng cũng giống như giấy thường, nghĩa là có thể bỏ vào toilet giật nước. Nhưng thực ra, hầu hết khăn giấy ướt đều có chứa nhựa, khiến chúng rất khó phân hủy. Và khi lọt ra ngoài đại dương, các loài sinh vật biển có thể nhầm giấy ướt với sứa, dẫn đến việc chuỗi thức ăn bị xáo trộn và gây tổn hại nghiêm trọng.

Đó là chưa tính đến các hóa chất có tiềm năng gây nguy hiểm tồn tại trong một số loại giấy ướt nữa.

Cập nhật: 18/11/2019 Theo helino
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video