"7 phút kinh hoàng" của robot NASA trên sao Hỏa

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chia sẻ đồ họa mô tả quá trình nguy hiểm mà robot nặng một tấn phải vượt qua để đáp xuống sao Hỏa hôm 18/2/2021.

Robot Perseverance sẽ đáp xuống miệng hố Jezero trên sao Hỏa để nghiên cứu bằng chứng về sự sống trong quá khứ. Nhưng để tiến hành nhiệm vụ, đầu tiên robot cần tiếp đất nhẹ nhàng. Trình tự thao tác cần thực hiện để hạ cánh xuống sao Hỏa thường được gọi là "7 phút kinh hoàng" vì nhiều lý do. Robot tự hành phải thực hiện quá nhiều thao tác trong thời gian cực ngắn, nếu không nó có thể đâm thẳng xuống bề mặt hành tinh. Hơn nữa, tất cả đều diễn ra tự động.


Đồ họa về quá trình hạ cánh của robot tự hành Perseverance. (Video: NASA).

Với khoảng cách 209 triệu km giữa Trái đất và sao Hỏa, mọi thứ trong video của NASA đều được điều khiển bởi máy tính tích hợp trên robot. Đầu tiên, ở độ cao hơn 100km bên trên sao Hỏa, robot Perseverance sẽ đối mặt với những luồng khí trong khí quyển. Ở thời điểm này, Perseverance vẫn nằm trong khoang bảo vệ và di chuyển ở 20.000km/h. Trong hơn 400 giây, hệ thống hạ cánh sẽ giảm tốc độ xuống chưa đến 1m/giây khi chuẩn bị tiếp đất.

Tấm chắn nhiệt đóng vai trò rất quan trọng. Khi khoang chứa robot lao sâu hơn qua khí quyển sao Hỏa, nó trở nên siêu nóng với nhiệt độ trên 1.000 độ C, nhưng cùng lúc, lực cản làm giảm đáng kể tốc độ rơi. Vào thời điểm dù siêu thanh mở ra từ phía sau khoang chứa, tốc độ của nó đã giảm xuống 1.200km/h. Perseverance sẽ bay với bộ dù rộng 21,5m trong hơn một phút.

Tuy nhiên, đó chưa phải là giai đoạn phức tạp nhất. Ở độ cao 2km, khi đang bay với tốc độ 100m/s, robot Perseverance và thiết bị phản lực tách khỏi khoang bảo vệ. Tiếp đó, 8 động cơ khai hỏa để giúp robot bay lơ lửng bên trên mặt đất. Dây thừng nylon được sử dụng để phương tiện có bánh trị giá hàng tỷ USD hạ thấp dần xuống đất. Khi Perseverance tiếp xúc với mặt đất, nó phải lập tức cắt dây cáp nối để khỏi bị kéo lê phía sau thiết bị phản lực.


Công cụ định vị đã được cải tiến để Perseverance hạ cánh chuẩn xác hơn.

Trình tự trên rất giống quá trình mà robot tự hành gần nhất của NASA, Curiosity, trải qua trên bề mặt sao Hỏa cách đây 8 năm. Tuy nhiên, công cụ định vị đã được cải tiến để Perseverance hạ cánh chuẩn xác hơn. Việc tiếp đất sẽ diễn ra vào chiều tối trên sao Hỏa. Vào ngày robot hạ cánh, thời gian để tín hiệu vô tuyến truyền từ sao Hỏa tới Trái đất là 700 giây, có nghĩa khi NASA nhận thông báo từ Perseverance cho biết nó đã tiến vào tầng trên cùng của khí quyển, phương tiện có thể đã "chết" hoặc vẫn sống sót trên bề mặt hành tinh. Robot sẽ ghi lại quá trình tiếp đất bằng camera và microphone. Dữ liệu sẽ được truyền về Trái đất sau khi hạ cánh nếu Perseverance sống sót.

Trên bề mặt sao Hỏa, Perseverance sẽ nghiên cứu sự sống vi sinh vật trong quá khứ, thu thập mẫu vật đất đá và chuẩn bị cho những nhiệm vụ có người lái trong tương lai. Đây là một trong những cỗ máy tiên tiến nhất từng được phóng tới sao Hỏa, trang bị một mũi khoan để lấy mẫu vật gửi về Trái đất sau này.

Cập nhật: 25/12/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video